5 năm tổ chức một lần, hội thi tiếng hát giáo viên đã điểm thêm sắc màu để ngành giáo dục Bình Dương luôn tự hào. Thầy cô giáo có thêm điều kiện cùng nhau làm nên nét văn hóa đẹp cho ngành. Hội thi năm nay thật sự là những bữa tiệc âm nhạc đáng để thưởng thức, một sân chơi đúng nghĩa để các đơn vị cùng nhau giao lưu, tranh tài và khoe sắc…
Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Phú Giáo trong hợp ca “Bài ca Đại Việt”
Chúng tôi cảm thấy vui khi có dịp đồng hành cùng các thầy cô trong suốt liên hoan năm nay. Và chúng tôi cũng từng lớn lên từ những phong trào văn nghệ quần chúng nên hiểu được vất vả luyện tập như thế nào để cho một chương trình văn nghệ, nghệ thuật chỉn chu trên sân khấu. Mỗi đơn vị là một gam màu khác nhau nhưng phải nói rằng, mùa thứ IV này những gam màu ấy trở nên đồng đều, lung linh như nhau, không còn cách biệt về địa lý như trước đây. Bởi, những lần trước các đơn vị gần xa trung tâm như Dầu Tiếng, Tân Uyên… có phần yếu thế. Nhưng giờ đây họ khá tự tin, bản lĩnh và chuyên nghiệp trên sân khấu. Thậm chí, một đơn vị mới thành lập đó là Bắc Tân Uyên đã làm cho ban tổ chức, ban giám khảo hết sức ngạc nhiên. Họ, hôm nay đã mang lên sân khấu cả hợp xướng thật hoành tráng, đáng trân trọng.
Giao lưu cùng các thầy cô trong những ngày diễn ra hội thi, rất tình cờ 2 thầy mà chúng tôi phỏng vấn đều là giáo viên dạy thể dục. Thầy Nguyễn Văn Hoạt, trường THCS Mỹ Phước (TX.Bến Cát) từng đoạt giải nhất đơn ca mùa thứ III. Lần này, niềm đam mê vẫn cháy mãi, thầy Hoạt vẫn đồng hành với đồng nghiệp để ca vang những hành khúc đẹp về người giáo viên nhân dân. Còn với thầy Nguyễn Hoàng Ân, trường Mầm non Huỳnh Thị Chấu (TX.Tân Uyên) vào vai một anh bộ đội hải quân làm chúng tôi không khỏi ngưỡng mộ. Hoàng Ân nói: “Đam mê ca hát, nhảy múa từ nhỏ và cũng được xem thầy cô mình trong các hội thi trước, lần này lại được thể hiện cùng thầy cô của mình trên sân khấu là một điều tuyệt vời, kỷ niệm khó quên…”.
Nhạc sĩ Thăng Long, Trưởng ban Giám khảo của hội thi nhận xét: “Phong trào của ngành giáo dục - đào tạo Bình Dương quá mạnh, họ luôn tận tâm với nghề và đến với phong trào như thế này cho thấy họ càng đẹp trong mắt của chúng tôi. Phong cách sư phạm trong nghệ thuật biểu diễn của quý thầy cô giáo rất mềm mại, dịu dàng và rất… dễ thương!”. Còn với thầy Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tỉnh đây là hoạt động của giáo dục toàn diện “đức - trí - thể - mỹ” để các thầy cô giáo luôn là tấm gương cho học trò mình noi theo. Thầy Kim tâm đắc ở hội thi năm nay là ở khoảng cách địa lý đã được rút ngắn, nơi nào có đầu tư, có đam mê chắc chắn sẽ cho ra một chương trình ưng ý…
Ở các ngày thi, mỗi đơn vị một sắc màu khác nhau để cùng thi thố. Thế nhưng đêm công diễn, trao giải hội thi lại là một bữa tiệc âm nhạc đáng xem. Các thầy cô đã mang lên sân khấu lời ca, điệu múa… rất chuyên nghiệp, rất đáng ngưỡng mộ và tự hào cho ngành giáo dục - đào tạo tỉnh nhà. Riêng với các thầy cô, đây sẽ mãi là một kỷ niệm đẹp, một câu chuyện hay để khoe cùng học trò trong những giờ lên lớp của mình. Và tất cả hẹn nhau vào mùa liên hoan thứ V năm 2021 vui hơn, hay hơn.
Ngành giáo dục - đào tạo tỉnh mang đến hội thi chương trình “Tiếng hát từ Bình Dương”
Tham dự liên hoan Tiếng hát giáo viên toàn quốc lần thứ IV năm 2016 do Bộ Giáo dục - Đào tạo và Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam tổ chức vào ngày 10-4, ngành giáo dục - đào tạo tỉnh Bình Dương mang đến hội thi chương trình mang tên “Tiếng hát từ Bình Dương” với 100 thầy cô giáo được tuyển chọn trong toàn tỉnh.
“Tiếng hát từ Bình Dương” gồm: Đơn ca Tổ quốc yêu thương, múa minh họa; vũ kịch Người đưa đò; hợp xướng Đất quê ta Bình Dương (sáng tác: Lư Nhất Vũ - Lê Giang). Đây là lần đầu tiên ngành giáo dục - đào tạo tỉnh nhà đưa thể loại hợp xướng vào luyện tập và thi thố cùng các đơn vị bạn.
Liên hoan được chia làm 4 khu vực, Bình Dương sẽ cùng tham gia thi diễn vào khu vực 4 tại TP.Hồ Chí Minh với 28 đoàn cùng tham gia.
SONG ANH