Sau khi được tiêm vắc xin, các trường hợp mắc Covid-19 (F0) hiện nay hầu như không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nên được theo dõi, chăm sóc và điều trị tại nhà, nơi lưu trú. Công tác chăm sóc sức khỏe, điều trị cho F0 cách ly tại nhà được các tuyến y tế cơ sở không ngừng cải thiện, nâng cao hiệu quả.
Chăm sóc tận tình
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, công nhân Công ty TNHH Nhân Hoàng (KCN Đông Nam, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh), ở trọ tại khu phố 5, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, cho hay chị đã được tiêm 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 nhưng cách đây 2 ngày khi thấy trong người mệt mỏi, có biểu hiện ho và sốt nhẹ, chị tự test nhanh Covid-19 thì cho kết quả dương tính. Chị liền gọi điện cho Trạm Y tế phường Hiệp Thành khai báo. Ngay sau đó cán bộ y tế phường xuống test nhanh, lấy mẫu test PCR và cho kết quả dương tính.
Cán bộ y tế phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một thăm khám và phát thuốc điều trị F0 cho chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, khu phố 5. Ảnh: ĐỖ TRỌNG
Do đã được tiêm 2 mũi vắc xin, mắc bệnh triệu chứng nhẹ nên chị Tuyết được cho cách ly điều trị tại phòng trọ. “Nhờ được cán bộ y tế phường thăm khám và phát “Túi thuốc điều trị F0” kịp thời trong vòng 1 tuần, mới uống thuốc được 2 ngày, sức khỏe của tôi đã ổn hơn nhiều, cảm thấy cơ thể không còn mệt mỏi nữa, giờ chỉ ho nhẹ... Cán bộ y tế phường còn cho số điện thoại để liên hệ trực tiếp khi cần tư vấn về sức khỏe”, chị Ánh Tuyết cho hay.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Ý, nhân viên siêu thị Big C Bình Dương, ngụ khu phố 7, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, cho biết ngày 2-11, khi test nhanh Covid-19 cho kết quả dương tính, anh liền gọi điện khai báo với y tế phường, được cán bộ y tế xuống tận nhà test nhanh và lấy mẫu xét nghiệm PCR cho cả gia đình. Kết quả anh và người con trai 8 tuổi dương tính. Do bản thân đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 và có triệu chứng nhẹ nên được cách ly điều trị tại nhà. “Việc thăm khám cũng như phát thuốc điều trị của cán bộ y tế rất kịp thời và chu đáo. Được cán bộ y tế phát “Túi thuốc điều trị F0 tại nhà”, uống thuốc đúng hướng dẫn, chịu khó tập thể dục và ăn uống điều độ nên đến nay sức khỏe của tôi tiến triển ngày một tốt hơn. Các bác sĩ cũng tư vấn cho con trai tôi uống thuốc theo đơn nên đến nay sức khỏe cháu đã ổn định hơn rất nhiều”, anh Ý chia sẻ.
Bà Vương Thị Ngọc Thảo, Phó trạm trưởng Trạm Y tế phường Hiệp Thành, cho biết khi phát hiện, nhận được thông tin báo cáo có trường hợp F0 hoặc nghi mắc Covid-19 (F1), ngay lập tức Trạm Y tế tổ chức cử cán bộ đến tận nơi lấy mẫu xét nghiệm, phát thuốc điều trị và phân công cán bộ y tế phường theo dõi sức khỏe định kỳ, cung cấp số điện thoại cho bệnh nhân liên hệ khi cần giúp đỡ cũng như tư vấn về sức khỏe. Hiện nay, phường Hiệp Thành có khoảng trên 30.000 dân sinh sống, làm việc và cũng là một trong những phường có khu nhà trọ nhiều với số lượng người ở trọ đông của TP.Thủ Dầu Một. Hiện tại phường có 622 trường hợp F0 đang điều trị cách ly tại nhà. Trạm Y tế phường chỉ có 6 cán bộ y tế, một cán bộ đang phục vụ trong khu điều trị cách ly, vì vậy 5 cán bộ y tế còn lại phải đảm nhiệm khối lượng công việc lớn, gồm test nhanh sàng lọc F0 và truy vết F1 trong cộng động, tổ chức tiêm vắc xin, làm thủ tục hoàn thành điều trị cách ly cho F0, F1...
