Du lịch Việt liệu có thể "hóa rồng" trong chặng đường tới? (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định ban hành “Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025” mà trọng tâm là tập trung chuyển đổi số, đưa du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thuộc nhóm 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.
Mặc dù đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử, nhưng chương trình vẫn xác định bảy nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên: Tổng kết, đánh giá, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ số trong ngành du lịch; tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; phát triển sản phẩm và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững; phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch.
Trong số đó, hai nội dung được đặc biệt quan tâm là vấn đề chuyển đổi số và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hậu đại dịch.
Cụ thể, toàn ngành sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ số trong ngành du lịch; chú trọng thực hiện chuyển đổi số, góp phần hoàn thành mục tiêu “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; thực hiện điều tra, đánh giá, phân loại và số hoá tài nguyên du lịch Việt Nam; hình thành hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch; xây dựng hệ thống thông tin số về thị trường du lịch Việt Nam; thống nhất công tác thống kê du lịch ở Trung ương và địa phương.
Một góc bản Mường Hoa, Sapa. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
Ngành du lịch cũng xây dựng và triển khai các đề án, dự án phát triển du lịch thông minh, mô hình quản lý điểm đến du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển các phần mềm, tiện ích thông minh hỗ trợ công tác quản lý và phục vụ khách du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch.
Về hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất ban hành và triển khai kịp thời các giải pháp về cơ chế, chính sách tài chính, tín dụng (hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi, giãn nợ, khoanh nợ…), chính sách hỗ trợ việc làm và đào tạo nhân lực để hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng, người dân tham gia kinh doanh du lịch duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.
Son song với đó là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng và người dân tham gia kinh doanh du lịch đổi mới mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm mới, xúc tiến quảng bá du lịch, phục hồi và phát triển thị trường du lịch; đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực du lịch; đề xuất giảm phí, lệ phí các thủ tục, giảm tiền ký quỹ kinh doanh đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương cũng được đề cập cụ thể nhằm giúp nền kinh tế xanh vượt khó trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Đây là chương trình hành động đã được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và những người hoạt động du lịch, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng được nêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong lĩnh vực du lịch được nêu tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng./.
Theo TTXVN