Chiến khu Vĩnh Lợi: “Tỉnh lỵ kháng chiến” của cách mạng địa phương

Cập nhật: 20-11-2020 | 20:55:55

Từ trung tâm TX.Tân Uyên đi về hướng xã Vĩnh Tân khoảng 15km, tiếp tục đi theo đường LT742 (đường 15 cũ) khoảng 1km sẽ tới di tích. Đây được xem là một trong những “địa chỉ đỏ” chứa đựng nhiều giá trị về mặt lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng, là nơi về nguồn ý nghĩa đối với các thế hệ...

Chiến khu Vĩnh Lợi là nơi về nguồn ý nghĩa của các thế hệ

Thăm lại chiến khu xưa

Chiến khu Vĩnh Lợi đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng khu tưởng niệm với diện tích rộng hơn 5 ha. Đường đến di tích khá thuận tiện cho cả ô tô và xe máy.

Theo lịch sử địa phương, Vĩnh Lợi là một ấp của xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương (xưa thuộc tổng Bình Điền, tỉnh Thủ Dầu Một). Chiến khu Vĩnh Lợi được hình thành vào năm 1946 trên một vùng đất cao ráo, được xây dựng giữa 3 khu rừng lớn của xã Vĩnh Tân (rừng Cầy Bộng, rừng Sở Tiểu và rừng Thầy Cai) rộng hơn 300 ha, được bao bọc bởi 2 con suối là: Suối Cái (suối cầu Thợ Ụt) và suối Vĩnh Lợi ở hướng đông nam, hướng đông - tây có hai trục lộ giao thông chạy về hướng bắc tạo sự liên thông với Chiến khu Đ, Chiến khu Thuận An Hòa.

Ông Nguyễn Tấn Phát, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TX.Tân Uyên, cho biết căn cứ Vĩnh Lợi là cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của xã, huyện và tỉnh trước đây. Đây cũng là nơi tổ chức xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng. Trong thời kỳ cách mạng, tại đây đã hình thành một lực lượng lớn gồm 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, du kích tập trung và du kích xã, ấp. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Chiến khu Vĩnh Lợi là căn cứ của Huyện ủy Châu Thành.

Năm 1947, Huyện ủy Châu Thành được thành lập tại căn cứ Vĩnh Lợi do đồng chí Đổng Văn Tài làm Bí thư, đồng chí Trương Văn Nghỉ (Hai Phong) phụ trách lực lượng vũ trang. Sau khi thành lập, Huyện ủy tập trung xây dựng thêm nhiều chi, Đảng bộ tại xã Vĩnh Tân và các xã lân cận để trực tiếp chỉ đạo phong trào kháng chiến.

Để bảo vệ căn cứ, quân và dân Huyện ủy Châu Thành tổ chức nhiều cuộc chống càn tại khu căn cứ và các xã lân cận, buộc quân Pháp phải rút bỏ đồn Thợ Ụt (cuối năm 1947). Từ đó, khu căn cứ được mở rộng về phía đông, nối liền với Chiến khu Đ rộng lớn. Tại căn cứ, Huyện ủy chỉ đạo tiến hành xây dựng một hàng rào chiến đấu dài trên 20km từ Thái Hòa chạy qua các xã Tân Phước, Tân Hóa, Tân Hiệp, Phú Chánh đến ấp 1, xã Vĩnh Tân. Bên ngoài hàng rào có hầm chống chiến xa. Bên trong trồng tre, cây dứa gai, bố trí hầm chông, hố đinh, có cửa ra vào khu cơ quan. Lực lượng bộ đội thì xây dựng chiến hào, ụ chiến đấu, sẵn sàng đánh địch khi chúng càn quét.

Đến năm 1948, địch huy động 1 tiểu đoàn lính Âu Phi và lực lượng thân binh Cao Đài mở cuộc càn quét vào khu vực Vĩnh Lợi - Bình Chánh- Thái Hòa. Quyết tâm chặn đánh địch, lực lượng du kích Vĩnh Tân và của 2 xã bạn đã phối hợp cùng với bộ đội 301 của tỉnh Thủ Dầu Một chiến đấu dũng cảm, diệt và làm bị thương gần 120 tên, phá hủy 1 cối 120 ly. Cuộc chống càn thắng lợi trong điều kiện còn thiếu thốn về vũ khí đã làm cho lực lượng ta phấn chấn, đồng bào vui mừng và tin yêu cách mạng.

Tháng 1-1950, Khu ủy miền Đông, tỉnh Thủ Dầu Một triệu tập hội nghị tại Sở cao su Trao Trảo để khẳng định cuộc kháng chiến là toàn dân, toàn diện và trường kỳ. Sau Hiệp định Gieneve, đầu tháng 8-1954 tại Chiến khu Vĩnh Lợi, Huyện ủy Châu Thành đã tổ chức trọng thể cuộc mít tinh mừng chiến thắng và tiễn đưa đoàn quân trong huyện tập kết ra miền Bắc. Từ thời gian này, mọi hoạt động của lực lượng cách mạng miền Nam nói chung và lực lượng huyện Châu Thành nói riêng tiến hành chôn dấu vũ khí, rút vào hoạt động bí mật.

