Lợi thế để phát triển du lịch trên địa bàn huyện Dầu Tiếng là có nhiều di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng công nhận; cộng với đó là những thắng cảnh thiên nhiên, những vườn cây ăn trái đặc sản cùng các khu du lịch sinh thái mới hình thành... Tuy nhiên, để phát triển hơn nữa, ngoài sự đầu tư của Nhà nước và xã hội hóa, du lịch Dầu Tiếng cần có sự kết nối với nhiều địa phương khác, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách...
Một đoàn khảo sát kết nối du lịch đến tham quan di tích Vườn cây cao su thời Pháp thuộc (huyện Dầu Tiếng)
Điểm đến khá hấp dẫn du khách
Nhắc đến tiềm năng du lịch của huyện Dầu Tiếng không thể thiếu khu du lịch sinh thái Núi Cậu, với chùa Thái Sơn, suối Trúc và lòng hồ Dầu Tiếng. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có khu du lịch sinh thái Đọt Champa; hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội thường kỳ hàng năm tại các đình, chùa, miếu... cũng thu hút nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu.
Trên địa bàn huyện còn có những vườn cây ăn trái, những trang trại nuôi thú, chim yến, trồng nấm, hoa lan... được xem là những điểm đến khá hấp dẫn du khách tham quan. Đặc biệt, trên địa bàn xã Thanh An, Thanh Tuyền còn có những vườn cây ăn trái, với những loại cây đặc sản như măng cụt, sầu riêng. Một số nhà vườn đã mở cửa phục vụ khách đến tham quan, thưởng thức những loại trái cây đặc sản và ẩm thực vùng miền.
Trong những năm qua, nhờ lợi thế về điều kiện tự nhiên, những giá trị văn hóa, lịch sử sẵn có, các khu, điểm du lịch, lễ hội trên địa bàn huyện đã thu hút nhiều người dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu. Ông Đặng Minh Phước, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) huyện Dầu Tiếng, cho biết trên địa bàn huyện hiện có 20 di tích đã được công nhận, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia là di tích lịch sử Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh và 19 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh... Đây là những điều kiện thuận lợi để địa phương khai thác các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh và sinh thái dã ngoại.
Có thể thấy, du lịch huyện Dầu Tiếng thời gian qua đã có sự phát triển nhất định. Điều đó đã được chứng minh qua số lượng du khách đến với Dầu Tiếng tăng lên hàng năm. Theo thống kê, lượng du khách đến với Dầu Tiếng trong năm 2015 khoảng trên 300.000 lượt khách thì đến năm 2019 đã tăng lên trên 550.000 lượt khách.
Định hướng phát triển
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế của huyện trong giai đoạn 2020-2025. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực từ ngân sách và nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng các khu du lịch trên địa bàn huyện. Xác định các tuyến, tour du lịch, kết nối với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Tập trung đầu tư phát triển du lịch tại khu du lịch sinh thái Núi Cậu - hồ Dầu Tiếng; các điểm vườn cây ăn trái; các trang trại chăn nuôi tạo ra sản phẩm phục vụ khách du lịch; các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện.
Từ thực tế có thể thấy, du lịch Dầu Tiếng trong thời gian qua đã có sự phát triển đáng kể, nhưng theo đánh giá của địa phương thì vẫn còn những bất cập, đó là phát triển du lịch chưa được khai thác hiệu quả, chủ yếu theo hướng tự phát nên chưa thật sự thu hút mạnh mẽ đối với du khách. Việc khai thác lợi thế về phát triển du lịch còn nhiều hạn chế, hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa mang tính chuyên nghiệp. Việc liên kết hình thành các tuyến, tour du lịch với các điểm du lịch khác còn nhiều hạn chế. Hệ thống cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn chưa đạt chuẩn và chưa đáp ứng yêu cầu lưu trú dài ngày hay phục vụ lượng khách đông.
Để phát triển du lịch trong thời gian tới, theo bà Tuyết việc khảo sát, đánh giá toàn diện thực trạng tiềm năng về phát triển du lịch trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng. Qua đó, địa phương sẽ đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức để xác định bước đi phù hợp với thực tiễn và phải đặt du lịch Dầu Tiếng trong điều kiện mở, nằm trong mối liên kết với du lịch trong khu vực, như: Địa đạo Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), núi Bà Đen (Tây Ninh), địa đạo Tam giác sắt (TX.Bến Cát). Điều cần làm nữa là xác định sản phẩm du lịch cho từng khu, điểm du lịch của huyện để tạo nên những nét riêng, không trùng lặp với các địa phương khác. Cùng với đó, địa phương cũng sẽ chú trọng hơn trong công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh, hệ thống thương hiệu du lịch Dầu Tiếng nhằm tạo nét đặc trưng, ấn tượng và hấp dẫn du khách...
HỒNG THUẬN