Giữa mênh mông sông nước hữu tình, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam rộn rã với một phiên chợ vùng cao hết sức độc đáo trong lòng thủ đô Hà Nội, thu hút đông đảo du khách thập phương. Phiên chợ vùng cao có một không gian mở với trên 30 gian hàng phân thành bốn khu chính bao gồm chợ vùng núi phía Bắc, chợ người Hoa phía Nam, chợ quê, chợ nổi vùng sông nước. Người đi chợ có thể cảm nhận hết sự khoáng đạt trong liên kết giữa không gian chợ ở mọi miền đất nước.
Nhiều mặt hàng thổ cẩm độc đáo được bày bán ở phiên chợ vùng cao. Các gian hàng cũng thông thoáng và mang đậm nét văn hóa các vùng miền từ hàng hóa, cách bày bán đến những trang phục, cách thể hiện, ngôn ngữ của người bán hàng. Từ huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, chị H’va Hmoc háo hức cùng hàng chục người Ê đê khác về Thủ đô tham dự phiên chợ đầu tiên trong Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ở đây, chị có thể mua sắm những thứ cần thiết, trao đổi thông tin và được gặp gỡ nhiều bạn bè các dân tộc trên mọi vùng Tổ quốc. Các mặt hàng đặc sản được bày bán nhiều nhất tại phiên chợ có thổ cầm của người Mông, quần áo người Dao, rượu của người Nùng… Mỗi thứ đều có những đặc trưng, nét đẹp văn hóa truyền thống riêng biệt. Cũng là hàng thổ cẩm, cũng là những chum rượu, nhưng ở mỗi dân tộc có cách chế biến, sản xuất khác nhau, tạo nên sự đa dạng cả về sản phẩm và bản sắc văn hóa. Các mặt hàng được đính kèm giá chuẩn, người mua không phải mặc cả. Điều này khiến ông A Pun (dân tộc Ba Na ở Gia Lai) thấy rất mới và hay, khi trở về ông sẽ chỉ dẫn cho bà con trong buôn làm theo. Phiên chợ vùng cao còn có sự góp mặt của nhiều mặt hàng đặc trưng của bà con các dân tộc đã từng được đầu tư xây dựng thương hiệu, xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Tín hiệu vui này cho thấy giờ đây nhân dân vùng cao ngày càng biết áp dụng khoa học kỹ thuật, từng bước lĩnh hội kiến thức để chuẩn bị cho quá trình hội nhập.Luôn tay rót rượu mời khách, chị Dương Thị Vân, dân tộc Nùng, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tự hào giới thiệu đặc sản rượu Kiên Thành quê chị. Giọng nói nhẹ nhàng, âm điệu tiếng Kinh khá chuẩn của chị đã truyền cảm và lôi cuốn thực khách thưởng thức hương vị hấp dẫn, ngọt mát và đậm đà của rượu Kiên Thành từng được dùng để tiến vua Lý Nhân Tông. Tham gia sự kiện văn hóa lớn của các dân tộc lần này, chị Vàng Thị Mai, dân tộc H' Mông đến từ Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) trực tiếp giới thiệu các công đoạn sản xuất lanh thổ cẩm quê chị. Chị Mai cho rằng đây là cách tốt nhất để người mua hiểu được nét độc đáo của sản phẩm lanh thổ cẩm - thương hiệu được xây dựng từ mấy chục năm nay của người H Mông Hà Giang. Những vòng quay sợi đều đều trên tay, chị Mai vui vẻ cho biết hợp tác xã lanh thổ cẩm quê chị giờ đã có 120 thành viên, chia thành 9 tổ sản xuất. Chị em đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ cô đơn hoặc là nạn nhân của nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em, song cùng có chung sự đam mê công việc. Sản phẩm làm ra là những chiếc khăn thêu, túi, ví đựng tiền bằng lanh, thổ cẩm, được bán ra nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Công việc ổn định, thu nhập trung bình của mỗi thành viên hợp tác xã từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Để tiếp tục phát triển thương hiệu, hợp tác xã đã liên kết với một số cơ sở kinh doanh ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác.Tuy nằm hơi khuất, nhưng khu chợ của người Hoa từ TP.HCM vẫn nhận được khá nhiều sự quan tâm của bà con các dân tộc và du khách. Trong các gian hàng này treo rất nhiều tranh cổ, tranh chữ, sử dụng bằng loại giấy bồi khá đặc biệt như lời người đại diện đoàn giới thiệu: “Không thấy bất cứ loại mọt hay côn trùng nào bén mảng vào sản phẩm.”Hai họa sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực hội họa này ở Việt Nam và khu vực là Trương Hán Minh và Trương Lộ đang phóng bút trên những bản giấy trước sự trầm trồ thán phục của người xem. Cạnh đó, chủ nhân đoàn Lân võ đường Lưu Kiến Xương cũng đang tỉ mỉ hoàn tất các công đoạn làm chiếc đầu lân đồ sộ, nhiều màu sắc. “Phiên chợ lớn này, khách hàng đến tham quan, mua sắm, được người bán tiếp đón vui vẻ, niềm nở ngay cả khi khách chỉ muốn tìm hiểu về hoạt động sản xuất, phong tục, cách sống của người dân tộc, điều ít thấy ở các phiên chợ thông thường khác”, chị Bùi Mai Phương, dân tộc Kinh đến từ Hà Nội bộc bạch. Đây cũng là cảm nhận chung của đông đảo du khách từ mọi miền đất nước và cả khách nước ngoài khi đến với chợ. Nhiều người còn mong muốn không gian văn hóa đậm chất vùng miền này xuất hiện ở nhiều nơi, góp phần duy trì nét đẹp vốn có trong sinh hoạt cộng đồng của người Việt. Chợ vùng cao phía Bắc là sáng kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch hướng ứng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày văn hóa dân tộc Việt Nam. Chợ năm nay chính thức khai mạc ngày 19-4 và mở liên tục trong tuần lễ diễn ra sự kiện trọng đại về văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Tại các phiên chợ còn diễn ra nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ của đồng bào các dân tộc, trình diễn cách thức tổ chức sản xuất nhiều mặt hàng truyền thống, chế biến đặc sản các vùng, miền… Những phong tục tập quán của nhiều dân tộc lần đầu tiên được tái hiện tại chợ, trong đó, những điệu múa, tiếng khèn chính là tình cảm mà đồng bào dành cho du khách, làm cho phiên chợ ấm hơi thở cuộc sống, nhiều nét thi vị.Theo TTXVN