Sau gần 5 tháng diễn ra cuộc nổi dậy dân sự, chính quyền của Tổng thống Sebastián Pinera đã không thành công trong việc trấn áp cuộc vận động xã hội to lớn đó nhưng lại có vẻ thành công trong việc thiết lập và áp đặt một lối thoát chính trị thông qua qua con đường thể chế cho cuộc khủng hoảng từ hơn nửa năm trước.
Một trong các nhân tố chính trị và xã hội đang chuẩn bị tham gia tích cực vào tiến trình lập hiến là đảng Dân chủ Thiên chúa giáo. Đảng này đã phát động phong trào “Tôi thông qua” trên các mạng xã hội dưới sự chỉ đạo của nhân vật mang tính biểu tượng cao là Carmen Frei, con gái của cố Tổng thống Eduardo Frei Montalva, nhân vật luôn phản đối kịch liệt Hiến pháp 1980 - vốn được soạn dưới thời nhà độc tài quân sự Augusto Pinochet - và là người được cho là bị sát hại chính bởi lập trường này.
Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử Chile, bên cạnh câu chuyện về lập trường của ông Frei Montalva thì Tổng thống đầu tiên của Chile trong thời kỳ dân chủ mới Patricio Aylwin (1990-1994) - cũng thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo - chính là người vào năm 1984 (chỉ 4 năm sau khi bản hiến pháp gây tranh cãi trên được thông qua và 2 năm trước khi ông Frei Montalva bị ám sát) đã đưa ra lập luận rằng cần phải gác lại cuộc tranh luận về tính hợp lý của văn bản luật cơ bản này và chấp nhận nó trong thực tế. Đây chính là quan điểm giúp cho bản hiến pháp trên kéo dài tuổi thọ cho tới tận hôm nay.
Bà Carmen Frei, con gái của cố Tổng thống Eduardo Frei Montalva.
Lựa chọn hiện tại của đảng này rõ ràng là tìm cách đại diện cho bộ phận dân sự có thái độ ôn hòa, ủng hộ hệ thống, phản đối bạo lực xã hội - chính trị từng có trong làn sóng vận động xã hội vừa qua. Lời kêu gọi ủng hộ đề xuất sửa đổi hiến pháp được đưa ra là nhằm vào tầng lớp trung lưu và người cao tuổi.
Một khối liên kết chính đảng và tổ chức xã hội đã được thành lập với mục tiêu tối thượng là tích cực tham gia tiến trình lập hiến mà giới cầm quyền đưa ra và kêu gọi bỏ phiếu thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào ngày 26-4 sắp tới. Khối liên kết này bao gồm đảng Tiến bộ (PRO), đảng Cộng sản Chile, đảng Công bằng, đảng Cánh tả tự do, đảng Liên bang khu vực và đảng Wallmapuwen của thổ dân Mapuche. Khối cử tri mà liên kết này nhắm tới là nền tảng ủng hộ của các đảng trên, bao gồm chủ yếu là học sinh, sinh viên, những công dân mang nặng quan điểm địa phương và lao động thuộc một số ngành nghề.
Đồng thời, cũng có một số chính đảng mới được hình thành tại Chile, dự định tham gia với tư cách là các tổ chức chính trị độc lập vào cuộc trưng cầu dân ý, như đảng Phẩm giá hay Phong trào công dân lập hiến.
Hình ảnh một cuộc nổi dậy dân sự tại Chile.
Tóm lại, đây là những thành phần xã hội - chính trị có liên quan tới phe đối lập với tổng thống nhưng lại không chống lại hệ thống chính trị hiện hành. Lập trường của họ chưa rõ ràng, khi đối đầu với cả giới cầm quyền lẫn các lực lượng của cuộc nổi dậy dân sự vừa qua. Các khối liên minh theo quan điểm này chiếm từ 68% đến 70% số cử tri mà từ tháng 10-2019 tới nay không tham gia các cuộc biểu tình hay xuống đường tuần hành.
Cũng có một luồng tư tưởng đang nổi lên đề xuất về một tiến trình lập hiến trực tiếp, không thông qua nghị viện đương nhiệm và kết thúc với việc hình thành một quốc hội lập hiến tự vận động đa sắc tộc. Quan trọng nhất trong số các tổ chức dân sự vận động theo xu hướng này là Ban điều phối các hội đồng địa phương (CAT). Các nhà quan sát coi sáng kiến này là một biến thiên chính trị của yêu cầu khá rộng rãi về việc thành lập một quốc hội lập hiến tự chủ ở Chile.
Và cuối cùng, sẽ là một bức tranh không hoàn chỉnh nếu không nhắc tới các thành phần quật khởi, đặc biệt là những người được coi là tuyến đầu của đội quân quần chúng, đã hoạt động không ngừng nghỉ tại quảng trường Danh giá từ tháng 10-2019 đến nay.
Đây là thành phần được cho là chống đối hệ thống và tư bản. Họ không có bất cứ ràng buộc nào để phải trung thành hay tận tụy với một hệ thống xã hội mà trong nhiều thập kỷ qua đã gạt họ ra ngoài lề và đẩy họ vào một cuộc sống không có tương lai. Chính cuộc nổi dậy dân sự vừa qua đã mang lại cho họ một lý tưởng để sống và tồn tại, khiến họ được chú ý, được thừa nhận, được coi trọng và thậm chí là được bảo vệ. Các cuộc đối đầu liên tục và nảy lửa với cảnh sát và các lực lượng thực thi pháp luật giúp họ duy trì tinh thần đấu tranh, trở nên kiến cường.
Và theo dự báo, rất khó để những nhân tố này chấp nhận tham gia cuộc trưng cầu dân ý vào cuối tháng 4 này hay thậm chí là tiến trình lập hiến tự chủ vì cả tiến trình này rốt cuộc cũng hướng tới một thể chế chính trị mà về lâu dài cũng sẽ áp bức và khép họ vào kỷ luật. Nhưng cho dù tiến trình lập hiến nào được thúc đẩy tới đây tại Chile thì những người nổi dậy thực sự sẽ không còn giữ vai trò là những nhân tố chính trị chiến lược như giai đoạn vừa qua nữa.
Họ không biến mất nhưng sẽ quay lại vị thế của những người cận vệ, lùi về tuyến sau và nhường lại vị trí tiền tiêu cho các nhân tố thể chế hóa. Tóm lại, các nhân tố xã hội và chính trị này đã mở ra một tình thế mới trong hiện tại nhưng họ sẽ không phải là những người khép lại nó, ngoại trừ trường hợp bùng nổ một cuộc nổi dậy dân sự khác.
Tương lai chính trị của Chile vì thế vẫn chưa thể xác định.
Theo CAND