Cuộc sống hối hả với bao lo toan khiến không ít người rơi vào trạng thái căng thẳng triền miên hay còn gọi là stress. Khi bị stress tấn công, cơ thể sẽ có những biểu hiện báo động.
Rụng tóc
Năm hết tết đến, hầu như ai cũng bận rộn với hàng tá công việc cần phải giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó là những lo lắng về việc chi tiêu mua sắm trong gia đình như thế nào cho hợp lý. Những điều tưởng chừng bình thường ấy lại khiến không ít người lo âu đến mất ăn, mất ngủ. Thời điểm này, khi nhận thấy tóc có dấu hiệu rụng nhiều thì chứng tỏ bạn đang bị stress tấn công. Căng thẳng gây ra rụng tóc từng vùng, một rối loạn tự miễn dịch, trong đó các tế bào máu trắng tấn công các nang tóc, khiến tóc rụng. Nghiên cứu trên vừa được công bố tại Đại học da liễu Osteopathic (Mỹ).
Nôn mửa
Henry Paulson, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cho biết vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ông rất căng thẳng và biểu hiện của sự căng thẳng ấy là ông bị nôn mửa liên tục. Các chuyên gia y tế cho rằng Henry Paulson không phải là trường hợp duy nhất bị nôn mửa khi căng thẳng mà triệu chứng này được tìm thấy ở hầu hết những người đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần. Tình trạng này gọi là “hội chứng nôn mửa theo chu kỳ”, trong đó bệnh nhân thường buồn nôn và nôn mửa trong một khoảng thời gian dài, thường xuyên, bắt đầu tại cùng một thời điểm mỗi ngày.
Chảy máu cam
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trong một số trường hợp, hiện tượng chảy máu cam có liên quan đến việc căng thẳng. Một bài báo trong tạp chí y học Anh cũng từng đề cập đến điều này. Bài báo nói rằng khi con người rơi vào tình huống căng thẳng, huyết áp sẽ biến động, từ đó có thể dẫn đến hiện tượng chảy máu cam.
Mất trí nhớ
Nếu bạn nhận thấy dường như không thể nhớ các chi tiết vừa thảo luận trong một cuộc họp căng thẳng, chứng tỏ vùng hippocampus (vùng kiểm soát bộ nhớ ngắn hạn) trong bộ não của bạn có vấn đề. Jeffrey Rossman - tiến sĩ, nhà tâm lý học ở Canyon Ranch, Lenox, Massachusetts (Mỹ) cho biết tình trạng stress mãn tính gây ảnh hưởng trực tiếp tới vùng hippocampus, làm ức chế khả năng nhớ của bộ não.
Suy yếu hệ miễn dịch
Dấu hiệu đáng chú ý nhất trên cơ thể khi stress tấn công là hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Nguyên do stress làm sản sinh catecholemines, hormone giúp điều chỉnh hệ thống miễn dịch, và catecholemines làm phát sinh các kích thích tố có thể cản trở khả năng miễn dịch của cơ thể.
Ngoài ra, khi căng thẳng, mồ hôi thường đổ ra nhiều hơn lúc bình thường, đặc biệt là ở lòng bàn tay và bàn chân. Yoga và thiền có thể giúp giảm căng thẳng.
Theo TNO