Chiến đấu đến ngày thắng lợi

Từng trang sử gắn liền với vùng đất này luôn chứa đựng những giá trị to lớn về truyền thống đấu tranh của quân và dân địa phương. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng hoạt động ở Chiến khu Vĩnh Lợi đã tổ chức đào hầm bí mật, địa đạo, đắp ụ chiến đấu… quyết bám trụ, bám địa bàn chiến đấu và tổ chức những trận chống càn giữ vững căn cứ, chiến khu.

Giữa năm 1961, đội du kích xã Vĩnh Tân phối hợp với lực lượng C.62 Châu Thành và một bộ phận của C.304 tỉnh Thủ Dầu Một tiến đánh đồn Bến Xoài, đồng thời bao vây bót cầu Thợ Ụt không để cho địch ứng cứu lẫn nhau. Mặc dù trận này ta chưa tiêu diệt được bót Bến Xoài nhưng đã có tác động mạnh đến tinh thần bọn lính đóng ở đây. Hoang mang, lo sợ ngày đêm, nên sau đó chúng đã phải rút bỏ bót Bến Xoài ra đồn bót cầu Thợ Ụt.

Khi Hiệp định Pa-ri được ký kết ngày 27-1-1973, lực lượng cách mạng phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, cũng là lúc quân địch ở thế sa lầy. Bọn ngụy quyền tăng cường càn quét, tập trung đánh phá vùng căn cứ, vùng ven đô, thôn xóm dân cư… hòng làm giảm tốc độ lớn mạnh của lực lượng giải phóng quân. Từ 1973- 1974, các lực lượng vũ trang cách mạng, như: Tiểu đoàn Phú Lợi, Đại đội Đặc công 73, Đại đội 62 Châu Thành cùng du kích xã Vĩnh Tân liên tục phối hợp tổ chức chiến đấu chống các cuộc càn quét của địch vào Chiến khu Vĩnh Lợi, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề. Đầu năm 1975, lực lượng vũ trang cách mạng phát triển mạnh mẽ, liên tục tổ chức các cuộc chống càn vào khu vực Ông Đông, Bà Tri, gây thiệt hại nặng nề cho kẻ thù. Ngày 29-4-1975, Tỉnh ủy tập trung hơn 400 cán bộ tại căn cứ Rừng Tre xã Vĩnh Tân, triển khai kế hoạch khởi nghĩa tiến về giải phóng Thủ Dầu Một...

Phát huy giá trị

Chiến khu Vĩnh Lợi là biểu tượng, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, nhân dân, các lực lượng vũ trang của huyện Châu Thành và tỉnh Thủ Dầu Một - Bình Dương. Với những giá trị về mặt lịch sử, ngày 7-12-2010, Chiến khu Vĩnh Lợi đã được UBND tỉnh Bình Dương xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Tấn Phát cho biết nhằm góp phần giáo dục truyền thống cho nhân dân, cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, việc trùng tu, tôn tạo di tích Chiến khu Vĩnh Lợi luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Tại nơi Chiến khu Vĩnh Lợi ra đời đầu tiên, Khu tưởng niệm Chiến khu Vĩnh Lợi đã được UBND TX.Tân Uyên đầu tư xây dựng trên diện tích hơn 5 ha, bao gồm các hạng mục: Tượng đài chiến thắng, đền thờ tưởng niệm, nhà bia ghi danh, sân hành lễ, khu cây xanh cảnh quan và phục chế lại hệ thống địa đạo, giao thông hào, hầm chiến đấu… “Đây là việc làm hết sức ý nghĩa và quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử địa phương về một thời đấu tranh giành tự do độc lập của thế hệ cha anh đi trước”, ông Phát nói.

Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi gắn với công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, quảng bá hình ảnh giá trị lịch sử cách mạng và phát triển du lịch trên địa bàn TX.Tân Uyên, UBND thị xã cũng đã ban hành kế hoạch quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích giai đoạn 2018-2020. Thực hiện kế hoạch này, trong thời gian qua, Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động góp phần phát huy giá trị di tích; đặc biệt là các hoạt động về nguồn, tham quan khu di tích nhằm giáo dục truyền thống cho đoàn viên, hội viên và học sinh trên địa bàn.

Trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, Chiến khu Vĩnh Lợi đã đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Các lực lượng trú đóng ở đây vừa xây dựng, vừa chiến đấu bảo vệ căn cứ, nhờ đó Chiến khu Vĩnh Lợi đã giữ vững và phát huy vai trò là căn cứ hậu cần, bàn đạp vững chắc trong kháng chiến. Cùng với phong trào cách mạng của địa phương, Chiến khu Vĩnh Lợi đã góp phần vào thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, mà cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2179
Quay lên trên