Giải bài toán ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm – Bài 3

Cập nhật: 14-05-2021 | 07:20:00

Bài 3: Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông

Cùng với việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là ở những tuyến, địa bàn trọng điểm có vai trò kết nối vùng phải được quan tâm đúng mức để giao thông thông suốt, tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.


Tuyến đường ĐT743 qua địa bàn TP.Thuận An được nâng cấp mở rộng đã góp phần kéo giảm nạn ùn tắc giao thông. Ảnh: THANH QUANG

Chú trọng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông

Trao đổi với PV, lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải cho biết nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông, thời gian tới Bình Dương sẽ tập trung phát triển giao thông đồng bộ, hiện đại, góp phần xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương, Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương.

Trên tinh thần đó, Bình Dương cần tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông nội tỉnh, kết nối vùng theo cả hướng Bắc - Nam và Đông - Tây; tập trung đầu tư các cầu vượt tại các giao lộ để giải quyết tình hình ùn tắc giao thông trên tuyến đường hiện hữu và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, các dự án trọng điểm cần ưu tiên đầu tư, như: Dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 13; đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng; nâng cấp ĐT743 đoạn từ miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần; cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh. Tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn và các tuyến ĐT746, ĐT747B, ĐT743; đường Thủ Biên - Đất Cuốc; đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; xây cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2); xây đường và cầu nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh, đường kết nối từ Khu công nghiệp Bàu Bàng đến Khu công nghiệp Rạch Bắp; các dự án đường ven sông; hầm chui ngã tư chợ Đình, hầm chui ngã năm Phước Kiến…

Song song đó, Bình Dương cũng sẽ tập trung kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các tỉnh, thành lân cận đầu tư các dự án đường bộ theo quy hoạch của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như: Vành đai 3 và Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh; đường Hồ Chí Minh nhánh N2 về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và nhánh phía đông kết nối về TP.Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối vùng, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt với các tỉnh phía Bắc của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Tây nguyên.

Để chia sẻ áp lực giao thông lên hệ thống giao thông đường bộ, sẽ tăng cường công tác quy hoạch, triển khai đầu tư theo quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Thực hiện kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các cảng trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Thị Tính, như cảng An Tây, cảng Thạnh Phước… Đồng thời, kiến nghị Chính phủ có dự án nạo vét luồng giao thông thủy trên sông Sài Gòn, nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1, cầu Đồng Nai 1.

Về đường sắt, trên cơ sở quy hoạch đường sắt xuyên Á, đường sắt Bắc - Nam, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải ủng hộ và hỗ trợ về đề xuất đầu tư tuyến đường sắt từ Khu công nghiệp Bàu Bàng đến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải để kết nối các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh Tây nguyên với sân bay, cảng biển quốc tế; chủ trương đầu tư dự án kéo dài tuyến Metro số 1 từ ga Suối Tiên - TP.Hồ Chí Minh đến TP.mới Bình Dương và TP.Biên Hòa (Đồng Nai) bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản.

Về hạ tầng vận tải, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng các trung tâm logistics, các cảng cạn (ICD), các bến, bãi, điểm trung chuyển hàng hóa, gắn với lộ trình phát triển công nghiệp và đô thị. Hoàn thành dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng vận tải nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng...

Cần sự đồng bộ

Tiến sĩ Huỳnh Công Minh, Trưởng ngành Quản trị kinh doanh trường Đại học Quốc tế Miền Đông, cho rằng với chiến lược phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh và hiện đại, Bình Dương luôn đặt ưu tiên hàng đầu là phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có cơ sở hạ tầng giao thông (CSHTGT).

“Nhìn tổng thể, CSHTGT của Bình Dương được quy hoạch rất tốt và bài bản. Với quan điểm hạ tầng giao thông đi trước tạo đột phá, nhiều dự án phát triển CSHTGT đã và đang thực hiện mang lại những kết quả rất khả quan, tạo ra một vành đai hệ thống kết nối thông suốt nội tỉnh và với các tỉnh, thành khác như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhiều cung đường hiện đại, rộng thênh thang và tráng lệ thay nhau mọc lên trên đất Bình Dương.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng trong thời gian gần đây, ùn tắc giao thông đã xảy ra cục bộ trên một số tuyến đường ở Bình Dương vào giờ cao điểm. Theo tôi, tình hình này bắt nguồn từ một nguyên nhân chính, mà tôi cho rằng đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khác, đó là tốc độ phát triển kinh tế (đặc biệt là công nghiệp và dịch vụ) và đô thị hóa nhanh hơn mức độ phát triển CSHTGT. Sự phát triển kinh tế nhanh dẫn đến sự tập trung dân cư ngày càng đông, mật độ dân số càng cao, kéo theo sự phát triển của phương tiện giao thông cá nhân càng nhiều. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong sản xuất, kinh doanh, lưu lượng lưu thông của xe tải và xe container ngày càng tăng vọt. Chính điều này đã tạo ra áp lực không nhỏ cho CSHTGT. Nếu tốc độ phát triển CSHTGT thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế thì ùn tắc giao thông xảy ra là điều tất yếu”, tiến sĩ Huỳnh Công Minh cho biết.

Theo tiến sĩ Minh, ùn tắc giao thông là điều tất yếu với sự phát triển kinh tế quá nhanh như Bình Dương. Ông đề xuất một số nhóm giải pháp như chính quyền nên tập trung giải quyết những điểm “nút thắt cổ chai” giao thông trên một số tuyến bằng cách đầu tư, đền bù giải tỏa thỏa đáng để mở rộng những nút thắt này. Có thể dùng ngân sách tỉnh hoặc kết hợp với khu vực tư cùng làm thông qua các dự án BOT; cần phân luồng giao thông hợp lý hơn, hạn chế xe tải và xe container lưu thông vào khung giờ cao điểm trên những tuyến đường thường xảy ra ùn tắc giao thông. Tiếp tục phát huy thế mạnh của các chương trình phát thanh giao thông online trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong và ngoải tỉnh, nhằm thông tin kịp thời tình hình giao thông trên các tuyến đường để người tham gia giao thông lựa chọn lộ trình phù hợp... (Còn tiếp)

Tiến sĩ Huỳnh Công Minh đề xuất một số giải pháp dài hạn nhằm hạn chế tình trạng kẹt xe ở Bình Dương, như: Tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển các dự án xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại.

Để xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại này một cách hiệu quả, chính quyền Bình Dương nên kết hợp với các nhà nghiên cứu và chuyên gia từ các viện và trường đại học trong và ngoài nước để có được những dự án thật sự có giá trị thực tế liên ngành dựa trên những nghiên cứu nghiêm túc và khoa học.

Bên cạnh việc xây dựng hạ tầng cơ sở, thượng tầng kiến trúc cần phải được chú trọng, nghĩa là phải có các chính sách nâng cao ý thức và xây dựng văn hóa giao thông cho người tham gia giao thông, bao gồm việc tuân thủ luật pháp, nhường đường, xử phạt nghiêm minh, xây dựng lực lượng cảnh sát giao thông liêm chính... nhằm hướng đến một hệ thống giao thông văn minh, hiện đại và an toàn.

 N.HẬU - T.TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=702
Quay lên trên