Không ngừng nâng cao hiệu quả
Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong trạng thái “bình thường mới”, với chủ trương cách ly, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, tỉnh đã sắp xếp và tinh gọn lại các bệnh viện dã chiến trên toàn địa bàn. Tuy nhiên, để sống chung với dịch bệnh, mỗi huyện, thị, thành phố đều giữ lại một khu điều trị F0. Trong đó, phát huy vai trò của y tế cơ sở, ngành y tế đẩy mạnh các hoạt động của trạm y tế lưu động (TYTLĐ) tại các xã, phường, thị trấn, khu, cụm công nghiệp nhằm giảm áp lực cho các cơ sở y tế. Các trung tâm y tế có cơ sở điều trị Covid-19 tầng 2 được dùng để chăm sóc sức khỏe cho người bệnh có triệu chứng nặng và nguy kịch.
Ngành y tế yêu cầu các địa phương bảo đảm tất cả các trường hợp F0 tại nhà, nơi lưu trú phải được quản lý, theo dõi, hướng dẫn tự chăm sóc và phát đầy đủ thuốc
Đồng thời, tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động 153 TYTLĐ trong khu dân cư, khu công nghiệp với tổng số 128 y, bác sĩ để đưa y tế đến gần với người dân, người lao động hơn. Các hoạt động của TYTLĐ gồm theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà, hướng dẫn và tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc tại nhà, phát hiện sơ cứu và chuyển viện các trường hợp F0 nặng, test nhanh Covid-19, tổ chức tiêm vắc xin... Tính đến ngày 6-11, toàn tỉnh có 2.475 bệnh nhân F0 điều trị tại nhà.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết việc triển khai công tác cách ly điều trị F0 tại nhà trên địa bàn thành phố được các địa phương thực hiện trên tinh thần tuyệt đối không để trường hợp nào bị thiếu thuốc điều trị, đồng thời ứng phó nhanh và kịp thời những trường hợp diễn biến chuyển nặng để đưa đi cấp cứu kịp thời. Trong đó, các địa phương quan tâm thực hiện tốt từ khâu thăm khám, phát thuốc đến việc tư vấn sức khỏe cho F0... Đặc biệt, các cơ sở y tế, TYTLĐ, Tổ Covid cộng đồng và cán bộ khu phố đều công bố số điện thoại để các trường hợp F0 liên hệ khi cần hỗ trợ giúp đỡ.
Hiện nay, các F0 của tỉnh hầu như không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nên được theo dõi, chăm sóc và điều trị tại nhà, nơi lưu trú. Do vậy, số lượng F0 điều trị cách ly tại nhà, nơi lưu trú tăng cao làm quá tải cho ngành y tế địa phương, người nhiễm khó tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác điều trị cách ly F0 tại nhà, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết Sở Y tế đã ban hành công văn gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố về việc tăng cường công tác chăm sóc, điều trị cho trường hợp F0 tại nhà, nơi lưu trú trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các địa phương khẩn trương thành lập các TYTLĐ trên địa bàn theo hướng dẫn của Sở Y tế; bảo đảm tất cả các trường hợp F0 tại nhà, nơi lưu trú phải được quản lý, theo dõi, hướng dẫn tự chăm sóc và phát đầy đủ thuốc (gồm túi thuốc A, B… tùy theo mức độ của bệnh) theo các hướng dẫn, quy định của ngành y tế; không để xảy ra trường hợp F0 điều trị tại nhà, nơi lưu trú diễn biến nặng hoặc tử vong do không được tiếp cận dịch vụ y tế địa phương.
ĐỖ TRỌNG