Di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh: Làm sao thu hút du khách?

Cập nhật: 03-10-2011 | 00:00:00

Di tích (DT) lịch sử - văn hóa là công trình xây dựng - địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học; danh lam thắng cảnh (danh thắng) là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình có giá trị lịch sử. Di tích - danh thắng là những công trình, địa điểm góp phần trong việc giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa và truyền thống của dân tộc, nâng cao nhận thức cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đây cũng là những nơi có giá trị phục vụ phát triển ngành du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Di tích cấp quốc gia chùa Hội Khánh luôn thu hút được nhiều du khách đến tham quan Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, tính đến nay toàn tỉnh đã có 42 DT đã được xếp hạng, trong đó có 11 DT cấp quốc gia và 31 DT cấp tỉnh. Trong năm 2011, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định xếp hạng 3 DT cấp tỉnh là đình Dĩ An (phường Dĩ An, TX.Dĩ An), miếu bà Đất Cuốc (ấp Suối Sâu, xã Đất Cuốc, huyện Tân Uyên); địa điểm lần đầu tiên Mỹ rải bom B52 tại Việt Nam (ấp Hốc Măng, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng). Hiện ngành đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xếp hạng 2 DT cấp quốc gia là di tích Tháp canh cầu Bà Kiên (ấp Dư Khánh, xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên) và DT Nhà máy Xe lửa Dĩ An (khu phố 1, phường Dĩ An, TX.Dĩ An); 2 di tích cấp tỉnh: Ấp chiến lược kiểu mẫu (ấp Bến Tượng, xã Lai Hưng, huyện Bến Cát), Chiến khu Thuận An Hòa (phường Thuận Giao, TX.Thuận An).

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có gần 500 DT phổ thông chưa được xếp hạng; đa số là các loại đình, chùa, miếu, tịnh xá, tịnh thất (gọi chung là cơ sở tín ngưỡng) và hơn 50 ngôi nhà cổ cùng nhiều mộ cổ và danh lam thắng cảnh. Nhiều DT và danh thắng của Bình Dương đã nổi tiếng khắp nơi trong và ngoài nước như Nhà tù Phú Lợi, địa đạo Tây Nam Bến Cát, Chiến khu Đ, Chiến khu Thuận An Hòa, danh thắng núi Châu Thới, chùa Hội Khánh, lò lu Đại Hưng, danh thắng núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng, đình Tân An (Bến Thế), đình Phú Cường (Bà Lụa)...    Quần thể di tích danh thắng Núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng, làm thế nào để thu hút du khách?

Những năm qua, các DT lịch sử và danh thắng đã góp phần rất lớn trong việc thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng... nâng doanh thu của ngành du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng; riêng 9 tháng đầu năm 2011, đã có trên 85.000  du khách đến tham quan các DT và danh thắng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng và các địa phương: Mặc dù có nhiều ưu điểm và thuận lợi nhưng hệ thống DT và danh thắng ở Bình Dương vẫn chưa phát huy hết tiềm năng trong việc thu hút khách du lịch đến tham quan vì: Nhiều DT do nhu cầu tín ngưỡng, người dân các địa phương tự đóng góp kinh phí sửa chữa, nâng cấp nên manh mún, không tuân theo chuẩn mực nào, dẫn tới làm sai lệch tính lịch sử của DT. Tuy đã phân cấp nhưng hiện nay vẫn có tình trạng một số DT dù đã được đầu tư tôn tạo nhưng việc đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch, việc giới thiệu lịch sử DT còn thiếu và hạn chế, thậm chí có nơi chưa có người giới thiệu, khách vào muốn xem gì tùy ý...

Có dịp tham gia một số đoàn đi khảo sát các DT - danh thắng và các làng nghề trên địa bàn tỉnh mới thấy các DT - danh thắng của chúng ta chưa thu hút nhiều du khách, chưa khai thác hết tiềm năng do một số bất cập không đáng có như đường vào quá khó khăn (DT bót Cầu Định, DT nhà cổ Trần Công Vàng, DT khảo cổ dốc Chùa, chùa Long Hưng, Bến Cát) hoặc DT thiếu người hướng dẫn, thuyết minh, một số nơi còn thiếu công trình vệ sinh cho du khách...  

