Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 9/2 theo giờ Việt Nam, thế giới ghi nhận tổng cộng 400.306.917 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.781.308 ca tử vong. Tổng số ca bình phục đến nay là hơn 320,5 triệu ca, trong khi vẫn còn 89.929 ca đang phải điều trị tích cực.
Như vậy, số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 400 triệu. Thế giới ghi nhận con số 100 triệu ca mắc COVID-19 vào ngày 26/1/2021, tiếp đó là mốc 200 triệu ca ghi nhận ngày 4/8/2021 và mốc 300 triệu ca vào ngày 6/1/2022.
Hiện Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 khi cả số ca mắc bệnh và ca tử vong tại nước này đều ở mức cao nhất thế giới, cụ thể là 78.543.862 ca mắc (hơn 19% số ca toàn cầu) và 932.429 ca tử vong (hơn 15% số ca toàn cầu).
Tiếp theo là Ấn Độ với 42.409.052 ca mắc và 505.308 ca tử vong; Brazil với 26.776.692 ca mắc và 634.057 ca tử vong.
Tại Campuchia, số ca nhiễm biến thể Omicron tăng đột biến lên đến hơn 200 ca trong ngày 8/2. Trước tình hình này, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác và tăng cường thực hiện nghiêm ngặt biện pháp “3 Bảo vệ - 3 Không” để phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, ông nêu rõ người dân cần giảm tụ tập đông người, đảm bảo duy trì khoảng cách an toàn để ngăn ngừa lây nhiễm, cần nâng cao cảnh giác ở những địa điểm kinh doanh buôn bán như quán bar, nơi tập trung đông người, đám cưới, đám giỗ, nơi tổ chức các hoạt động tôn giáo.
Công tác phòng chống dịch COVID-19 của Campuchia trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tốt. Trong những tháng gần đây, tỷ lệ lây nhiễm và tử vong do COVID-19 đã giảm.
Hơn một tháng qua, Campuchia không có ca tử vong nào do COVID-19. Theo Bộ Y tế Campuchia, tỷ lệ tiêm chủng phòng COVID-19 của Campuchia tính đến ngày 8/2 trên tổng dân số 16 triệu dân nước này đạt 89,79%.
Tại châu Âu, nhà chức trách Bỉ đã bắt đầu gửi lời mời tiêm liều thứ tư vaccine ngừa COVID-19 (các loại vaccine do Pfizer/BioNTech hoặc Moderna sản xuất) cho những người bị suy giảm khả năng miễn dịch trên toàn quốc.
Tại Bỉ hiện có khoảng 400.000 người từ 12 tuổi có thể tham gia chiến dịch tiêm phòng nêu trên, bao gồm những người bị rối loạn miễn dịch bẩm sinh, những người phải chạy thận định kỳ, bệnh nhân HIV/AIDS, những người bị ung thư máu hoặc có các khối u ác tính, cũng như những bệnh nhân đã trải qua cấy ghép tế bào...
Thông báo của Bộ Y tế vùng Flanders (vùng nói tiếng Hà Lan của Bỉ) nêu rõ liều tiêm thứ 4 này được áp dụng đối với những người đã tiêm vaccine liều thứ 3 hồi tháng 9/2021. Bộ trưởng Y tế vùng Flanders Wouter Beke cho biết: “Đối với những người có hệ miễn dịch yếu, mũi thứ 3 được coi là bước hoàn thành lịch tiêm chủng cơ bản. Liều thứ 4 được coi là liều tăng cường của họ.”
Theo Bộ trưởng Beke, "không loại trừ khả năng liều vaccine thứ tư sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng COVID-19 cho toàn dân vào mùa Thu năm nay," tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như hiệu quả của vaccine kéo dài bao lâu, số lượng vaccine hiện có của Bỉ, cũng như sự biến đổi của virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, tại Đức, người đứng đầu Viện Robert Koch (RKI) - ông Lothar Wieler - nhận định Đức sẽ sớm vượt qua làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron gây ra và có thể đón một lễ Phục sinh thoải mái hơn.
Theo ông Wieler, so với biến thể Delta, tỷ lệ những người nhiễm biến thể Omicron biến chứng nặng ít hơn nhiều. Do đó, Đức có thể vượt qua được làn sóng này trong vài tuần tới.
Tuy nhiên, người đứng đầu RKI cũng lưu ý rằng còn quá sớm để có thể khẳng định điều này vì cho đến nay, chủ yếu những người nhiễm biến thể Omicron đều trẻ tuổi trong khi tỷ lệ nhiễm ở những người lớn tuổi ít hơn nhiều.
Số người trên 60 tuổi chưa tiêm chủng đang là yếu tố gây lo ngại. Vì vậy, RKI vẫn kêu gọi các biện pháp hạn chế nhằm làm chậm tốc độ lây lan để bảo vệ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương cũng như gây quá tải cho cơ sở hạ tầng y tế quan trọng.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach, nước này có thể sẽ đạt đỉnh dịch sớm nhất vào giữa tháng 2 này và các biện pháp nghiêm ngặt mà Đức đang áp dụng để làm chậm làn sóng lây nhiễm đang phát huy hiệu quả.
Ông nhấn mạnh việc nới lỏng quá mức các biện pháp hạn chế có thể phá hỏng chiến lược chống dịch và kéo dài làn sóng dịch bệnh. Bộ Y tế Đức dự kiến sẽ chỉ nới lỏng các hạn chế chống dịch trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh vào tháng 4 tới, song không ủng hộ việc nới lỏng rộng rãi ./.
Theo TTXVN