Chiến khu Thuận - An - Hòa: Rạng ngời lịch sử - Sáng ngời tương lai

Cập nhật: 31-08-2012 | 00:00:00

Trong kháng chiến Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa từng là vùng chiến khu, một thời làm kẻ thù khiếp sợ, góp phần không nhỏ vào những chiến công lẫy lừng của quân và dân Thủ Dầu Một - Bình Dương. Phát huy truyền thống đó, vùng Chiến khu Thuận - An- Hòa năm nào giờ đã khoác lên mình chiếc áo mới được thêu dệt nên bởi bàn tay của những con người cần cù, chịu thương chịu khó nơi đây. Bia tưởng niệm Chiến khu Thuận - An – Hòa

Một thuở hào hùng

Chiến khu Thuận - An - Hòa là tên ghép của một vùng đất thuộc phạm vi xã Thuận Giao, An Phú và Bình Hòa của huyện Lái Thiêu (nay là TX.Thuận An). Trước sự đánh phá ác liệt của quân địch, quân dân Thuận - An - Hòa đã một lòng, một dạ dồn hết sức người, sức của cho cách mạng; vượt qua mọi hiểm nguy, hy sinh để giữ lấy vùng đất thiêng liêng này. Cụ thể, tháng 8-1963, Huyện ủy Lái Thiêu quyết định mở đợt chống phá ấp chiến lược trên quy mô toàn huyện, trọng điểm là các xã An Thạnh, An Sơn, Tân Hiệp và khu Thuận - An - Hòa để mở rộng vùng căn cứ. Được tăng cường Đại đội 304 của tỉnh, lực lượng vũ trang huyện cùng du kích xã đã bao vây tiến công một số đồn bót của địch trên địa bàn Thuận Giao, Bình Chuẩn. Các phường Bình Nhâm, An Phú, An Sơn kết hợp chặn đánh bọn đi càn quét bên ngoài. Tự vệ mật các xã tham gia tháo gỡ hàng rào, kẽm gai, nhổ cọc sắt... hỗ trợ quần chúng phá bờ đê, ấp chiến lược. Đến giữa năm 1964, đại bộ phận các ấp chiến lược của địch trên địa bàn huyện Lái Thiêu đều bị phá rã. 3 xã Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa thành vùng giải phóng.

Ngày 4-6-1965, lần đầu tiên quân Mỹ (Lữ đoàn dù 173 Mỹ) mở cuộc hành quân càn quét vào Chiến khu Thuận - An - Hòa. Dựa vào hệ thống địa đạo, các ô ụ chiến đấu và giao thông hào, lực lượng C63 của huyện cùng du kích các xã Bình Hòa, An Phú, Bình Chuẩn đã chiến đấu rất dũng cảm. Sau 3 ngày đánh trả quyết liệt, Lữ đoàn dù 173 đã thất bại cay đắng trước sự kiên cường của quân và dân Thuận - An - Hòa. Điều này chứng tỏ, mặc dù Mỹ có hỏa lực mạnh, có xe tăng, khả năng cơ động tác chiến hiện đại nhưng với lòng quyết tâm của quân dân ta hoàn toàn có thể đánh thắng được Mỹ. Với khí thế đó, từ đây đã nổi lên nhiều gương chiến đấu anh dũng làm cho quân Mỹ khiếp sợ, như: Trần Thị Hoa, Từ Văn Phước, Lê Thị Trung...   Lớp trẻ Bình Hòa đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ

Trong hai cuộc chiến, trước nhiều trận càn quét của địch, Thuận - An - Hòa vẫn làm điểm tựa vững chắc cho cách mạng địa phương và các vùng phụ cận; đồng thời là cầu nối liên thông về các căn cứ Chiến khu Đ, Long Nguyên, Bến Cát, Khu 5... Chính vì thế, Chiến khu Thuận - An - Hòa là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, nhân dân, các lực lượng vũ trang 3 xã nói trên, TX.Thuận An nói riêng và của tỉnh Bình Dương nói chung.