Khu di tích địa đạo Tây Nam, Bến Cát đang được trùng tu tôn tạo

Thực hiện đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị DT lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Dương đến năm 2020” tổng kinh phí đã thực hiện tôn tạo các DT cấp quốc gia giai đoạn 2006-2009 là 19,4 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn Trung ương thực hiện 1,55 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương 17,85 tỷ đồng và nguồn kinh phí khác là 3,04 tỷ đồng. Những DT đã được tôn tạo trong các năm qua như: Địa đạo Tam giác sắt, Nhà tù Phú Lợi, nhà cổ Trần Công Vàng, nhà cổ Trần Văn Hổ, chùa Hội Khánh, núi Châu Thới, đình Phú Long, khảo cổ Dốc Chùa, nhà Nguyễn Tri Quan... Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn hẹp nên việc trùng tu, tôn tạo chỉ mang tính cấp thiết để ngăn chặn sự xuống cấp của DT - danh thắng, chưa có đầu tư lớn làm nổi bật các giá trị vốn có của DT để thu hút khách du lịch đến tham quan. Việc kết hợp, phát huy giá trị DT và tôn tạo cảnh quan tạo khu vui chơi, giải trí thư giãn còn gặp nhiều khó khăn. Việc phân cấp cho các huyện, thị quản lý DT cấp tỉnh thời gian đầu còn nhiều khó khăn do địa phương thiếu cán bộ chuyên môn, chế độ bồi dưỡng cho người trông coi trực tiếp tại các DT chưa có. Từ đó, việc phát huy giá trị các DT còn hạn chế, chưa có DT nào được đầu tư là điểm nhấn của Bình Dương. Do đó, để các DT - danh thắng phát huy được tiềm năng của mình, đóng góp vào việc thu hút khách du lịch; thiết nghĩ những bất cập đã nói trên cần được sự quan tâm khắc phục của các ngành, các cấp...

Trưởng ban Quản lý DT và danh thắng tỉnh Nguyễn Văn Thủy:

Những năm qua kinh phí cho việc bảo vệ, tôn tạo các DT tuy có được quan tâm nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các DT đang xuống cấp. Nhưng, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là việc vẫn còn thiếu nhiều cán bộ chuyên môn ở cơ sở, điều này đã kéo theo việc trùng tu về chuyên môn vẫn còn hạn chế, do đó tỉnh vẫn còn phải hỗ trợ. Trong thời gian tới tỉnh sẽ tăng cường thêm lực lượng cán bộ chuyên môn xuống hỗ trợ cho cơ sở để đáp ứng nhu cầu hiện nay, song song với việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ cho cơ sở...

Đến nay, toàn tỉnh có 42 DT - danh thắng đã được xếp hạng, trong đó có 11 DT cấp quốc gia gồm: Nhà tù Phú Lợi, núi Châu Thới, chùa Hội Khánh, nhà cổ Trần Công Vàng, nhà cổ Trần Văn Hổ, địa đạo Tây Nam Bến Cát, khảo cổ học Dốc Chùa, đình Phú Long, khảo cổ học Cù lao Rùa, Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh, Chiến khu Đ và 31 DT cấp tỉnh như đình Tân An (Bến Thế), đình Phú Cường (Bà Lụa), nhà cổ Đỗ Cao Thứa, nhà cổ Nguyễn Tri Quang, miếu Mộc Tổ, chùa Hưng Long (Bà Thao), bót Cầu Định, dinh tỉnh trưởng Phước Thành, căn cứ cách mạng rừng Kiến An, căn cứ cách mạng Hố Lang, đình An Sơn, chùa tổ Long Hưng (Tổ Đỉa), mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên, Vòng thành Đất họ Võ, trường kỹ thuật Bình Dương, lò lu Đại Hưng, danh thắng núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng...

 BÌNH MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=813
Quay lên trên