Vào cao điểm mùa khô, các cơ quan chức năng và người dân ở huyện Dầu Tiếng đã triển khai các giải pháp phòng chống cháy rừng cao su.
Cẩn thận cháy mùa khô
Vào lúc 10 giờ 50 phút ngày 13-3-2019, tại lô cao su thuộc ấp Long Nguyên, xã Long Hòa đã xảy ra 1 vụ cháy lô cao su của tiểu điền gây thiệt hại khoảng 7 ha cao su. Tài sản cứu được là 1 xưởng cưa xẻ gỗ, 1 nhà dân và 50 ha cao su liền kề. Nguyên nhân xảy ra vụ cháy trên do người dân đốt cỏ gây cháy lan. Đám cháy đã được dập tắt vào lúc 12 giờ 20 phút cùng ngày, Trước đó, vào lúc 14 giờ 25 phút ngày 28-2 cũng đã xảy ra vụ cháy tại lô cao su bàu Ba Thằng Bư thuộc KP.1, thị trấn Dầu Tiếng. Tổng diện tích khoảng 2 ha cao su. Tài sản cứu được khoảng 30 ha cao su liền ranh. Chất cháy chủ yếu là lá cao su, cỏ khô. Thiệt hại khoảng 2 ha cao su.
Những ngày này đang bước vào cao điểm mùa khô, thời tiết nắng nóng hanh khô, cũng là lúc các vườn cây cao su kết thúc chu kỳ rụng lá, thảm thực bì dưới tán cao su dày, rất dễ bắt lửa gây cháy. Trước tình hình đó, hiện Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và các nhà vườn cao su tiểu điển trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã tạm ngừng công tác chăm sóc, tập trung phòng, chống cháy nhằm bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại nếu xảy ra cháy.
Công nhân dọn lá cao su nhằm hạn chế bén lửa, cháy lan
Huyện Dầu Tiếng hiện có khoảng 50.000 ha cây cao su, trong đó cao su tiểu điền có 22.850 ha. Xác định nhiệm vụ bảo đảm an toàn để sản xuất và phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu, hàng năm UBND huyện Dầu Tiếng, Ban giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đều đề ra chủ trương, nghị quyết chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các nông trường cao su cần có biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, công nhân và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào phòng cháy chữa cháy, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của công dân, doanh nghiệp. Phối hợp với Đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy, lực lượng công an, quân sự trong công tác phòng chống cháy trong mùa khô.
Theo lãnh đạo các xã An Lập, Long Hòa, Minh Hòa, Long Tân, địa phương có nhiều hộ trồng cao su tiểu điền thì để bảo đảm an toàn cho các vườn cây cao su trong giai đoạn cao điểm mùa khô, UBND xã đã ban hành kế hoạch tổ chức họp, triển khai cho các ban, ngành của xã, ban lãnh đạo các ấp nắm các nội dung cơ bản, từ đó tổ chức tuyên tuyền cho nhân dân, các trang trại cao su trên địa bàn; tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống cháy tại các vườn cây; hướng dẫn, phổ biến các phương án phòng, chống cháy như phát đường băng cản lửa, phát dọn thực bì trong vườn cây, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra cháy… Xã cũng tăng cường phối hợp với các xã giáp ranh để tuyên truyền, hướng dẫn người dân đốt rẫy an toàn, tránh gây cháy rừng, cháy vườn cao su. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND xã và sự phối hợp của nhân dân trong xã, đến thời điểm này vườn cao su trên địa bàn không xảy ra cháy.
Chủ động phòng chống
Ông Tạ Ngọc Bé (ngụ KP.4B, thị trấn Dầu Tiếng), người dân trồng cao su tiểu điền, cho biết bước vào mùa khô năm 2019, khi vườn cây kết thúc chu kỳ rụng lá, gia đình ông đã cho công nhân tạm ngưng cạo để tập trung quét dọn, thu gom xử lý lá cây, phát đường băng cản lửa, kiểm tra các phương tiện phòng, chống cháy; đồng thời, nhắc nhở công nhân không được vứt tàn thuốc khi chưa được dập tắt.
“Đối với doanh nghiệp, để thực hiện tốt công tác phòng chống cháy vườn cao su, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã chỉ đạo các phòng, ban, xí nghiệp, nông trường trực thuộc xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng, huy động sự hỗ trợ chặt chẽ và đồng bộ giữa các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương. Hàng ngày, lực lượng công nhân thay phiên nhau trực gác nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những tính huống có thể xảy ra. Hiện nay, tại các trạm gác lô cao su của công ty đều được trang bị đầy đủ các dụng cụ phòng cháy chữa cháy như chổi, cuốc, thùng đựng nước, bình xịt, kẻng báo cháy… Lực lượng bảo vệ ở các trạm này bảo đảm trực 100% quân số nhằm kịp thời xử lý các tình huống gây cháy”, ông Trần Minh Chánh, Giám đốc Nông trường Cao su Long Tân chia sẻ.
Ông Lê Văn Kim, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, cho biết hiện công ty đã chỉ đạo các nông trường thực hiện tốt công tác cày, dọn cỏ và quét lá khô chống cháy. Đối với vườn cây kiến thiết cơ bản và những lô có nhiều cỏ, nông trường cần tổ chức cày chống cháy sớm, đúng quy trình. Các lô giáp ranh với sông, suối, bưng, trảng và khu vực dân cư tổ chức dọn cỏ bao lô rộng từ 8 - 10m; trong các luồng cây cao su, cần tổ chức quét lá và dọn tàn cây nhằm hạn chế việc bắt lửa hoặc cháy lan. Ngoài khu vực vườn cây, công ty cũng chỉ đạo các nông trường chú ý đến khu vực văn phòng nông trường, nhà kho và khu dân cư; hàng hóa sắp xếp thứ tự, có khoảng cách an toàn; kiểm tra thường xuyên hệ thống bình gas, dây điện; đặc biệt phải có đầy đủ các dụng cụ phòng cháy chữa cháy, nội quy - tiêu lệnh và biển cấm. Công ty cũng bố trí 2 xe cứu hỏa ở khu vực khối phòng, ban công ty, Nhà máy chế biến mủ cao su Bến Súc và Nhà máy chế biến mủ cao su Long Hòa để kịp thời xử lý và ứng cứu khi có tình huống cháy xảy ra.
Cháy vườn cây cao su không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho công ty, các gia đình trồng cao su, mà còn ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của công nhân lao động. Do đó, để bảo đảm vườn cao su trên địa bàn huyện Dầu Tiếng an toàn đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, người lao động và người dân trên địa bàn.
HỒNG NGA