Gia đình là tế bào của xã hội. Không những thế, gia đình còn là đề tài sáng tác hấp dẫn của các văn nghệ sĩ, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật của mỗi người.
Gia đình ông Hoàng Văn Tiến, TP.Thuận An với phần thi Gia đình tài năng tại liên hoan gia đình văn hóa - thể thao tiêu biểu Bình Dương năm 2020
Cuộc sống hiện đại, mỗi gia đình có một nếp sống riêng. Để định hướng nề nếp sinh hoạt, văn hóa ứng xử, cách gìn giữ truyền thống cho mỗi gia đình, nhiều phim về chủ đề này đang được các đạo diễn khai thác. Thông qua những câu chuyện tình cảm xoay quanh con cái và cha mẹ, đức hy sinh và đùm bọc giữa những thành viên trong gia đình, để cùng ngẫm lại về những giá trị quan trọng tạo nên một cấu trúc xã hội thu nhỏ, những bài học cuộc sống rút ra từ mối quan hệ thường nhật và tất nhiên là cả những giọt nước mắt xúc động.
Với diễn viên Chánh Thuận, gia đình có vai trò rất lớn trong sự nghiệp nghệ thuật của anh. Lúc mới sơ khai, gia đình đã hỗ trợ rất nhiều cho anh cả về vật chất lẫn tinh thần, là chỗ dựa vững chắc, là tổ ấm đầy yêu thương để anh tìm về sau những ngày làm việc vất vả. Vì thế, mỗi khi Chánh Thuận tham gia các phim về đề tài gia đình, anh rất hào hứng và diễn rất thành công. Diễn viên Chánh Thuận cho biết: “Lấy cảm xúc từ thực tế gia đình mình và những trải nghiệm về cuộc sống của các gia đình xung quanh, tôi đã mang những cảm xúc ấy vào nét diễn của mình để truyền tải đến khán giả theo đúng thông điệp của tác giả, đạo diễn”.
Giới thiệu với chúng tôi loạt ảnh về đề tài gia đình từng đoạt giải cao của các thành viên trong Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Bình Dương, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Duy Tình, cho biết mỗi khi có dịp ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc của các gia đình, anh lại thấy cuộc sống thật tươi đẹp, rạng rỡ biết bao. Bởi anh đã chứng kiến nhiều vui buồn trong cuộc sống, xã hội hiện đại đã làm thay đổi nhiều tập tục xưa, nhưng anh vẫn mong mâm cơm gia đình lúc nào cũng đông đủ dù ngoài xã hội có bộn bề vất vả.
Cũng với đề tài này, chúng tôi bắt gặp một suối nguồn cảm xúc rất dồi dào trong “Mẹ ơi, con sẽ về”, “Ba vẫn sống mãi trong tim con”, “Cho con được về tạ lỗi với quê hương”, “Dấu chân cha”, “Con đò của mẹ”, “Ca dao mẹ”… của Nguyễn Minh Ngọc Hà (bút danh Thái Hà), hội viên mới của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Theo Thái Hà, thường thì những chủ đề khác chị phải để cảm xúc tích tụ (có thể là chứng kiến một câu chuyện thật, nghe một bản nhạc, xem một bộ phim...) cho đến khi cảm xúc dâng tràn thì mới viết được. Nhưng với chủ đề về gia đình thì cứ bắt tay vào viết là chữ nó chạy trong đầu thôi, Thái Hà ít khi gặp khó khăn để chuyển tải cảm xúc của mình về gia đình. Vì đó là tình cảm thật, nó gắn bó thường nhật với mình. Nếu có khó khăn thì có lẽ là mỗi khi viết về cha mẹ, có quá nhiều suy nghĩ, cảm xúc khiến chị bối rối không biết phải bắt đầu từ đâu.
Hình ảnh gia đình cùng nhau quay quần bên mâm cơm, cùng nhau chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, cùng phấn đấu để cống hiến cho xã hội, cùng vui đùa với các hoạt động giải trí… là những hình ảnh thật đẹp mà mỗi người luôn cố gắng để có được. Để những hình ảnh ấy thật sự ấm áp lan tỏa yêu thương thì mỗi người chúng ta cần mỗi ngày vun đắp, nhất là phải “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” .
THỤC VĂN