Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã trở thành tỉnh năng động, kinh tế và công nghiệp phát triển khá nhanh. Câu chuyện của Bình Dương hôm nay gắn với phát triển hệ sinh thái công nghiệp xanh, thông minh, bền vững, bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau tiếp tục là động lực lớn để các nhà đầu tư chọn Bình Dương làm điểm đến.
Bình Dương luôn quan tâm tạo điều kiện đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, đưa hoạt động sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị hàng hóa. Trong ảnh: Nhà máy xanh Tetra Pak, Khu công nghiệp VSIP II-A
Định hình khu công nghiệp thế hệ mới
Những ngày sau khởi công dự án 1,3 tỷ USD tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP III), chúng tôi được dịp nói chuyện cùng ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Lego Việt Nam, để nghe ông kể câu chuyện về “nhân duyên” với Bình Dương. “Sở dĩ chúng tôi chọn Bình Dương trong hành trình tìm kiếm địa điểm xây dựng nhà máy tại châu Á bởi ngoài cơ sở hạ tầng tốt, nguồn lực mạnh, chúng tôi còn thấy được tầm nhìn phát triển của Bình Dương trùng khớp với những định hướng phát triển xanh của tập đoàn”.
Thành công của việc chuyển hướng phát triển các khu công nghiệp xanh, thông minh đã minh chứng cụ thể với việc VSIP III sở hữu cơ sở hạ tầng hiện đại, hướng đến mô hình xanh với những cam kết bảo vệ môi trường cùng các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi tái tạo năng lượng sạch, năng lượng mặt trời và giảm rác thải, khí thải, phù hợp định hướng phát triển nhanh và bền vững. Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, khẳng định: “VSIP III sẽ là khu công nghiệp hình mẫu trong khu vực về những thành quả thực sự khả thi trong việc áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển một khu công nghiệp xanh. Mô hình này không những giúp cho tổng thể các ngành công nghiệp, dịch vụ phát triển mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo tiền đề cho nền công nghiệp 4.0 phát triển bền vững, tạo nền tảng tăng trưởng mới cho Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung”.
Hiện Bình Dương đang nỗ lực để xây dựng và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, Big Data… để giúp nhà đầu tư dễ dàng xây dựng, triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh trong hệ sinh thái của Bình Dương một cách nhanh chóng và hiệu quả, nhằm gia tăng năng suất lao động và thu hút các ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường; tiếp tục xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với khoa học và công nghệ thu hút các viện trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ, dịch vụ số, nhằm thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao.
Hiện thực cam kết
Đến nay, có thể thấy rằng chủ trương thu hút đầu tư không bằng mọi giá, phát triển hệ sinh thái công nghiệp theo hướng xanh, thông minh, bền vững, bao trùm của Bình Dương đã tạo ra cú hích phát triển các ngành chế biến, chế tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để thúc đẩy chuyển đổi xanh.
Câu chuyện nhà máy sản xuất hộp giấy đựng đồ uống tại Bình Dương của Công ty Tetra Pak - công ty hàng đầu thế giới về các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm đến từ Thụy Điển những ngày cuối năm được nhận chứng nhận toàn cầu BRC (tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng của Hiệp hội Bán lẻ Anh Quốc) về sản xuất bao bì với xếp hạng cao nhất AA lần thứ tư liên tiếp là thêm một minh chứng thuyết phục. Chứng nhận BRC tiếp tục khẳng định cam kết bảo vệ thực phẩm, con người và trái đất đang được Tetra Pak triển khai trong mọi mặt hoạt động. Qua đó, nâng tầm công nghiệp Bình Dương trên toàn cầu, giúp các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống đang sử dụng vỏ hộp giấy của Tetra Pak an tâm trong quá trình giám sát chất lượng, đồng thời giúp các nhà sản xuất củng cố niềm tin an toàn thực phẩm với người tiêu dùng.
Theo bà Lương Thanh Thư, Giám đốc Phát triển bền vững của Tetra Pak Việt Nam, để đạt được chứng nhận BRC, nhà máy Tetra Pak tại Bình Dương đã áp dụng đồng thời ba trụ cột chính. Đó là mô hình nhà máy thông minh với nền tảng quản lý trực quan, được số hóa hoàn toàn, giúp nhà máy không chỉ văn bản hóa quy trình hoạt động, kiểm soát mọi công đoạn trong quá trình sản xuất với luồng phê duyệt tự động, mà còn dễ dàng truy cập thông tin để đào tạo nâng cao tay nghề và quản lý thông tin theo thời gian thực. Thứ đến là hệ thống ngăn ngừa phát sinh lỗi được nhà máy phát triển với đa dạng phương thức, từ bằng mắt thường cho đến tự động hóa, hệ thống kiểm soát chất lượng cũng như quá trình duy tu, bảo dưỡng máy móc. Và thứ ba là văn hóa bảo vệ chất lượng hướng đến mỗi một công nhân đều trở thành một “đại sứ bảo vệ chất lượng tốt”.
Hành trình phát triển công nghiệp xanh đang tiếp tục mở ra những triển vọng mới. Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết việc xây dựng khu công nghiệp khoa học - công nghệ, Khu công nghiệp Cây Trường sẽ được xây dựng theo mô hình hệ sinh thái công nghiệp kiểu mới với nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, kết hợp với hạ tầng giao thông kết nối vùng, hệ thống logistics. Cùng với đó đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, đầy đủ dịch vụ y tế, giáo dục và hạ tầng xanh, tạo ra môi trường sống và làm việc tốt cho chuyên gia và người lao động. Có như vậy mới giúp địa phương phát triển ổn định, bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Bình Dương cần phát triển hệ sinh thái công nghiệp theo hướng xanh, thông minh, bền vững, bao trùm. Quan tâm phát triển hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa tương xứng với trình độ phát triển chung của tỉnh, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của người dân theo tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau”. |
TIỂU MY