Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao ở nhiều địa phương.
Du khách thăm quan Khu du lịch sinh thái Tràng An sáng ngày mùng 5 Tết.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin: Dịp Tết Nguyên đán, từ ngày 8 - 14/2, ngành du lịch cả nước ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách lưu trú (tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023). Công suất phòng trung bình ước đạt từ 45 - 50% tại hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (trong đó cơ sở cao cấp từ 4 - 5 sao ở một số địa phương trọng điểm du lịch đạt công suất cao hơn, tập trung vào các ngày 3- 4 Tết).
Số lượng khách quốc tế đến tăng cao ở nhiều địa phương. Trong đó, Đà Nẵng ước đón gần 177.000 lượt; Hà Nội ước đón gần 103.000 lượt khách, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Ninh Bình ước đón gần 100.000 lượt; Quảng Nam ước đón 97.000 lượt, tăng 42%; Quảng Ninh ước đón 89.767 lượt. Thành phố Hồ Chí Minh ước đón 75.000 lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023; Kiên Giang ước đón 44.370 lượt, tăng gấp 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2023; Lâm Đồng ước đón 20.000 lượt…
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam: Số lượng khách quốc tế đến tiếp tục tăng so với dịp Tết Dương lịch và cùng kỳ năm 2023 nhờ hiệu ứng từ chính sách thị thực thuận lợi, định hướng đúng trong cơ cấu lại thị trường khách, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, địa phương và hoạt động xúc tiến, quảng bá được triển khai rộng khắp.
Thời gian nghỉ thời tiết thuận lợi, hoạt động du lịch diễn ra sôi động, nhộn nhịp ở hầu khắp các điểm đến du lịch trong cả nước. Khách du lịch có xu hướng chọn lựa các điểm đến di sản, tâm linh, văn hóa nổi tiếng ở nhiều địa phương. Các điểm đến ở vùng núi phía Bắc thu hút đông khách đến thưởng thức hoa mận, hoa mơ, đào rừng nở rộ. Xu hướng du lịch tự túc, nhóm nhỏ, gia đình, tự đặt dịch vụ tại điểm đến gia tăng, đặc biệt là ở các điểm đến gần với các thị trường nguồn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Một số địa phương đã phối hợp với các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành tổ chức chào đón khách “xông đất”, tạo hứng khởi cho khách du lịch ngày đầu năm mới. Nhiều khu, điểm du lịch trên cả nước chủ động chuẩn bị các chủ đề đặc sắc “7 ngày Tết 7 chủ đề” nhằm thu hút du khách. Một số sản phẩm du lịch sáng tạo, kết hợp công nghệ cao (công nghệ ánh sáng, công nghệ 3D, thực cảnh,…) thu hút lượng lớn người dân, du khách tham quan, trải nghiệm. Một số điểm đến đã thu hút đông lượng khách tham quan, vui chơi như Hà Nội, Tam Chúc (Hà Nam), Tràng An (Ninh Bình), Sapa (Lào Cai), Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Thành phố Hồ Chí Minh…
Các đơn vị lữ hành lớn đã xây dựng nhiều chương trình tour mới, khuyến mại hấp dẫn; tích cực khai thác sản phẩm du lịch mới, tập trung nổi bật ưu thế vùng miền, liên kết phát triển theo định hướng “một cung đường, nhiều điểm đến”, đa dạng hóa dịch vụ nhằm tăng doanh thu dịp Tết. Xu hướng tour giá rẻ giảm, thay vào đó là lựa chọn các tour đặt sớm, ưu tiên chất lượng.
Một số địa phương có cảng biển quốc tế đã tổ chức đón khách dịp Tết. Quảng Ninh đón tàu Zhao Shang Yi Dun với 600 khách Trung Quốc; Đà Nẵng đón tàu Zhao Shang Yi Dun và Dream Cruise với khoảng 3.400 khách. Thành phố Hồ Chí Minh đón tàu Europa, Seabourn Encore, Celebrity Cruises với hàng nghìn lượt khách đa quốc tịch… Những tín hiệu tích cực từ du lịch tàu biển cho thấy một năm phục hồi nhiều khởi sắc của dòng khách quốc tế quan trọng này, trong đó có khách từ thị trường truyền thống Trung Quốc.
Các hãng hàng không cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng cường thêm chuyến bay phục vụ nhu cầu của du khách và người dân dịp Tết. Các hãng hàng không nội địa ước cung ứng khoảng 5,5 triệu vé trên toàn mạng bay nội địa, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 69% so với ngày thường...
Theo TTXVN