Mặc dù đời sống ngày càng phát triển hiện đại, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, nhưng phong trào (ĐCTT) ở TP.TDM vẫn luôn khẳng định vai trò và không thể thiếu trong lòng đông đảo người dân địa phương, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa.
Qua số liệu thống kê của Trung tâm VHTT-TT TP.TDM về di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT trên địa bàn (từ năm 2012 đến nay), có 4 nghệ nhân, 10 CLB, 142 người biết chơi đàn, hơn 150 người tham gia sinh hoạt và giao lưu tại các CLB, có 56 tư liệu bài bản nhỏ, 29 loại nhạc cụ và hàng năm có thêm rất nhiều sáng tác tự biên.
Các chương trình tham gia liên hoan ĐCTT của TP.TDM luôn được dàn dựng công phu. Trong ảnh:Chập cải lương “Thành phố tôi yêu” của Trung tâm VHTT-TT TP.TDM tại Liên hoan ĐCTT tỉnh Bình Dương năm 2013.
Ảnh: T.VĂN
Hàng năm nhiều CLB như: Trung tâm VHTT-TT TP.TDM, Tiếng Tơ Đồng, Phú Thọ, Bách Liên Hương (Phú Lợi), Phú Hòa, Cung đàn mới (Phú Cường), Định Hòa, Hiệp Thành đều tổ chức sinh hoạt định kỳ và thường xuyên giao lưu, tham gia nhiều liên hoan, hội thi của TP.TDM nói riêng, trong và ngoài tỉnh nói chung.
Nhiều tên tuổi như Kiều My, Phan Lệ Chi, Nguyễn Danh Phong, Nguyễn Hà Phương, Minh Hiền, Trí Độ… đã giúp mang về nhiều thành tích vẻ vang cho Đất Thủ tại một số liên hoan lớn, như: ĐCTT 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau; giải nhất song tấu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại TP.HCM năm 2007; giải tuyên truyền viên xuất sắc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức năm 2005 và nhiều giải nhất tại các liên hoan ĐCTT tỉnh Bình Dương.
Không chỉ sinh hoạt bài bản tại các CLB cấp xã, phường, người mộ điệu còn tìm đến các CLB, hay các quán có phục vụ ĐCTT để được thưởng thức, giao lưu và thỉnh thoảng ngẫu hứng tham gia một vài bài “ruột” sau những giờ làm việc căng thẳng đầy mệt nhọc.
Với họ, được nghe tiếng đờn hòa quyện cùng những lời ca sâu lắng, thì những muộn phiền trong cuộc sống như tan biến. Để rồi ĐCTT trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu, là niềm đam mê, mong muốn góp vui cho đời sống cộng đồng và lưu giữ loại hình sinh hoạt độc đáo riêng của người dân Nam bộ.
Có lẽ vì vậy mà cho đến nay, đất Thủ dù đang du nhập nhiều thể loại âm nhạc hiện đại, nhưng người dân TP.TDM vẫn rất đậm đà với loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống - ĐCTT. Những bài như: Tình anh bán chiếu, Hương sắc Bình Dương, Lá trầu xanh, Hoa mua trắng; hoặc các trích đoạn Tiếng trống Mê Linh, Hàn Mặc Tử, Chuyện tình Lan và Điệp…được đông đảo công chúng thuộc nằm lòng. Từ phong trào này, nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, tài tử đờn, tài tử ca trẻ đầy tiềm năng xuất hiện ngày càng nhiều và ngày càng khởi sắc với nhiều giải thưởng tại các liên hoan ĐCTT trong và ngoài tỉnh.
Với tâm huyết “yêu nghề, nghề không phụ”, những giọng ca mượt mà, như: Thu Hồng, Thùy Dương, Kiều My và các giọng ca trẻ, như: Hà Xuyên, Kim Thủy, Trí Độ; những tay chơi đờn mượt mà như: Kiều My, NSƯT Ba Tu, Út Tỵ, Lệ Chi, Hoàng Bé, Hoàng Sáng… đang nỗ lực tập luyện, học hỏi, sưu tầm nhiều bài bản Tổ và tự biên một số lời mới, truyền cho nhau trong những cuộc liên hoan, những buổi giao lưu, sinh hoạt, nhằm góp phần giữ gìn và lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.
THỤC VĂN