Không còn phải “mang chuông đi đánh xứ người”, giờ đây, những “tín đồ” của tơ lụa và văn hóa Việt Nam cũng như du khách quốc tế có thể tìm được không gian văn hóa truyền thống ngay tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội).
Không gian giới thiệu làng lụa đũi Nam Cao.
Hành trình “sống lại” của làng nghề
Ngôi nhà sơn màu vàng óng như tơ của Hanhsilk thu hút du khách ngay khi mới đặt chân vào Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Chị Lương Thanh Hạnh, chủ doanh nghiệp xã hội Hanhsilk chia sẻ, giống với quan niệm của các cụ xưa - “an cư lạc nghiệp”, Hanhsilk đặt nền móng cho một địa chỉ tin cậy cho nhân dân và du khách tới Hà Nội. Nhưng để có được ngày hôm nay, Hanhsilk đã đi một hành trình dài, cũng vất vả ngược xuôi chẳng kém gì những người nông dân giữ nghiệp “nuôi tằm ăn cơm đứng”.
Bén duyên với tơ lụa từ năm 2011 - 2012, nhưng phải tới năm 2014 chị Hạnh mới bắt đầu đầu tư vào làng đũi xã Nam Cao (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Nhiều người nói chị liều lĩnh, thậm chí là “điên” khi chọn thời điểm làng nghề đã mai một để thuyết phục người dân cùng khôi phục làng nghề truyền thống. Nhưng nhìn những khung cửi phủ bụi, những cánh đồng dâu bạt ngàn giờ nhường chỗ cho phố thị, chị Hạnh không đành lòng. Rất may là trong làng có nhiều người vẫn tâm huyết với nghề của cha ông, đã dần dần ủng hộ, góp công góp sức thành lập HTX Lụa đũi Nam Cao, tới nay đã có gần 100 hộ gia đình tham gia.
Mấy năm gần đây, thị trường tơ lụa Việt Nam bị chao đảo bởi hàng giả, hàng nhái. Sản phẩm tơ lụa truyền thống phải vượt qua không ít thử thách để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, trong đó có Hanhsilk. “Ăn thật, làm thật” là phương châm kinh doanh của Hanhsilk, để mọi người có thể kiểm chứng từ những gì mà Hanhsilk làm.
Nhờ đầu tư bài bản vào thiết kế, nâng cao chất lượng sản phẩm từ việc chuẩn hóa quy trình, minh bạch nguồn gốc, cam kết sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường, Hanhsilk đã gây ấn tượng tốt tại các hội chợ, triển lãm, festival làng nghề truyền thống... Tâm huyết với di sản cha ông để lại, các nghệ nhân của làng lụa đũi Nam Cao đã đồng hành cùng với doanh nghiệp xã hội này trong hành trình khẳng định thương hiệu. Trong mỗi chuyến mang văn hóa Việt ra thế giới, hành trang của những người dân làng nghề Nam Cao lỉnh kỉnh nong tằm, khung cửi, thoi dệt. Nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội cũng tổ chức những giờ ngoại khóa, mời nghệ nhân của làng đến trình diễn.
Dù ở đâu, những nghệ nhân làng lụa đũi bình dị áo nâu cũng miệt mài quay tơ, se sợi để người xem được tận mắt thấy những thớ lụa óng ả làm từ mồ hôi, công sức và cả lòng tự hào của người làng nghề. Từ đó, thương hiệu lụa Nam Cao và Hanhsilk được nhiều người biết và tìm tới. Đó cũng là lý do thôi thúc chị Hạnh tìm nơi “an cư lạc nghiệp” cho đứa con tinh thần của mình, cũng là không gian giúp các nghệ nhân có thể ngồi lại lâu hơn để giới thiệu về niềm tự hào quê mình.
Không gian trải nghiệm độc đáo
Tuy mới khai trương chưa lâu nhưng không gian rộng rãi, ấm cúng trong Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam vừa là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm lụa đũi Nam Cao, vừa là nơi các nghệ nhân từ quê lúa Thái Bình lên trình diễn cách ươm tơ dệt lụa truyền thống.
Để tạo sức hấp dẫn cho sản phẩm, Hanhsilk đầu tư kỹ cho khâu thiết kế để cho ra đời những chiếc khăn, áo dài lụa độc đáo, có tính thẩm mỹ cao với vẻ đẹp cốt lõi là sự mộc mạc, truyền thống. Những kệ hàng bày bán khăn lụa thường đông khách tìm tới nhất, bên cạnh đó là các trang phục áo dài, váy, đồ lưu niệm dành cho du khách. Khi biết tới địa chỉ này, chị Nguyễn Thị Phương Linh (đường Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) đã đến tìm hiểu, mua sản phẩm lụa để tặng cho bạn bè. Chị Linh chia sẻ: “Tôi may mắn tới đúng dịp các cô bác của làng lụa đũi Nam Cao lên trình diễn, nên được tận mắt chứng kiến quá trình dệt lụa. Nhiều du khách tới đây cũng trầm trồ thích thú khi được chạm tay vào những nong kén, cầm những bó tơ vàng óng. Nhìn tận mắt, chạm tận tay nên tôi tin tưởng đây là những sản phẩm lụa Việt đúng nghĩa”.
Trong thời gian qua, không gian trưng bày này đã là một địa chỉ mới cho du khách khi tới Hà Nội để hiểu thêm về văn hóa truyền thống, trong đó có sản phẩm lụa và gốm. Chị Lương Thanh Hạnh cho biết, ý định tạo ra một điểm đến giới thiệu về làng nghề xuất phát từ chính nhu cầu của bản thân, khi con chị đi học về tâm sự bạn bè của mình không biết con tằm là gì. “Khi đó, tôi mới nung nấu ý định mở các chương trình trải nghiệm học đường cho các bạn nhỏ ở thành phố, các du khách nước ngoài tới Hà Nội hay cả các bạn học sinh nước ngoài muốn tìm hiểu truyền thống văn hóa Việt Nam”, chị chia sẻ.
Nỗ lực xây dựng Hanhsilk là nơi tìm hiểu văn hóa của Đồng bằng Bắc Bộ nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung đã nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng. “Chúng tôi đã có những đối tác là các trường học của Singapore đặt lịch tới tham quan và trải nghiệm tại đây trong tháng 9 này. Ngay tại Hà Nội, các gia đình cũng hào hứng đưa con tới đây. Trẻ em thành phố chỉ biết tới con tằm, nong kén trong ca dao tục ngữ. Giờ được nhìn thấy, các em đều hân hoan vô cùng”, chị Hạnh tự hào nói.
Không chỉ kỳ vọng là một điểm nhấn trong hành trình city tour ở Thủ đô, Hanhsilk còn mong muốn kết nối để tổ chức các chương trình du lịch trải nghiệm làng nghề cho du khách từ Hà Nội về Thái Bình. Theo lịch trình đó, du khách sẽ được trải nghiệm một ngày làm nghệ nhân làng lụa, cùng tham gia vào các khâu sản xuất để tạo ra sản phẩm. Từ đó, du khách có thể tìm hiểu sâu hơn về nghề dệt lụa đũi cũng như vùng quê lúa Thái Bình - nơi còn giữ gìn được hình ảnh những làng quê Bắc Bộ truyền thống. Những yếu tố văn hóa đặc sắc ấy chính là nét hấp dẫn du khách, tạo nên sản phẩm và thương hiệu cho Hanhsilk cũng như làng lụa đũi Nam Cao.
Theo HNM