Nên kiểm tra bệnh định kỳ để phát hiện GNM (Ảnh chụp tại Bệnh viện Đa khoa Bến Cát)
- Biểu hiện của GNM như thế nào, thưa BS?
- Phần lớn các trường hợp GNM không có triệu chứng bởi vì tình trạng lắng đọng mỡ tại gan xảy ra từ từ nên các biểu hiện của nó cũng khó cảm thấy. Chỉ khi nào tốc độ lắng đọng mỡ trong gan xảy ra nhanh, lúc đó gan có thể lớn, bao gan căng ra và khi đó bệnh nhân có thể có cảm giác đau tức hoặc nặng vùng gan. Trong một số trường hợp, tuy nhiên rất hiếm, GNM cũng có thể gây tình trạng vàng da, buồn nôn và nôn.
Đa phần phát hiện GNM qua những sự bất thường nhẹ về chỉ số men gan khi đi khám bệnh định kỳ hoặc được chỉ định làm siêu âm hoặc chụp cắt lớp điện toán để tầm soát một bệnh khác, ví dụ như bệnh sỏi mật. Tuy nhiên, có vài bệnh nhân có thể cảm thấy hơi mệt mỏi và suy nhược hoặc cảm giác khó chịu ở vùng thượng vị phải
- Cách điều trị GNM như thế nào?
- GNM hầu hết không phải là bệnh lý của gan mà chỉ là một triệu chứng do sự tích lũy mỡ quá nhiều tại gan mà thôi. Vì thế điều trị GNM chủ yếu là điều trị các nguyên nhân cơ bản gây bệnh, cụ thể: Nếu bị dư cân - béo phì: áp dụng chế độ ăn hợp lý và chế độ tập luyện vận động để giảm cân. Đối với các bệnh lý gan có liên quan đến uống rượu: ngưng uống rượu. Ngưng ngay những thuốc có khả năng gây độc cho gan và thay thế bằng những thuốc an toàn theo hướng dẫn của BS. Các bệnh rối loạn chuyển hóa (như tiểu đường) thì khống chế lượng đường trong máu luôn ở mức độ bình thường. Nếu bị viêm gan siêu vi cần kiểm soát tình trạng viêm và những diễn tiến bất lợi dẫn đến xơ gan. Sử dụng thuốc để nhằm đào thải bớt sự lắng đọng mỡ quá mức trong cơ thể cần có sự hướng dẫn và tư vấn của BS.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng có thể giảm thiểu tình trạng lắng đọng mỡ trong gan.
- Vậy khi bị GNM phải ăn uống, vận động như thế nào?
- Giảm cân nếu có thừa cân, béo phì (hạn chế năng lượng dư thừa). Giảm ăn thực phẩm giàu cholesterol như các loại đồ lòng, phủ tạng, da… động vật, lòng đỏ trứng… Hạn chế chất béo: ưu tiên chọn dầu thực vật (trừ dầu dừa), hạn chế mỡ động vật (trừ mỡ cá). Ăn chất đạm vừa phải đúng với khả năng của gan. Một số thức ăn được xem là “thuốc” có tác dụng “giảm mỡ” tốt như: dầu đậu nành, đậu hà lan, cà chua tươi chín, ớt vàng, rau ngót, rau cần tây, diếp cá, tỏi, bắp chuối… Trái cây thì nên lưu ý chanh, cam, quýt, bưởi, táo chín… Tăng cường lượng rau, trái cây (mỗi ngày, mỗi người nên ăn tối thiểu 300g rau xanh, 200g quả chín tươi). Ngưng uống rượu. Bên cạnh đó cần tăng vận động, tập thể dục thường xuyên trên 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần. Lựa chọn một môn thể dục thể thao phù hợp với khả năng, với sức khỏe hiện tại của chính bản thân.
- Làm sao để phòng ngừa và phát hiện sớm GNM?
- Cần có chế độ ăn hợp lý: ăn đa dạng, ăn chừng mực, ăn thực phẩm gần với thiên nhiên nhất. Vận động thể lực đều đặn, sống năng động nhằm duy trì cân nặng lý tưởng. Hạn chế tối đa rượu bia. Cần tham vấn BS trước khi dùng thuốc để tránh những thuốc gây độc cho gan. Kiểm tra sức khỏe định kỳ: kiểm tra đường huyết, việc xét nghiệm máu (cholesterol, triglyceride máu, các men gan) và qua siêu âm hoặc chụp cắt lớp (CT scan) đều có thể chẩn đoán được GNM hay không.
Tóm lại, GNM hay xảy ra ở những ai có lối sống thiếu vận động và ăn uống bất hợp lý, quá thừa thải năng lượng. GNM ở hầu hết các trường hợp chẩn đoán không là bệnh lý, đó chỉ là một triệu chứng do sự tích lũy mỡ quá nhiều tại gan. Tuy nhiên, 20% GNM có thể diễn tiến đến xơ gan. Áp dụng các nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý, vận động thể lực phù hợp sẽ có ích cho mọi người để đề phòng GNM.
- Xin cảm ơn BS!
QUỲNH NHƯ (thực hiện)