Sau khi giải quyết xong việc hỗ trợ tiền thuê nhà trọ và hỗ trợ lương thực theo Nghị quyết 04-NQ/ HĐND của HĐND tỉnh và Quyết định 12-QĐ/ UBND của UBND tỉnh cho các nhóm đối tượng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) đang tập trung đẩy mạnh hỗ trợ các nhóm chính sách theo Nghị quyết 68-NQ/CP của Chính phủ, như: Người lao động (NLĐ) tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, hộ kinh doanh...
Tỉnh đã hỗ trợ xong tiền thuê nhà trọ và hỗ trợ lương thực theo Nghị quyết 04-NQ/HĐND của HĐND tỉnh và Quyết định 12-QĐ/UBND cho người ở trọ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19
Gần 1.850 tỷ đồng đã được chi
Trong đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 này, nhằm giúp NLĐ vượt qua khó khăn, có tiền trang trải trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, Sở LĐ- TB&XH tập trung giải quyết chi hỗ trợ cấp bách các khoản như hỗ trợ tiền thuê nhà trọ 300.000 đồng/NLĐ đang ở trọ theo Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh và tiền hỗ trợ lương thực cho NLĐ đang ở trọ có hoàn cảnh khó khăn là 500.000 đồng/ NLĐ theo Quyết định số 12 của UBND tỉnh. Một khoản chi khác được sở tập trung chỉ đạo giải quyết nhanh, đơn giản hóa thủ tục, để tiền đến tay NLĐ nhanh nhất là chi hỗ trợ cho lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ. Đó là những người bán vé số, phụ hồ, cắt tóc, làm vườn, phụ việc nhà... Từ những nguồn hỗ trợ này, NLĐ đã giải quyết được rất nhiều khó khăn trong những ngày qua.
Theo Nghị quyết 68, có đến 12 nhóm chi hỗ trợ cho NLĐ gặp khó khăn do dịch bệnh. Thời gian qua, bên cạnh tập trung giải quyết nhanh cho nhóm lao động tự do, Sở LĐ-TB&XH cũng đã giải quyết nhiều nhóm khác, như: Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ NLĐ ngừng việc; hỗ trợ trẻ em, hỗ trợ đối với người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế; hỗ trợ hộ kinh doanh; chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất... Trong đó, nhóm chi hỗ trợ cho hộ kinh doanh được Sở LĐ-TB&XH giải quyết khá nhanh. Đến nay, sở đã chi hỗ trợ cho 26.172 hộ kinh doanh với số tiền là 78,516 tỷ đồng (chính sách này có 7/9 địa phương hoàn thành).
Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Với nhóm hỗ trợ hộ kinh doanh, chỉ giải quyết cho những hộ có đăng ký nộp thuế kinh doanh. Khi dịch bệnh xảy ra, nhìn thấy hộ kinh doanh gặp phải rất nhiều khó khăn, mất nguồn thu nhập, phải đóng tiền thuê mặt bằng trong thời gian dài. Trong quá trình làm hồ sơ, thay vì người kinh doanh phải chứng minh việc đóng thuế kinh doanh, Sở LĐ-TB&XH đã linh động phối hợp với Cục Thuế tỉnh gửi danh sách hộ kinh doanh về từng xã, phường. Nhóm này được giải quyết nhanh gọn trong những ngày gần đây”.
Giải quyết nhanh hỗ trợ cho NLĐ
Trong đợt dịch bệnh thứ 4 này, nhìn chung công nhân lao động (CNLĐ) là những người gặp phải nhiều khó khăn nhất. Bởi sau khoảng 3 tháng cao điểm thực hiện giãn cách toàn xã hội, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm ngàn lao động phải nghỉ việc không được hưởng lương. Chỉ số ít CNLĐ được doanh nghiệp tạo điều kiện sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”.
Hầu hết CNLĐ trong thời gian giãn cách được chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành tập trung chăm lo lương thực, nhu yếu phẩm theo chỉ đạo của các cấp là không để ai bị thiếu đói. Bên cạnh đó, CNLĐ được hỗ trợ 800.000 đồng/ người theo Nghị quyết 04 và Quyết định 12 của UBND tỉnh và một số trường hợp được hỗ trợ vì nhiễm Covid-19, là F1, F2. Số CNLĐ được giải quyết hỗ trợ theo Nghị quyết 68 Chính phủ là rất ít.
Tính đến ngày 23-9, Sở LĐ-TB&XH đã chi gần 1.850 tỷ đồng cho 3 nhóm hỗ trợ. Trong đó, chi hỗ trợ theo Nghị quyết 68 là hơn 802 tỷ đồng; chi hỗ trợ theo Nghị quyết 04 hơn 369 tỷ đồng và chi hỗ trợ theo Quyết định 12 là hơn 648 tỷ đồng. Hiện Nghị quyết 04 và Quyết định 12 đã hoàn thành duyệt chi. Riêng đối với chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, số đơn vị được giảm mức đóng là 14.386 đơn vị với 1.019.802 lượt lao động, số tiền được giảm là 475,35 tỷ đồng. |
Bà Nguyễn Ngọc Hằng thông tin, với các nhóm hỗ trợ cho NLĐ theo Nghị quyết 68, như: NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ NLĐ ngừng việc... NLĐ chỉ được chọn hỗ trợ một lần duy nhất. Do đó, hầu hết doanh nghiệp đều chọn nhóm hỗ trợ tạm hoãn hợp đồng cho NLĐ, nghỉ việc không hưởng lương cho CNLĐ của mình. Vì đây là nhóm hỗ trợ mà hầu hết doanh nghiệp gặp phải và cũng là nhóm nhận được hỗ trợ cao nhất 3,7 triệu đồng/người. “Tuy nhiên, trong những tháng qua, do ảnh hưởng nặng của dịch bệnh, phải thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, nhiều nơi bị “đông cứng, khóa chặt”, khó khăn trong việc đi lại, tiến độ đăng ký và giải quyết hồ sơ có phần bị chậm”.
Theo báo cáo của Sở LĐ- TB&XH, đến nay nhóm này chỉ mới có 59.872 NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được chi hỗ trợ với số tiền 206,478 tỷ đồng. Có thể nói, đây là con số khá khiêm tốn so với số CNLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên địa bàn. Những ngày gần đây, khi các “vùng xanh” liên tục được mở ra, đi lại thuận tiện hơn, bộ phận hành chính của các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn đã đến trụ sở để lập hồ sơ gửi Phòng LĐ- TB&XH các huyện, thị, thành phố. Hiện các địa phương đã nhận được nhiều hồ sơ từ các công ty, doanh nghiệp gửi về.
“Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách vừa qua, các cấp công đoàn, các trang mạng, nhóm Zalo, Facebook và các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về các chính sách có nội dung NLĐ chỉ được nhận hỗ trợ duy nhất một lần trong các nhóm hỗ trợ của Nghị quyết số 68. Tuy nhiên, vẫn có CNLĐ đăng ký nhận 1,5 triệu đồng của nhóm lao động tự do. Vì thế, hiện nay Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị, thành phố đang rà soát lại. Nếu CNLĐ đã nhận 1,5 triệu đồng thì không nhận được các nhóm khác của Nghị quyết 68”, bà Hằng thông tin thêm.
Để tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 đến tay NLĐ nhanh nhất trong những ngày tới, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với VNPT Bình Dương ứng dụng phần mềm sàng lọc danh sách những người đã nhận hỗ trợ từ các gói, nhóm hỗ trợ để qua đó xét duyệt hồ sơ nhanh nhất có thể.
QUANG TÁM