Công chứng văn bản khai nhận di sản

Cập nhật: 18-02-2016 | 09:08:46

Hỏi: Chồng tôi mất không để lại di chúc. Chồng tôi đứng tên nhà và đất và các con tôi từ chối nhận di sản của chồng tôi để lại. Tôi muốn làm thủ tục khai nhận phần di sản này, thì phải làm như thế nào?

NGUYỄN THÙY LAN (Phú Mỹ, TP.TDM)

Trả lời: Theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 49 và 50 Luật Công chứng: Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản. Việc công chứng văn bản khai nhận di sản được thực hiện theo các quy định như sau:

Trong trường hợp di sản là quyền sử dụng đất (QSDĐ) hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì người yêu cầu công chứng phải xuất trình giấy tờ để chứng minh QSDĐ, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

Trường hợp thừa kế theo pháp luật, người yêu cầu công chứng còn phải xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Còn thừa kế theo di chúc, người yêu cầu công chứng còn phải xuất trình di chúc.

Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có QSDĐ, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh.

Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển QSDĐ, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong phòng chống tham nhũng

Hỏi: Người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm như thế nào trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN)?

LÊ TRÍ DŨNG (TX.Dĩ An)

Trả lời: Điều 72 Luật PCTN quy định: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm áp dụng quy định của Luật PCTN và các quy định khác của pháp luật có liên quan để tổ chức PCTN trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp về việc PCTN trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý.

Luật gia XUÂN LẠC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=416
Quay lên trên