Trong ý nghĩ của tôi, Bình Dương là vùng đất khô khan với những nhà máy, khu công nghiệp mọc chi chít, là “cứu cánh” cho những thân phận cần đổi đời. Tuy nhiên đó là suy nghĩ của ngày trước, ngày mà tôi chưa tiếp cận với văn hóa của vùng đất này. Rằng, còn có những tâm hồn rất thơ đã làm cho nơi này trở nên lung linh, mềm mại như bao vùng đất luôn văng vẳng tiếng đờn ca !
Cái chất “keo” của đờn ca tài tử (ĐCTT) rất lạ. Khi đã trót vương mang, người ta sẽ để hồn mình phiêu theo từng lời ca, để trái tim mình theo mãi theo từng phím đờn. Đây cũng là cách mà nhiều người chọn để cho phút thảnh thơi sau công việc có “màu sắc” hơn. Những ngày Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ II - Bình Dương 2017 sắp cận kề, cũng là lúc mà phong trào ĐCTT của nơi này càng rôm rả hơn bao giờ hết. Vốn là một vùng đất được mệnh danh là chiếc nôi của ĐCTT, Bình Dương đang chứng minh một cách sống động rằng: Festival lần thứ II sẽ góp phần làm cho bức tranh văn hóa nghệ thuật của miền Đông nói riêng, Việt Nam nói chung đậm đà bản sắc dân tộc.
ĐCTT có thể chơi ở bất cứ đâu, từ mé sông, mạn thuyền, bờ vuông mát mẻ của xứ miệt vườn, cho đến bước lên sân khấu lớn. Từ chỗ đờn ca cho vui cửa vui nhà, thì nay ĐCTT trở thành một bộ môn nghệ thuật được chọn để tranh tài thi thố. Tôi nhớ có lần cố Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê đã phân tích như vầy: “ĐCTT đã đáp ứng được yêu cầu nổi bật là tính cộng đồng khi nó lan tỏa rất mạnh, sống rất khỏe trong dân gian và không chỉ người miền Nam mà người miền Bắc, miền Trung cũng dành tình cảm cho ĐCTT”.
Sức lan tỏa của phong trào mà Bình Dương làm được bao năm qua đã chạm đến trái tim mộ điệu của người yêu tài tử ngoài tỉnh. Bởi tôi cũng bước ra từ vùng đất nuôi dưỡng tâm hồn từ lời ca tiếng đờn, đến nỗi mỗi giấc ngủ đưa con cũng bắt gặp tiếng à ơi của bài Dạ cổ. Chính vì thế, tôi muốn chiêm ngưỡng thành tựu mà Bình Dương “dành dụm” bao năm qua để bật tỏa sáng gói gọn trong một Festival văn hóa đậm sắc màu tài tử. Gần đến ngày khai mạc, tôi đang trông chờ để “mục sở thị” một Bình Dương thật khác tr ong tôi!
SONG NGỌC