Dồn toàn lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Cập nhật: 05-03-2013 | 00:00:00

 

 Thầy và trò trường THPT Võ Minh Đức (TP.TDM) tích cực ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới 

 Năm học 2011-2012 trường THPT Dĩ An (TX.Dĩ An) có 100% học sinh tốt nghiệp THPT. Để giữ vững tỷ lệ, nâng cao chất lượng, ngay từ đầu năm học trường thực hiện vừa dạy vừa ôn tập xen kẽ và duy trì cho đến khi thi tốt nghiệp ở các môn: văn, toán, Anh văn; có kế hoạch truy bài, làm các đề kiểm tra chung, luyện tập theo chủ đề bám sát hướng dẫn ôn tập của Bộ GD-ĐT.

Là trường vùng xa, điều kiện giảng dạy còn khó khăn, nhưng năm học trước trường Phan Bội Châu (Dầu Tiếng) cũng có 100% học sinh (HS) tốt nghiệp. Không để phụ lòng mọi người, năm nay nhà trường thực hiện nhiều biện pháp để duy trì chất lượng. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Kiều Điển, đối với giáo viên (GV), trường khuyến khích GV sử dụng các phần mềm, đồ dùng dạy học hỗ trợ tiết dạy, thực hiện hiệu quả các tiết thực hành thí nghiệm, GV chủ nhiệm báo cáo tình hình lớp hàng tuần hoặc đột xuất, tổ chức họp GV dạy lớp 12 để nắm bắt tình hình dạy học, có biện pháp chỉ đạo chuyên môn cho từng lớp chủ nhiệm, phân tích kết quả điểm thi từng môn học kỳ I và kết quả xếp loại học lực để chỉ ra nguyên nhân, đề ra giải pháp, quán triệt tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy ở học kỳ II. Ông Trần Trọng Hoàng, Hiệu trưởng trường THPT Huỳnh Văn Nghệ (Tân Uyên) cho biết: “Trường chúng tôi phân công GV giảng dạy lớp 12 hầu hết có năng lực tốt, có kinh nghiệm trong việc hệ thống kiến thức ôn thi tốt nghiệp THPT”. Trong khi đó, trường THPT Nguyễn An Ninh (TX.Dĩ An) tăng cường kiểm tra bài HS bằng nhiều hình thức, hướng dẫn HS phương pháp tự học, kỹ năng làm bài.

Vẫn có HS có nguy cơ rớt tốt nghiệp, đó là nỗi lo lắng của các trường trong thời điểm này. Vậy nên các trường tập trung thực hiện nhiều biện pháp để đưa HS yếu kém lên trung bình, giúp các em đủ khả năng thi tốt nghiệp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một biện pháp chung được các trường thực hiện là tổ chức dạy tăng tiết ở các môn thường thi tốt nghiệp. Sau khi có kết quả thi học kỳ I, các trường sàng lọc HS yếu kém và tổ chức dạy riêng theo trình độ học lực của HS, giúp các em lấy lại căn bản kiến thức. Ban giám hiệu tăng cường dự giờ, thăm lớp để động viên thầy trò, cũng như nhắc nhở GV thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp. Phương châm của các trường là dạy vừa sức, không dồn ép, gần gũi động viên giúp các em lấy lại tinh thần học tập.

Chung sức với Ban giám hiệu trong việc chăm lo cho việc học của HS, các thầy cô, Đoàn thanh niên phối hợp với GV bộ môn cùng kiểm tra bài HS ở những môn lý thuyết như lịch sử, địa lý hoặc xử lý các trường hợp vi phạm như lười học, không tập trung, không làm bài.

Ông Đặng Thành Sang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhận xét, hầu hết các trường đều có sự chuẩn bị tốt công tác ôn thi tốt nghiệp THPT như: tiến hành tăng tiết và phụ đạo ngay từ đầu năm học, ôn tập riêng cho số HS yếu kém, tăng cường dự giờ, hợp đồng GV giỏi ở các trường khác đến ôn tập các môn thi tốt nghiệp, tổ chức thi thử tốt nghiệp.

Năm học 2011-2013 toàn tỉnh có 99% HS tốt nghiệp THPT, đây là một áp lực cho cả thầy và trò trong mùa thi năm nay. Ông Đặng Thành Sang đã chỉ đạo, qua kết quả thi học kỳ I, đơn vị nào thấy chất lượng đáng lo ngại thì phải tính toán, có phương án vực dậy chất lượng. Xét thấy trường nào có GV giảng dạy chất lượng không bảo đảm, không đủ điều kiện giúp HS vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT thì sở sẽ chủ động điều động GV từ các trường khác đến giảng dạy. Để giữ vững kết quả thi tốt nghiệp như năm học 2011-2012, trước khi Bộ GD-ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp, các trường cần lên kế hoạch ôn tập, xác định số HS có nguy cơ rớt tốt nghiệp để có hướng bồi dưỡng kịp thời.

H.THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=692
Quay lên trên
X