Tối 8-4, không gian đờn ca tài tử (ĐCTT) và không gian ẩm thực, đặc sản Nam bộ đã khai mạc tại công viên TP. Mới Bình Dương. Sự kết hợp giữa văn hóa phi vật thể (ĐCTT) và văn hóa vật thể (đặc sản) đã tạo nên những nét đặc sắc, độc đáo cho không gian văn hóa Nam bộ, thu hút và để lại ấn tượng cho du khách.
Đông đảo du khách bị cuốn hút bởi sản phẩm gốm sứ Bình Dương
Ấn tượng không gian ĐCTT
Đến với không gian ĐCTT, một trong các hoạt động của Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017, mọi người đều dành lời khen cho những điểm ca hát của các đoàn nghệ thuật đến từ các tỉnh, thành phố. Những điểm ca hát này được bố trí diện tích 50m2, với mô hình cách điệu trái măng cụt - đặc sản trái cây Bình Dương. Tuy sinh hoạt trong không gian trái măng cụt nhưng mỗi địa phương lại có một cách bài trí, phối cảnh phù hợp với đặc điểm địa phương. Cụ thể, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm những con ốc, vỏ sò cho biết địa phương giáp biển, phát triển kinh tế biển; Ninh Thuận có thêm những chùm nho đặc sản và vài nhánh xương rồng…
Trong không gian ĐCTT, các đoàn còn trưng bày nhạc cụ trong bộ tứ tập (đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà); hình ảnh phát triển ĐCTT và tiểu sử các nghệ nhân ưu tú của loại hình nghệ thuật tài tử tại mỗi địa phương. Đặc biệt, các không gian ĐCTT còn “giữ chân” những người mộ điệu hay du khách thập phương không chỉ bằng lời ca, tiếng đờn mà họ còn dừng chân để học hát từ những nghệ nhân ưu tú truyền dạy.
Ông Huỳnh Nhật Danh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP.Cần Thơ, nói: “Tham gia không gian ĐCTT tại Bình Dương, chúng tôi ấn tượng với mô hình trái măng cụt rất đẹp. Đến với hoạt động này, chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo từ việc trưng bày đến biểu diễn phục vụ. Đặc biệt, chúng tôi còn mời những lão làng loại hình nghệ thuật tài tử, cải lương của Cần Thơ đến hướng dẫn các bạn trẻ, những người yêu thích ĐCTT để có thể ca đúng một vài bài bản. Từ đó, giúp các bạn hiểu và đam mê nghệ thuật tài tử, góp phần lưu giữ, phát huy di sản văn hóa của nhân loại”.
Theo ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, với cách sống hiền hòa của miền sông nước phương Nam, giá trị nghệ thuật độc đáo của ĐCTT không nhầm lẫn với bất cứ loại hình âm nhạc nào khác. ĐCTT không chỉ là nét văn hóa truyền thống dân tộc mà còn được thế giới công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Do đó, Festival được tổ chức là hành động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; nhằm tiếp tục tôn vinh, quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nam bộ nói riêng. Trong đó, không gian ĐCTT là một trong những điểm nhấn, là nơi để giới thiệu một cách gần gũi nhất ĐCTT đến với tất cả du khách.
Đậm đà hương vị phương Nam
Bên cạnh sức hút bởi những giai điệu réo rắc của các ban ĐCTT dưới 21 gian ĐCTT được thiết kế cách điệu theo hình trái măng cụt khổng lồ, đông đảo du khách còn bị cuốn hút với nhiều món ăn hấp dẫn, đậm đà hương vị đất phương Nam tại các gian ẩm thực của các tỉnh, thành phố tham gia Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ II.
Dạo bước đến công viên TP.Mới Bình Dương, nơi diễn ra không gian ĐCTT Nam bộ và không gian ẩm thực Nam bộ, chúng tôi đã có dịp thưởng thức nhiều món ăn ngon hấp dẫn và biết thêm nhiều nét văn hóa đặc trưng của các tỉnh, thành phố
trong khu vực. Thưởng thức món chè bưởi cùng vợ và con tại gian hàng ẩm thực Đồng Nai, anh Phạm Hồng Đức, nhân viên Ngân hàng Sài Gòn Bank, cho biết: “Các món ăn ở đây rất phong phú và đa dạng. Có nhiều món khai vị như: chả giò rế Cần Thơ, gỏi bưởi Đồng Nai, bánh bèo bì Bình Dương. Các món chính như bánh canh Trảng Bàng của Tây Ninh, bún cá của Kiên Giang; hay những món tráng miệng như: bánh xèo Chợ Lách của Bến Tre, chè bưởi, nước bưởi của Đồng Nai, bánh bò nướng làm từ đường thốt nốt của An Giang…”. Còn bà Trương Thị Trinh (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một) cho biết: “Các món ăn ở đây đều rất ngon và chúng tôi rất hài lòng về sự nhiệt tình phục vụ cũng như giá cả phải chăng tại các gian hàng”.
Luôn tay đổ những chiếc bánh bò nướng làm từ đường thốt nốt, chị Sila trong trang phục truyền thống của người Chăm ở An Giang chia sẻ: “Chúng tôi rất vui vì có rất đông du khách yêu thích món bánh này. Đây là món ăn chơi vừa là món ăn đãi khách, đồng thời cũng là món bánh dùng trong các bữa tiệc gia đình, giỗ chạp của người An Giang”. Tiếp lời chị Sila, anh Nguyễn Phú Quới (Công ty Xúc tiến du lịch An Giang) cho hay: “Bên cạnh món bánh bò nướng, chúng tôi còn phối hợp với Công ty Trần Gia mang đến Bình Dương nhiều sản phẩm làm từ thốt nốt như: đường thốt nốt, nước thốt nốt tươi, thạch thốt nốt, rượu thốt nốt, mật thốt nốt…”.
Góp mặt trong không gian ĐCTT và không gian ẩm thực Nam bộ, Bình Dương còn giới thiệu đến du khách nhiều sản phẩm đặc thù của tỉnh như: sơn mài, điêu khắc, gốm sứ, nước uống đóng chai, các tour tuyến du lịch nhân mùa Festival này và các dự án căn hộ Midori của Tập đoàn Tokyu. Ngoài ra, còn có các gian hàng luôn đông thực khách của Nhà hàng Dìn Ký Xanh, Happy Bình Dương, Bánh bèo bì Bình Dương.
Khai mạc Hội thi nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ
Trong khuôn khổ Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ II - Bình Dương 2017, chiều 9-4, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã diễn ra lễ khai mạc Hội thi nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Với chủ đề “Đờn ca tài tử - Di sản đất phương Nam”, hội thi thu hút sự tham gia của 21 đoàn nghệ nhân đờn ca tài tử đến từ 21 tỉnh, thành phố trong khu vực Nam bộ. Sau lễ khai mạc, khán giả mộ điệu đã được thưởng thức chương trình thi diễn của đoàn nghệ nhân, nghệ sĩ Bình Dương với chương trình mang tên “Tự hào cung điệu quê hương” gồm 6 tiết mục. Tiếp theo đó là phần thi diễn của các đoàn An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre.
MINH HIẾU
T.LÝ - M.HIẾU