Trả lời bạn đọc

Cập nhật: 16-01-2016 | 09:08:54

đăng ký lại khai sinh

 Hỏi: Tôi quê ở Bắc Ninh. Năm 2009 tôi vào miền Nam lập nghiệp, cưới vợ và đăng ký thường trú tại Bình Dương. Hiện nay giấy khai sinh của tôi được cấp trước đây ở ngoài miền Bắc đã bị thất lạc, tôi đã liên hệ trực tiếp UBND xã nơi đã đăng ký khai sinh cho tôi trước kia để xin cấp lại nhưng họ bảo rằng trong sổ hộ tịch không còn lưu giữ thông tin đăng ký khai sinh của tôi. Vậy hiện tại tôi muốn đăng ký lại khai sinh ở Bình Dương có được không?

Ông VŨ VĂN T. (huyện Dầu Tiếng)

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15-11- 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (sau đây gọi tắt là Nghị định 123) thì người có yêu cầu đăng ký lại khai sinh phải thỏa mãn các điều kiện sau:

- Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 1-1- 2016 nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.

- Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại.

- Việc đăng ký lại khai sinh chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ.

Như vậy, nếu ông thỏa mãn các điều kiện trên thì ông có quyền làm thủ tục đăng ký lại khai sinh. Về thẩm quyền đăng ký lại khai sinh, căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 25 Nghị định số123 thì UBND cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho ông trước đây hoặc UBND cấp xã nơi hiện tại ông đăng ký thường trú thực hiện đăng ký lại khai sinh.

Theo Điều 26 Nghị định 123 quy định hồ sơ đăng ký lại khai sinh gồm các giấy tờ sau đây:

+ Tờ khai theo mẫu quy định, trong đó có cam đoan của người yêu cầu về việc đã đăng ký khai sinh nhưng người đó không lưu giữ được bản chính giấy khai sinh;

+ Bản sao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của người yêu cầu hoặc hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khác trong đó có các thông tin liên quan đến nội dung khai sinh của người đó;

+ Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh là cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì ngoài các giấy tờ nêu trên phải có văn bản xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị về việc những nội dung khai sinh của người đó gồm họ, chữ đệm, tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha - con, mẹ - con phù hợp với hồ sơ do cơ quan, đơn vị đang quản lý.

Như vậy, ông có thể tham khảo các quy định nêu trên để giải quyết vụ việc của mình.

Hỏi: Tôi là công dân Việt Nam. Trong chuyến du học vừa qua tôi có quen bạn trai là người nước ngoài. Nay tôi và bạn tôi muốn tiến tới hôn nhân. Xin hỏi, chúng tôi muốn đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì phải đến cơ quan nào? Thủ tục ra sao?

Chị TRẦN THỊ N. (TP.Thủ Dầu Một)

Trả lời:

Căn cứ Khoản 1, Điều 37 Luật Hộ tịch năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016) quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn: UBND cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.

Như vậy, khác với quy định trước đây, kể từ ngày 1-1-2016 thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của UBND huyện. Chị liên hệ UBND huyện nơi cư trú hiện tại của chị để thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định.

Theo quy định tại Điều 38 Luật Hộ tịch về thủ tục đăng ký kết hôn trong trường hợp này như sau:

- Hai bên nam, nữ nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

- Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ nêu trên, công chức làm công tác hộ tịch có trách nhiệm xác minh, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết.

- Khi đăng ký kết hôn, cả hai bên nam - nữ phải có mặt tại trụ sở UBND, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam - nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào sổ hộ tịch, cùng hai bên nam - nữ ký tên vào sổ hộ tịch. Hai bên nam - nữ cùng kývào giấy chứng nhận kết hôn.

- Chủ tịch UBND cấp huyện trao giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam - nữ.

Luật gia XUÂN LẠC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên