Tiếp nối “hành trình” và “khát vọng” Hồ Chí Minh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh việc “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại” để đạt mục tiêu “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Khát vọng ấy là hoàn toàn chính đáng và có cơ sở, bắt nguồn từ “niềm tin vững chắc vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước sau gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và bản lĩnh, kinh nghiệm dày dạn mà Đảng, nhân dân ta đã kiểm nghiệm, đúc kết trong thực tiễn lao động, sáng tạo suốt mấy chục năm qua”.
Để hiện thực hóa khát vọng cứu nước cứu dân, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã trải qua hành trình dài từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2-9-1945
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã minh chứng sinh động cho một hành trình bền gan, vững chí của tất thảy người dân Việt Nam trong công cuộc tự khẳng định nội lực của chính mình. Nội lực ấy được phát xuất từ khát vọng cháy bỏng đất nước được độc lập, dân tộc được tự do. Tiếp nối khát vọng ấy của cha ông, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành được thôi thúc để làm những điều chưa ai từng làm trước đó là “tìm ra con đường đúng đắn có thể đem lại độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân”. Động lực, khát vọng và sức mạnh dẫn đến những quyết định ấy của Người đã được nung nấu, ấp ủ từ thuở thiếu thời. Cũng chính vì khát vọng ấy mà chàng thanh niên mới 20 tuổi đã dũng cảm rời đất nước ra đi với hai bàn tay trắng, sẵn sàng làm đủ mọi nghề, miễn là để sống, để đi, để quan sát học hỏi chỉ vì một điều duy nhất là tìm ra con đường cứu nước, cứu dân.
Có thể khẳng định, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã trải qua một hành trình đầy cam go mấy chục năm học tập và rèn luyện, thu hái và gạn lọc, từng bước vươn lên những đỉnh cao của trí tuệ thời đại, để từ tầm cao đó mà vận dụng và phát triển, sáng tạo và đổi mới, biến khát vọng cháy bỏng cứu nước, cứu dân trở thành hiện thực. Nếu không có sự thôi thúc mạnh mẽ đó, chắc hẳn Người đã không thể có quyết tâm cao độ để “ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác” khi còn rất trẻ; không thể sống một đời “bồi tàu lênh đênh theo sóng bể”, rồi kiên trì, bền gan chống lại cả mùa băng giá chỉ với “một viên gạch hồng” và hẳn nhiên không thể “reo lên một mình như nói cùng dân tộc: Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!” khi tìm được ánh sáng dẫn đường cho dân tộc của Người. Đó là một hành trình trải nghiệm của khát khao độc lập, tự do.
Nhưng để dẫn dắt nhân dân từ hiện thực “nô lệ lầm than” đến tương lai “độc lập, tự do” là không dễ dàng. Giáo sư Song Thành đã có một nhận xét rất xác đáng rằng: “Khi anh Thành (Nguyễn Tất Thành) đã sang phương Tây rồi, vấn đề càng trở nên phức tạp hơn, bởi làm thế nào để đánh thắng chủ nghĩa thực dân, giành độc lập cho các dân tộc thuộc địa vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, vẫn là vấn đề rất mới, nhiều xu hướng khác nhau… Làm cách mạng ở bối cảnh mà các xu hướng chính trị chưa được thực tiễn chứng minh đúng hay sai rõ ràng, đòi hỏi ở người lãnh tụ có một trí tuệ sáng suốt, có tầm viễn kiến, để trong điều kiện khách quan cho phép, lựa chọn được con đường đúng đắn nhất, hiệu quả nhất”.
Trong bài viết Con đường “Hồ Chí Minh”, luật sư Trịnh Đình Thảo đã viết: “May mắn thay cho cuộc đời tôi, những ngày tuổi trẻ này tôi đã gặp những bài báo của Bác. Lời kêu gọi của Bác trong Tuyên ngôn Hội Liên hiệp thuộc địa và 8 yêu sách gửi đến nghị viện Pháp mà Bác đã giải thích trong bài “Cuộc kháng chiến là những dòng máu dân tộc” truyền sang tim máu của tôi. Chính Bác, trong những tháng năm này, bằng những bài báo ấy đã vạch cho tôi con đường: Con đường giải phóng dân tộc. Con đường đó, Bác đã vạch ra không phải chỉ là con đường sau này dành riêng cho những đảng viên cộng sản. Nó là con đường chung cho tất cả mọi người dân Việt Nam, ở mọi giáo phái, mọi tầng lớp, cho những ai có lòng yêu nước, biết tự tôn dân tộc và muốn sống độc lập, tự do”.
