Đầu tư xây dựng cơ bản: Ưu tiên vốn cho các công trình giáo dục, y tế

Cập nhật: 31-07-2013 | 00:00:00

Dân số cơ học gia tăng mạnh do tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã tạo ra những sức ép về hạ tầng xã hội, đặc biệt là lĩnh vực y tế và giáo dục tại Bình Dương. Vì thế, trong những năm qua, công tác đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) nói chung và cho giáo dục, y tế nói riêng đã được tập trung mạnh mẽ nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Các bệnh viện, trường học ở những vùng có tốc độ công nghiệp và đô thị mạnh mẽ có nguy cơ bị quá tải. Vì vậy, vốn đầu tư XDCB cho 2 lĩnh vực này phải được ưu tiên hàng đầu…

Đầu tư nhiều, trường học vẫn thiếu

Theo ghi nhận từ một số địa phương, tình hình thực hiện đầu tư XDCB 6 tháng đầu năm 2013 đạt kết quả khả quan. UBND TP.TDM cho biết, 6 tháng đầu năm, chi đầu tư XDCB trên địa bàn thành phố đạt đến 70% dự toán. Tại TX.Thuận An, khối lượng XDCB ước thực hiện 147,896 tỷ đồng đạt 52,25% kế hoạch, ước khối lượng thanh toán 133,284 tỷ đồng đạt 47,09% kế hoạch. Tại TX.Dĩ An, giá trị thực hiện vốn đầu tư XDCB của địa phương này tính đến nay cũng đạt trên 71%. Còn theo UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm nhiều công trình XDCB mới đã được khởi công. Tổng giá trị thanh toán, tạm ứng vốn toàn tỉnh 1.860 tỷ đồng, đạt 46,3% kế hoạch năm. Trong đó, vốn khối tỉnh quản lý đạt 933 tỷ đồng và khối huyện, thị, thành phố quản lý đạt 927 tỷ đồng.

Trường Mẫu giáo Hoa Hướng Dương (TP.TDM) vừa được đưa vào sử dụng. (Ảnh: A.SÁNG)

Mặc dù thực hiện vốn đầu tư XDCB đạt tỷ lệ khá cao so với dự toán nhưng trên lĩnh vực giáo dục, các công trình cơ sở vật chất, hạ tầng trường học hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Tình hình này đã đến hồi báo động ở các khu vực như TP.TDM, TX.Dĩ An, TX.Thuận An. Chủ tịch UBND TX.Thuận An Đỗ Thành Tâm than thở, trên lĩnh vực giáo dục, Thuận An có tới 58% cơ sở giáo dục đạt chuẩn nhưng việc số lượng học sinh (HS) các cấp đều gia tăng mạnh mẽ nên cơ sở vật chất không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế đặt ra. Năm 2013, TX.Thuận An có thêm khoảng 5.000 HS các cấp, trong đó mẫu giáo có thêm 1.500 HS, tiểu học có thêm 2.500 HS và THCS có thêm 1.000 HS. “Với tốc độ gia tăng HS chóng mặt, TX.Thuận An không đủ trường, lớp để đáp ứng nên chắc chắn sẽ phải tính toán, xây dựng kế hoạch lịch học theo ca…”, ông Tâm cho biết. Chính vì thế, ông Tâm đề nghị UBND tỉnh xem xét ưu tiên bố trí nguồn vốn cho TX.Thuận An đầu tư, xây dựng thêm các trường học mới. Còn Phó Chủ tịch UBND TX.Dĩ An Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, nhiều công trình xây dựng trường học tại địa phương được xây mới thời gian qua nhưng do sự gia tăng HS quá lớn nên năm nào trường lớp, phòng học cũng thiếu. “Năm học mới 2013-2014 này, để giải quyết tình trạng thiếu phòng học, ngành giáo dục của địa phương chỉ còn cách phải chia ca học hoặc đẩy sĩ số HS của các lớp học lên…”, ông Nghĩa nói.

Đẩy nhanh dự án bệnh viện đa khoa 1.500 giường

Tương tự tình hình quá tải của giáo dục, trên lĩnh vực y tế, các bệnh viện (BV) công của Bình Dương cũng đang rơi vào tình trạng quá tải do áp lực tăng dân số mạnh mẽ. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã tiến hành quy hoạch hàng loạt các bệnh viện đa khoa (BVĐK), chuyên khoa lớn để có thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Các dự án trọng điểm này đã được UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng (BQLDAĐTXD) thực hiện bao gồm: BVĐK (1.500 giường), BV Điều dưỡng phục hồi chức năng (200 giường), BV chuyên khoa nhi (400 giường), BV chuyên khoa ung bướu (300 giường). Các dự án BV đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để chuẩn bị đầu tư.

Tại buổi làm việc với BQLDAĐTXD về các dự án trọng điểm trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho rằng, tuy có sự tập trung thực hiện nhưng tiến độ một vài dự án còn chậm, đặc biệt là đối với dự án BVĐK 1.500 giường, một dự án quan trọng trong các dự án XDCB trọng điểm của Bình Dương. Chính vì thế, nếu cần thiết có thể tạm dừng một số dự án khác để tập trung thực hiện dự án quan trọng này. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung, với tốc độ phát triển công nghiệp của Bình Dương, lĩnh vực y tế công đang không theo kịp để đáp ứng nhu cầu. Mặt khác, khi Bình Dương lên thành phố, phải bảo đảm tiêu chuẩn về y tế là có BVĐK từ 1.000 giường trở lên. Thêm vào đó, với dự báo quy mô dân số của Bình Dương khi lên thành phố có khoảng từ 2 - 2,5 triệu người, nếu không xây dựng BV này thì không thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Cũng tại buổi làm việc trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã chỉ đạo: “BQLDAĐTXD, UBND TP.TDM cùng các sở ngành liên quan cần tập trung đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án, hoàn tất các thủ tục, hồ sơ để có thể khởi công dự án BVĐK 1.500 giường ngay vào đầu năm 2014”.

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=348
Quay lên trên