Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến, Ủy ban Hành chính Nam bộ và Tổng bộ Việt Minh, ngày 23-9- 1945 quân dân Sài Gòn đã đồng loạt đứng lên, quyết đánh đuổi quân xâm lược đến cùng, không để chúng cướp nước ta lần nữa - đẩy dân ta về kiếp nô lệ lầm than như trước... Đấy cũng là ngòi nổ để quân dân nhiều tỉnh, thành khác ở miền Nam nhất tề vùng dậy - ngày Nam bộ kháng chiến... Nhạc sĩ, ca sĩ Trịnh Thùy Mỹ trong “Âm vang mùa thu”
Và để nhớ về một trang sử hào hùng của dân tộc, một thời với vũ khí chủ yếu là tầm vông vạt nhọn nhưng quân dân ta đã rất kiên cường, anh dũng chiến đấu với quân thù trang bị vũ khí tối tân; nhớ về những người con ưu tú của đất nước đã xả thân vì đại cuộc; nhớ lại một chặng đường lịch sử đầy cam go và cũng đầy tự hào ấy, nhiều nơi trên đất nước ta đã tổ chức kỷ niệm 67 năm Ngày Nam bộ kháng chiến, trong đó có chương trình thơ nhạc “Âm vang mùa thu” tổ chức tại Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận (TP.HCM) vào đêm 18-9 vừa qua. “... Toàn dân quyết đứng chung hàng/ Đánh Tây, đuổi Nhật dựng trang sử hồng...” (trích bài Âm vang mùa thu của Hoàng Duyên)... hay bài “Mùa thu kháng chiến”; Suy nghĩ trước lá cờ của Đảng (của Đoàn Vy Thượng)... Tất cả đều nói lên một Mùa thu bất tử - dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho nước nhà, thống nhất giang sơn... với những giọng ca, giọng ngâm đầy truyền cảm của các nghệ sĩ: Phương Mai, Vũ Ban, Như Hồng, Trịnh Thùy Mỹ, Vân Khanh... Đặc biệt là tiếng đàn bầu nỉ non réo rắc như ru lòng người của nghệ sĩ Đăng Ninh đã góp phần làm cho đêm thơ nhạc này thăng hoa hơn...
DẠ TRẦM