Công tác xây dựng gia đình có ý nghĩa rất quan trọng và luôn được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm, triển khai thực hiện và mang lại nhiều kết quả, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội...
Các gia đình tham gia thi thể thao tại liên hoan Gia đình văn hóa - thể thao tiêu biểu TP.Thủ Dầu Một
Kết nối gia đình
Ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), cho biết gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Gia đình còn là nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với ý nghĩa quan trọng đó, năm nay, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (gọi tắt là Tháng hành động) tiếp tục chọn chủ đề “Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội” và Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 có chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”.
Để thực hiện tốt Tháng hành động trên địa bàn tỉnh, Sở VHTT&DL đã chỉ đạo toàn ngành từ tỉnh đến cơ sở tập trung triển khai các hoạt động hưởng ứng nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa gia đình. Qua đó, khẳng định vai trò to lớn của gia đình là tế bào của xã hội với mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công Chỉ thị 49/CT-TW ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Gia đình là tổ ấm của mỗi người và hạnh phúc gia đình được hình thành từ sự yêu thương, chia sẻ. Sau một ngày làm việc, học tập miệt mài, các thành viên trong gia đình mới có dịp ngồi lại với nhau bên mâm cơm ấm cúng không khí gia đình. Ở đó, những chuyện vui, nỗi buồn sẽ được chia sẻ với nhau, các thành viên trong gia đình sẽ hiểu nhau hơn, cùng nhắc nhở, động viên nhau vượt qua khó khăn, vươn lên phía trước. Khi được hỏi về “bí quyết” xây dựng gia đình hạnh phúc, nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu ở các địa phương đều cho rằng: Hạnh phúc là những điều bình dị trong cuộc sống, nhưng để có được nó mỗi người, mỗi thành viên trong gia đình đều phải cố gắng vun đắp bằng sự sẻ chia, cảm thông và thấu hiểu lẫn nhau.
Nâng cao vị thế, vai trò gia đình
Nhận thức được tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển bền vững của xã hội, ông Thái cho biết thêm trong thời gian qua, Sở VHTT&DL đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội cũng như mỗi cá nhân về vai trò, vị trí đặc biệt của gia đình đối với xã hội. Xác định công tác gia đình là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thể hiện rõ nhất là công tác gia đình đã trở thành một nội dung trong các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đơn vị.
Thời gian qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, được xem là một trong những nội dung cụ thể và là nhiệm vụ chủ yếu của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung, tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa, vận động để người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa cũng như tác động tích cực của phong trào xây dựng gia đình văn hóa đối với xã hội. Phong trào được địa phương chú trọng và ngày càng nâng cao chất lượng thông qua việc phát triển các mô hình trong lĩnh vực gia đình và nhân rộng tại địa phương mình. Việc thực hiện các tiêu chuẩn công nhận gia đình văn hóa đã trở thành nề nếp và mục tiêu phấn đấu của hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh; góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, cũng như xây dựng gia đình theo tiêu chí “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc”.
HỒNG THUẬN