Cho đến những ngày cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn miệt mài làm việc để biến khát vọng phát triển đất nước thành hiện thực
Trên tờ báo Pháp Témoignages Chrétiens (Bằng chứng Thiên Chúa giáo), nhà báo Monraton đã viết: “Cụ Hồ Chí Minh là một trong những chiến sĩ đầu tiên của thế giới thứ ba, của các dân tộc nghèo đói thèm khát một cuộc sống cho ra người. Cụ đã dạy cho họ rằng muốn được giải phóng, phải dựa vào sức mình là chính và một dân tộc chỉ có thể sống còn khi dân tộc ấy không chịu sống nô lệ… Cụ đã đem hết sức mình để mang lại cơm ăn, nước uống cho những ai đói khát. Cụ đã bênh vực cho những người hèn yếu, mang lại nhân phẩm cho những người nghèo khổ”.
Có thể khẳng định, chính chủ nghĩa yêu nước là nền tảng cơ bản nhất để hình thành khát vọng cứu dân, cứu nước trong con người Hồ Chí Minh. Thời thế đòi hỏi, một thanh niên sôi sục lòng yêu nước như Hồ Chí Minh không thể ngồi yên trên ghế nhà trường. Nhưng rời ghế nhà trường rồi phải làm gì để cứu nước cho có hiệu quả là điều mà Người trăn trở. Trước đó, các cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu đã kiên trì chiến đấu mà liên tiếp thất bại. Phải làm gì để đạt tới thành công khi lòng yêu nước thì có, mà đường cứu nước chưa rõ. Và rồi, chính chủ nghĩa yêu nước là tiêu chuẩn của chân lý trong việc ra đi tìm đường cứu nước của Người. Sức mạnh nội sinh được kiến tạo trong con người Hồ Chí Minh một cách tự nhiên, đủ đầy từ nền tảng văn hóa gia đình, quê hương, dân tộc đến những phẩm chất cá nhân hiếm có của chàng trai trẻ tuổi, từ môi trường thực tiễn bên ngoài đến hệ giá trị bên trong. Chính khát vọng của cá nhân Hồ Chí Minh bắt nhịp cùng khát vọng dân tộc, hay khát vọng dân tộc quyện hòa thuần khiết nơi sâu nhất trong tâm hồn Người đã khiến khát vọng độc lập, tự do qua lăng kính tư duy và “thực nghiệm” của Hồ Chí Minh lại biến thành khối sức mạnh to lớn, giúp Người đủ dũng khí, bền gan trước mọi nghịch cảnh, đủ tỏ tường trước muôn sự lựa chọn đường hướng cho dân tộc, đủ tinh tế và sâu sắc để dẫn dắt một dân tộc từ nô lệ lầm than đến tự chủ, tự cường.
Tiếp nối “hành trình” và “khát vọng” Hồ Chí Minh, để đạt mục tiêu “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”. Khát vọng ấy là hoàn toàn chính đáng và có cơ sở, bắt nguồn từ “niềm tin vững chắc vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước sau gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và bản lĩnh, kinh nghiệm dày dạn mà Đảng, nhân dân ta đã kiểm nghiệm, đúc kết trong thực tiễn lao động, sáng tạo suốt mấy chục năm qua”. Khát vọng ấy được bồi đắp trên cơ sở phân tích, dự báo, lường đoán kỹ lưỡng những thời cơ, thuận lợi có thể nắm bắt, phát huy; đồng thời tỉnh táo cân nhắc, tính toán những khó khăn, thách thức bên ngoài, những yếu kém, trở ngại bên trong cần phải kiên quyết khắc phục, thích ứng, nhạy bén chớp thời cơ, chủ động ứng phó với nguy cơ, chuyển hóa nguy cơ thành vận hội phát triển.
Và đó chính là khát vọng, niềm tin, đồng thời cũng là mệnh lệnh chiến đấu trong giai đoạn cách mạng mới để biến khát vọng phát triển đất nước thành hiện thực của mỗi con người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng.
LÊ QUANG