Khi gần kết thúc câu chuyện cùng ông trong một buổi chiều tháng 11, thời điểm nơi nơi đang chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) - đạo diễn Lê Dân bỗng trầm ngâm rồi cười, nói: “Không có gì quan trọng, đời tôi chỉ muốn nhiều hoa thơm hơn cỏ dại”…
Đạo diễn Lê Dân đang điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh
Những ngày này, NSƯT, đạo diễn Lê Dân đang được điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Dương. Đây là nơi ông lui tới chữa bệnh nhiều lần bằng sự hỗ trợ và “trân trọng, ưu ái” (ông cho như thế và rất quý về điều này) của Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng Chánh Phú Hòa. Ông cũng khen rằng, về Bình Dương, bệnh tình ông đỡ hơn, sức khỏe tiến triển hơn nhiều.
NSƯT, đạo diễn Lê Dân sinh năm 1928. Ông là một trong những đạo diễn đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam. Kể về cái duyên với nghệ thuật thứ 7, ông nói: “Năm 1946, tôi quyết định du học ở Pháp và sẽ theo môn luật, tìm hiểu về chính trị, lịch sử để về góp phần xây dựng quê hương, đất nước… Lúc đó, tôi chỉ có đủ kinh phí cho một năm nên phải vừa học vừa làm thêm để có tiền trang trải. Ở Pháp, dần dần tôi nhận ra mình là người… mơ mộng! Tôi nghiêng về nghệ thuật nhiều hơn và bén duyên với nền điện ảnh từ đó”. Được sự giúp đỡ của một nữ diễn viên Pháp nổi tiếng thời đó cùng bạn bè ở Pháp, niềm đam mê của ông khởi nguồn từ lần ông đến với Liên hoan phim Cannes 1950. Lần đó, ông tham dự liên hoan phim với tư cách của một ký giả. Ông miệt mài đi coi phim và viết bài phê bình phim… Sau lần đó, ông quyết định rẽ hướng theo đam mê của mình: ghi danh tại Học viện Cao đẳng Nghệ thuật và Viện Nghiên cứu Điện ảnh Paris.
Khi ông trở về từ Pháp, ở Sài Gòn, ông tiếp tục viết phê bình phim cho các báo và “khởi nghiệp điện ảnh” với nghệ danh Lê Dân - một người phác họa diện mạo ban đầu của điện ảnh miền Nam. Ông kể: “Hồi đó ở nước ta hầu hết là phim ngoại nhập về chiếu và rất hiếm hoi. Tôi suy nghĩ, phải làm phim về đất nước, con người Việt Nam để chiếu rộng rãi ra thế giới, để mọi người biết thêm về chúng ta. Thế là tôi cùng ê-kíp làm phim lăn xả vào làm bằng tất cả tâm thế của những người trẻ, háo hức cống hiến cho nền điện ảnh còn quá mới mẻ”. Hơn nửa thế kỷ hoạt động nghệ thuật, thử sức với nhiều dạng đề tài, tên tuổi Lê Dân ghi dấu ấn với nhiều giải thưởng: Giải đặc biệt tại Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ sáu năm 1983 cho phim Pho tượng, Bông sen bạc LHPVN lần thứ 10 năm 1993 và Giải A Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1994 cho phim Xương rồng đen.
Hỏi ông nhớ về những bộ phim nào, ông nói: “Đó là Loan mắt nhung, Hồi chuông Thiên Mụ, Tình Lan và Điệp (trước 1975), Dòng sông mơ ước, Ông cố vấn... Sau phim Hồi chuông Thiên Mụ làm tại Huế, tôi bị bắt vì làm phim ủng hộ cách mạng”. Ông còn kể về việc phát hiện và đào tạo diễn viên nổi tiếng Kiều Chinh, những kỷ niệm giữa vợ chồng ông cùng gia đình Kiều Chinh…
Ngoài kỷ lục là đạo diễn có nhiều phim tham gia các liên hoan quốc tế nhất, Lê Dân còn là người giúp tạo dựng những tên tuổi từ đạo diễn tới diễn viên màn bạc. Có thể kể đến những minh tinh một thời như: Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Huỳnh Thanh Trà, Túy Hồng, Băng Châu (trước 1975), sau này là Diễm My, Việt Trinh... Thế nhưng, khi tôi “nhắc khéo” ông về công sức đào tạo, hướng dẫn cho đạo diễn, diễn viên, ông lại khiêm tốn nói “không có gì, đó là việc cần làm của người đi trước với người đi sau”. Sau năm 1975, ông đã dạy lớp đạo diễn đầu tiên mà theo ông là các đạo diễn có tiếng ở các Đài PT-TH của ông đã tham gia học. Ông vui là qua phim mình, nhiều người thành danh, cùng góp công sức mình cho điện ảnh Việt Nam.
“Khi mình nghĩ điều gì đó là tốt, là giúp ích cho người, cho đời, cứ làm đi và vui với công việc của mình. Tôi thích hoa thơm hơn cỏ dại và luôn làm việc với tâm thế này”. Vị đạo diễn 87 tuổi này hiện vẫn muốn được viết, được sống cùng nghệ thuật điện ảnh. “Giá có mạng wifi thật mạnh thì tốt hơn xài 3G! Tôi luôn mong muốn được kết nối với người thân, bạn bè, muốn biết những thông tin hàng ngày của cuộc sống”, đạo diễn Lê Dân chia sẻ thêm như thế!
QUỲNH NHƯ