Sau khi Thường trực Tỉnh ủy có kết luận thông báo tạm ngưng công bố ca nhiễm mới, điều này đã nhận được nhiều ý kiến đồng tỉnh ủng hộ của chuyên gia y tế, địa phương và người dân. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc công bố số ca nhiễm hiện nay không mang nhiều ý nghĩa. Thay vì công bố ca nhiễm mới, ngành y tế cần tập trung hỗ trợ điều trị tại nhà cho người nhiễm Covid-19 nhẹ, không triệu chứng.
Việc cập nhật số ca nhiễm không chính xác và hầu hết ca nhiễm hiện nay có biểu hiện nhẹ do đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 nên việc công bố ca nhiễm đã không còn nhiều ý nghĩa. Trong ảnh: Lực lượng y tế đến tận nhà tiêm vắc xin cho người dân TP.Dĩ An. Ảnh: MINH DUY
Tạm ngưng công bố ca nhiễm mới
Thực hiện thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về tạm dừng công bố ca nhiễm mới từ ngày 8-3, theo ghi nhận của phóng viên, các địa phương đã thực hiện nghiêm túc. Mặc dù không thông báo rộng rãi số ca nhiễm nhưng các địa phương nắm chắc số liệu cụ thể tình hình dịch bệnh, báo cáo, tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.
Việc không công bố ca nhiễm hàng ngày là do hiện nay đã có nhiều người nhiễm nhưng không khai báo dẫn đến số liệu không chính xác. Khi con số đã không chính xác, không đánh giá đúng tình hình thực tế dịch bệnh, tỉnh tạm dừng công bố. Hơn nữa, hầu hết ca nhiễm hiện nay có biểu hiện nhẹ do đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Theo tìm hiểu, hiện tại nhiều nước đã không còn công bố ca nhiễm hàng ngày. |
Giải thích về nguyên nhân ngưng công bố ca mắc mới, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, những ngày qua, số ca nhiễm dù tăng mạnh nhưng chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh hiện nay. Số ca nhiễm tăng đang tỷ lệ nghịch với số ca tử vong. Tỷ lệ tử vong tính trên tổng số ca nhập viện cấp cứu hồi sức (ICU) giảm rất nhiều, trong khi số lượng bệnh nhân nhập viện ít, lượng người đã tiêm vắc xin cao, phủ rộng gần trọn tổng số dân. “Hiện ngành y tế và bộ phận chống dịch vẫn theo dõi sát các số liệu liên quan đến dịch bệnh, đặc biệt là số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày. Việc không công bố ca nhiễm hàng ngày là do hiện nay đã có nhiều người nhiễm nhưng không khai báo dẫn đến số liệu không chính xác. Khi con số đã không chính xác, không đánh giá đúng tình hình thực tế dịch bệnh, tỉnh tạm dừng công bố. Hơn nữa, hầu hết ca nhiễm hiện nay có biểu hiện nhẹ do đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Theo tìm hiểu, hiện tại nhiều nước đã không còn công bố ca nhiễm hàng ngày”.
Bày tỏ quan điểm với việc không công bố ca nhiễm mới, Phó Giáo sư - Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, hiện nay chúng ta đã hiểu số lượng ca nhiễm được thông báo hàng ngày không phản ánh thực chất sự nguy hiểm của dịch bệnh. Số ca tử vong và tăng nặng là “hàn thử biểu” để điều chỉnh mức độ phòng, chống dịch bệnh. Vậy nên những con số này cần hết sức chính xác. Tuy nhiên, hiện nay chưa có tiêu chuẩn rõ ràng của tử vong do Covid-19 gây ra dẫn đến con số này vẫn còn cao, xấp xỉ 100 ca mỗi ngày (tính trên cả nước). Thực tế rất nhiều trường hợp tử vong nhưng không phải do bệnh Covid-19 trực tiếp gây ra. Ví như một thanh niên bị tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não nghiêm trọng khi tử vong lại có xét nghiệm Covid-19 dương tính hay một ông cụ ngoài 90 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp, ngừng tim ngoại viện trước khi mất lại được lấy mẫu dương tính…
“Theo số liệu của các bệnh viện mà tôi quản lý, số bệnh nhân tử vong do bệnh Covid-19 thấp hơn nhiều tổng số tử vong có xét nghiệm Covid-19 dương tính. Omicron không tăng nặng như Delta, đặc biệt trên quần thể đã tiêm đủ vắc xin như Việt Nam và Bình Dương nói riêng. Đây chính là tín hiệu dịch bệnh đã đi đến cuối của đường hầm”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nói.