Thuận - An - Hòa chuyển mình đổi mới

Hơn 30 năm chiến tranh đã đi qua, Đảng bộ, chính quyền cùng quân và dân Thuận - An - Hòa đã và đang bắt tay vào khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, chung tay góp sức xây dựng quê hương. Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội ở đây không ngừng được khởi sắc, đời sống người dân các địa phương trong vùng đã không ngừng được nâng lên về mọi mặt. Về với Thuận Giao, chúng tôi đã cảm nhận được sự đổi thay từng ngày. Trên các tuyến đường chính, nhiều công ty, xí nghiệp mọc lên như nấm đã thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ của vùng đất này.   Trung tâm VHTT phường An Phú một trong những điển hình hoạt động hiệu quả

Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Giao, cho biết: Để đáp ứng kịp thời sự phát triển của nền kinh tế, Thuận Giao ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo đó, các tuyến đường giao thông đã được xây dựng khang trang, hệ thống trường học, trạm y tế cũng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu học tập cũng như chăm sóc sức khỏe nhân dân... Từ đó, số hộ nghèo giảm từ 87 hộ (năm 2007) còn 17 hộ. Kinh tế ổn định và phát triển, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt hơn, người dân tích cực tham gia tốt các phong trào của địa phương. Trong năm 2011, gần 93,2% số hộ dân đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 2 khu phố đạt khu phố văn hóa, 2 khu phố đạt khu phố tiên tiến; gia đình nào cũng có phương tiện nghe, nhìn, đi lại; con cái được học hành, người lao động có công ăn việc làm ổn định ngay tại địa phương...

Đến với An Phú những ngày tháng 9 lịch sử, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi từ diện mạo cơ sở hạ tầng đến cuộc sống của người dân ở vùng chiến khu này. Theo báo cáo của UBND phường, toàn phường hiện có 602 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đến nay phường đã có 2.772 cơ sở dịch vụ thương mại đăng ký bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau. Với sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp và dịch vụ, An Phú là một trong những phường đóng góp lớn về ngân sách Nhà nước của TX.Thuận An. Chủ tịch UBND phường An Phú Tống Văn Năm, cho biết: “Những năm gần đây, tranh thủ sự giúp đỡ, đầu tư của Nhà nước và các nguồn lực khác, nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được triển khai trên địa bàn, góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt của phường”. Ông Năm chia sẻ: Phường đã dần hướng đến con số 0 hộ nghèo. Hiện nay cả phường còn 5 hộ nghèo và phấn đấu sẽ đưa 5 hộ trên thoát nghèo trong năm nay.  An Phú đang ngày một thay da đổi thịt

Rời An Phú, chúng tôi đến Bình Hòa. Vùng đất chiến khu ngày nào đã có nhiều thay đổi. Đảng bộ, chính quyền phường Bình Hòa đã tích cực chăm lo cho cuộc sống người dân, khuyến khích người dân thi đua lao động sản xuất, làm giàu chính đáng trên vùng đất một thời được cha ông ra sức gìn giữ. Nơi đây ngày càng xuất hiện nhiều công ty, xí nghiệp mọc lên trên vùng đất chiến khu xưa. Song song với phát triển kinh tế, các cấp, các ngành ở địa phương tập trung vào phát triển giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa mới. Hiện công tác xã hội hóa giáo dục được các tầng lớp nhân dân ủng hộ nhiệt tình, nhờ đó chất lượng giảng dạy không ngừng nâng cao. Nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa được các cấp ủy Đảng và chính quyền đặc biệt quan tâm. Phường thường xuyên tổ chức các buổi học tập, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; phát động phong trào xây dựng đời sống văn hóa cấp cơ sở... đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ông Ngô Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND phường, phấn khởi: “Tính đến thời điểm này, toàn xã chỉ còn 7 hộ nghèo, giảm 6 hộ so với năm 2011. Về văn hóa - xã hội, đến cuối năm 2011, toàn phường đã công nhận gần 4.400 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, chiếm 94,6%; khu nhà trọ văn hóa có 1.296 hộ đạt 68,39%. Lĩnh vực giáo dục, năm 2011 tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 98,5%...”.

Với những thành tựu đạt được càng là động lực và quyết tâm để Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân vùng Chiến khu Thuận - An - Hòa nỗ lực hơn nữa trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng đổi mới và phát triển đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

HUY BÌNH - THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=786
Quay lên trên