Càng gần đến ngày khai mạc Festival Gốm sứ (GS) Việt Nam - Bình Dương, không khí lễ hội tại các trung tâm đô thị có phần chộn rộn hơn, băng rôn, cờ phướn, bích chương được treo dọc các trục đường chính, các hoạt động chuẩn bị cũng diễn ra sôi nổi nhất là tổ chức họp báo, trưng bày giới thiệu sản phẩm của Hiệp hội GS Bình Dương... Được biết, đây là lần đầu tiên tỉnh Bình Dương tổ chức loại hình festival để vinh danh và quảng bá ngành nghề truyền thống của địa phương, quy mô tổ chức tương đối lớn với sự góp mặt của hầu hết các cơ sở sản xuất GS có tiếng trong nước và cả nước ngoài, gần 600 gian hàng trưng bày sản phẩm sẽ nói lên sự phong phú đa dạng của ngành nghề GS, các hiện vật GS cổ từ các bảo tàng cả nước cũng sẽ được triển lãm tại Bảo tàng Bình Dương cho bà con tham quan thưởng lãm.
Có thể nói trong các loại hình tiểu thủ công nghiệp thì GS là ngành nghề ra đời sớm nhất, các sản phẩm GS xuất hiện ở hầu hết tại các di chỉ khảo cổ từ dạng thô sơ đến tinh túy, nghiên cứu các sản phẩm GS có thể đánh giá được mức độ phát triển về đời sống của cộng đồng dân cư qua các thời kỳ lịch sử. Đất Thủ - Bình Dương là một trong những cái nôi hình thành nên nghề GS đầu tiên của miền đất phương Nam, các cộng đồng dân cư từ người Việt đến người Hoa khi đến định cư tại đất Thủ đã đem theo nghề truyền thống để xây dựng nên những làng GS, với lợi thế về vùng nguyên liệu dồi dào cộng với ý chí, tay nghề và nhân lực nghề GS ở Bình Dương đã từng bước phát triển, sản phẩm của họ không chỉ phục vụ tại địa phương mà còn theo các thuyền buôn đi các vùng đất khác kể cả tới những nơi xa xôi ở nước ngoài.
Nghề GS từ bao đời nay đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho phần lớn lao động tại địa phương, đào tạo ra nhiều lớp thợ tài hoa và công nhân lành nghề, mang lại nhiều lợi nhuận từ xuất khẩu và đặc biệt là quảng bá nét văn hóa Việt được thể hiện trên hoa văn từng sản phẩm ra bên ngoài... Vinh danh ngành nghề truyền thống, vinh danh những lao động tài hoa nghề GS, quảng bá sản phẩm GS trong giao thương là việc nên làm và đáng ra đã phải làm từ lâu, vấn đề còn lại là làm như thế nào để đạt được mục đích của việc tổ chức festival.
Năm 2010 có cảm giác như là năm của lễ hội, khởi đầu là việc tổ chức kỷ niệm 65 năm thành lập của nhiều ngành trong cả nước sau đó có rất nhiều festival tại các địa phương để hưởng ứng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội... Theo đánh giá sơ bộ của dư luận thì các lễ hội này phần nhiều mang tính hình thức và tổ chức rất sơ sài vì sau khi tổ chức không để lại dấu ấn gì cho người tham dự cũng như cộng đồng dân cư, rút kinh nghiệm từ festival trái cây ở Tiền Giang hay festival Quả điều vàng ở Bình Phước cho thấy kinh phí đầu tư không nhỏ, công sức bỏ ra cũng rất lớn nhưng lượng người tham dự chỉ đông được hôm đầu (do có ngôi sao ca nhạc) các ngày còn lại rất thưa thớt, phỏng vấn nhiều người tham quan hầu như đều không biết festival này nói lên cái gì? Câu trả lời của người đến tham quan phần lớn là không có gì để xem... Các cơ quan truyền thông được mời dự đông nhưng có rất ít bài viết mang tính quảng bá vì thiếu thông tin và đặc biệt là sự quảng bá ra nước ngoài rất ít. Mong rằng Festival GS Việt Nam - Bình Dương không chỉ là sự kiện chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội mà còn là lễ hội thực sự của ngành GS, sẽ để lại trong tâm của khách tham quan những nét đọng về ngành nghề truyền thống lâu đời, sẽ đưa GS Bình Dương nói riêng và GS cả nước nói chung vươn ra cùng năm châu bốn biển.
H.Đ