Hỗ trợ điều trị F0 tại nhà
Thời gian gần đây, các ca mắc Covid-19 tăng cao, phần lớn là các ca bệnh nhẹ, ít triệu chứng. Để hỗ trợ tốt cho việc chăm sóc và theo dõi sức khỏe F0 tại nhà, Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp, phát huy vai trò chủ động của cấp cơ sở trong lãnh đạo, điều hành, của lực lượng y tế cơ sở và Tổ Covid cộng đồng. Nhiều F0 điều trị tại nhà đã khỏi bệnh với tâm lý tốt. Điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà không chỉ giúp người bệnh thoải mái, yên tâm hơn khi được sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe trong căn nhà của mình, chia sẻ và giảm tải gánh nặng với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh mà còn khẳng định quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128 của Chính phủ.
Ông Tôn Quang Vinh, Chủ tịch UBND phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường đã thành lập nhóm quản lý, chăm sóc F0 tại nhà do cán bộ Trạm Y tế phường làm trưởng nhóm. Sau khi cơ quan y tế xét nghiệm hoặc người bị nhiễm tự xét nghiệm cho kết quả dương tính, phường sẽ đưa vào nhóm Zalo. Qua đó, hàng ngày, bệnh nhân được hỏi han trên nhóm Zalo về tình hình sức khỏe để có biện pháp điều trị kịp thời.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một cũng có cách làm hiệu quả trong hỗ trợ F0 điều trị tại nhà. Để bệnh nhân yên tâm điều trị, phường đã thành lập Tổ chăm sóc F0 tại nhà, tổ chức kết nối các nhóm Zalo để kịp thời hỗ trợ, giải đáp thắc mắc, ý kiến của người dân. Đi đôi với công tác thành lập các nhóm Zalo, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường còn phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thực hiện tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân qua loa phát thanh. Khi người dân là F0, cán bộ y tế hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng và truy cập nhóm Zalo của địa phương và được hướng dẫn cụ thể cách điều trị cũng như cách sử dụng thuốc đúng liều lượng, an toàn, hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Kim Nguyên, Phó Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên: Tập trung điều trị ca bệnh nặng Trước đây, người dân thường có thói quen xem bản tin công bố số ca nhiễm mới. Tuy nhiên, hiện nay số liệu công bố đã không còn chính xác. Thực tế dịch bệnh vẫn lưu hành, tỷ lệ bao phủ vắc xin trên địa bàn tỉnh khá rộng, vậy nên ta không nên đặt nặng những con số. Vấn đề đếm số ca mắc hiện nay không còn nhiều ý nghĩa. Chúng ta nên quan tâm số ca nặng bao nhiêu, tử vong bao nhiêu và lý do tử vong. Trong tình hình hiện nay, hơn hết người dân phải nghiêm túc thực hiện “5K” và các khuyến cáo của ngành y tế, đặc biệt là chủ động đi tiêm vắc xin ngừa Covid-19; khi phát hiện mình bị nhiễm phải báo nhân viên y tế để được hỗ trợ kịp thời. Bác sĩ Hà Sinh, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh: Số liệu ca nhiễm mới không quan trọng bằng ý thức phòng bệnh Trước đây, tôi thường theo dõi bản tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thời gian gần đây, nhiều người nhiễm bệnh không khai báo, không được cập nhật số liệu. Vì vậy theo tôi, số liệu ca bệnh không có ý nghĩa về mặt thống kê cũng như việc đánh giá tình hình dịch bệnh. Số liệu nên để ngành y tế và bộ phận chống dịch quản lý, theo dõi để nghiên cứu. Theo tôi, số liệu ca nhiễm mới bây giờ không quan trọng bằng ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân. “5K” + tiêm vắc xin đầy đủ + ý thức là biện pháp bảo vệ bản thân, gia đình, xã hội trước dịch bệnh Covid-19. Anh Nguyễn Hữu Phúc, người dân phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một: Nhiễm Covid-19 giống như cảm cúm thông thường Thời gian trước, mỗi ngày xem bản tin thông báo tình hình dịch bệnh, bản thân tôi rất sợ khi thấy số ca nhiễm liên tục tăng. Nhưng bây giờ tôi không quan tâm nhiều đến số ca nhiễm vì ai cũng đã được tiêm ngừa vắc xin nên dù có nhiễm cũng không có triệu chứng hoặc chỉ ho, nóng sốt nhẹ. Theo tôi, địa phương không nên công bố số ca mắc mới nữa bởi hiện nay nhiễm Covid-19 đã giống như cảm cúm thông thường. |
KIM HÀ