Thống kê từ Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bình Dương cho thấy, số vụ cũng như tỷ lệ các vụ, việc ly hôn gia tăng hàng năm. Cụ thể, năm 2016, TAND hai cấp thụ lý 6.891 vụ, giải quyết 6.327 vụ ly hôn. Năm 2017, thụ lý 5.932 vụ, giải quyết 5.257 vụ ly hôn. Năm 2018, thụ lý 7.190 vụ, giải quyết 6.751 vụ ly hôn.
Qua tổng kết công tác thụ lý, giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình tại TAND TP.Thủ Dầu Một cho thấy số vụ cũng như tỷ lệ các vụ, việc ly hôn gia tăng đều những năm gần đây. Đối tượng yêu cầu tòa án giải quyết yêu cầu ly hôn gồm nhiều thành phần từ công chức, công nhân, nông dân, doanh nhân cho đến… người đang thất nghiệp. Phần lớn những vụ tranh chấp ly hôn được tòa thụ lý, giải quyết trong thời gian vừa qua cho thấy độ tuổi kết hôn, ly hôn đều rất trẻ (từ 20 đến 35 tuổi) nên nhận thức về pháp luật hôn nhân và gia đình còn hạn chế, chưa rõ về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng hay các thành viên khác trong gia đình.
Tại TAND tỉnh, các vụ xét xử ly hôn cho thấy có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn do mâu thuẫn gia đình. Chỉ trong năm 2018, số vụ ly hôn do mâu thuẫn gia đình chiếm đa số với 5.691 trường hợp, còn lại là các nguyên nhân như: Đánh đập, ngược đãi, ngoại tình, nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc… Điều đáng nói, trong số các vụ án ly hôn mà tòa án 2 cấp giải quyết trong thời gian qua, tỷ lệ người vợ đứng đơn ly hôn cao gấp đôi người chồng. “Hôn nhân đổ vỡ là sự thiệt thòi cho cá nhân hai vợ chồng nhưng trên thực tế, người vợ thường vất vả hơn nhiều khi gánh vác nhiều trách nhiệm trên vai. Những đứa trẻ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ cuộc ly hôn của cha mẹ. Từ việc thiếu tình cảm của cha mẹ và mặc cảm về gia đình đổ vỡ tác động trực tiếp đến tâm sinh lý của trẻ, nếu không có sự quan tâm giáo dục của người thân trẻ dễ bị tổn thương tâm lý hoặc dễ dẫn đến hư hỏng, sa vào các tệ nạn xã hội, để lại gánh nặng cho xã hội”, bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chia sẻ.
Tại buổi tọa đàm “Giải pháp giảm thiểu ly hôn trong gia đình” năm 2019 trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức ngày 3-5, nhiều đại biểu cho rằng nam giới, hay chính các ông chồng mới là người cần được tuyên truyền. Phần lớn trong các cuộc tan vỡ hôn nhân do mâu thuẫn bạo lực gia đình, bài bạc, ma túy, rượu chè, ngoại tình… các ông chồng là “thủ phạm chính” khiến chị em phải quyết định ly hôn. Tuy nhiên, việc tuyên truyền cho nam giới, đặc biệt là nam giới đã lập gia đình không phải dễ dàng, bởi đối tượng này có những đặc thù về công việc, thời gian, tính cách mà cán bộ phụ nữ, cán bộ hòa giải cơ sở rất khó tiếp cận. Muốn tuyên truyền được phải cần sự chung tay của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể như: Công an, Đoàn Thanh niên, các đơn vị doanh nghiệp…
TÂM TRANG