Giải quyết nạn chăn dắt ăn xin: Cần xử lý đến nơi, đến chốn

Cập nhật: 04-04-2019 | 09:27:50

Thời gian qua, Báo Bình Dương đã có bài phản ánh về tình trạng chăn dắt người ăn xin. Sau ngày báo phản ánh sự việc trên, nhiều địa phương đã triển khai xử lý đối với những trường hợp sống lang thang hành nghề ăn xin trên địa bàn. Tuy nhiên, sau khi chính quyền địa phương lập thủ tục đưa đối tượng ăn xin vào Trung tâm Bảo trợ xã hội (TTBTXH) tỉnh thì có người làm giấy tờ bảo lãnh ra ngoài, sau đó lại tiếp tục hành nghề...


Ngày 24-11-2018, cán bộ phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một đã lập thủ tục để đưa bà Mai Thi D. vào TTBTXH theo quy định...

Ăn xin… trá hình!

Ngoài những mảnh đời bất hạnh và khó khăn thật sự cần giúp đỡ, cũng có nhiều người ăn xin do lười lao động được nhiều đối tượng bất hảo thu nạp vào đường dây chăn dắt ăn xin.

Theo số liệu thống kê của TTBTXH tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2019, đơn vị này đã tiếp nhận 14 đối tượng sống lang thang, không nơi nương tựa được nhiều địa phương đưa đến. Trong số 14 đối tượng này có 6 đối tượng đã được gia đình bảo lãnh về phụng dưỡng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của P.V, số đối tượng được bảo lãnh ra khỏi TTBTXH hiện đang quay lại hành nghề ăn xin trên địa bàn tỉnh.

Theo tìm hiểu của P.V Báo Bình Dương, để thu lợi bất chính, những người chuyên sống bằng nghề chăn dắt ăn xin đã tìm mọi cách để xin đối tượng từ TTBTXH tỉnh ra ngoài để trở lại hành nghề. Đây được cho là những đối tượng trục lợi lòng thương hại của người khác. Cụ thể như nhằm đánh động lòng thương hại của người qua đường, đối tượng tổ chức chăn dắt đường dây ăn xin đã hướng dẫn cho người trực tiếp hành nghề ăn xin với các cảnh đời rất thương tâm. Ngoài ra, nhằm qua mắt cán bộ chức năng, hiện nay, nhiều đối tượng ăn xin tại các chợ, chùa, ngã ba, ngã tư trên nhiều trục đường nhận vai là những người buôn bán tăm, bông ráy tai… để xin tiền của người khác.

Cứ chiều xuống, tại ngã ba Siêu thị AEON MALL trên quốc lộ 13, thuộc phường Thuận Giao, TX.Thuận An, nhiều người qua đường nhìn thấy một bà lão (người Thanh Hóa, gần 70 tuổi), trên tay cầm chiếc nón lá và một rổ nhựa đựng ít tăm, bông váy tai… để hành nghề ăn xin. Với gương mặt khắc khổ, già nua, bà lão chìa chiếc nón ra đường để xin người qua đường bố thí. Từ hình ảnh thương tâm này đã khiến người qua đường dừng xe để rút hầu bao. Nhưng khi đêm xuống, khi tuyến đường quốc lộ 13 vắng người qua lại thì xuất hiện một người đàn ông đưa rước bà lão về nhà. Theo ghi nhận của P.V, sự việc này cứ lặp đi lặp lại trong nhiều tháng nay .

Một trường hợp khác, cứ chiều xuống, tại một đoạn đường trước cổng Công ty Chí Hùng, phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên xuất hiện một cặp đôi ngoài 30 tuổi đẩy xe lăn để bán tăm, bông ráy tai… Theo tìm hiểu của P.V, đây thật sự là “thành viên” trong đường dây ăn xin chuyên nghiệp. Sau nhiều ngày đeo bám, P.V ghi nhận cứ đêm xuống, khi cổng Công ty Chí Hùng vắng người qua lại thì xuất hiện một người đàn ông trạc tuổi trung niên điều khiển xe máy đến chở đôi vợ chồng này về một căn phòng trọ tại phường Lái Thiêu, TX.Thuận An.

Quay lại nghề cũ

Sau ngày Báo Bình Dương liên tiếp có bài phản ánh về tình trạng ăn xin, chính quyền một số địa phương đã lập hồ sơ để đưa nhiều đối tượng sống lang thang hành nghề ăn xin vào TTBTXH. Tuy nhiên, ngay sau khi đối tượng ăn xin vào TTBTXH được vài giờ đồng hồ thì xuất hiện “người nhà” của đối tượng đến bảo lãnh xin về nuôi dưỡng.

Theo tìm hiểu của P.V, trong các văn bản bảo lãnh của người nhà đối tượng có ký xác nhận của chính quyền địa phương, đều cam kết rằng: Sau khi đưa đối tượng ăn xin về nhà sẽ được chăm lo, không cho hành nghề ăn xin. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là các đối tượng được “người nhà” bảo lãnh về lại tiếp tục hành nghề ăn xin.


Sau đó, bà D. được bảo lãnh về nhà nhưng vẫn tiếp tục hành nghề ăn xin, đến ngày 8-1-2019 bà D. lại xuất hiện tại đường Thủ Khoa Huân (phường Thuận Giao, TX.Thuận An)

Đơn cử, sau thời gian dài theo dõi, cuối giờ chiều 15-10-2018, cán bộ chức năng phường An Phú, TX.Thuận An đã bắt quả tang Nguyễn Thị Cẩm Th. (23 tuổi, quê Đồng Tháp) về hành vi ăn xin tại ngã 6 An Phú. Trên cơ sở này, chiều cùng ngày, cán bộ chức năng phường An Phú đã lập hồ sơ đưa đối tượng Nguyễn Thị Cẩm Th. vào TTBTXH theo đúng quy định. Thế nhưng, chỉ một ngày sau đó, Th. được ông Trần Văn H. (quê Đồng Tháp) bảo lãnh về nhà nuôi dưỡng. Sau khi ra khỏi TTBTXH, Th. tiếp tục bồng bế đứa con nhỏ hành nghề ăn xin trên địa bàn TX.Dĩ An.

Tương tự, cuối giờ chiều 24-11-2018, cán bộ phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một lập hồ sơ đưa đối tượng Mai Thị D. (67 tuổi, quê Thanh Hóa) vào TTBTXH về hành vi ăn xin trên địa bàn phường. Chỉ sau một ngày được cán bộ TTBTXH tỉnh chăm sóc, bà D. được ông Nguyễn Văn M. (57 tuổi, ngụ phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An) bảo lãnh về phụng dưỡng. Trong văn bản bảo lãnh, cam kết với đơn vị chức năng, ông Minh nêu rõ: Sau khi đưa bà D. về nhà sẽ không cho hành nghề ăn xin. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của P.V, sau khi bà D. được ông M. bảo lãnh về nhà, bà tiếp tục hành nghề ăn xin trên đường Thủ Khoa Huân, phường Thuận Giao.

Liên quan đến việc ngay sau khi rời khỏi TTBTXH người ăn xin lại tiếp tục hành nghề, một cán bộ chức năng TTBTXH tỉnh, cho biết: “Khi đối tượng ăn xin vừa được chính quyền địa phương đưa vào cổng trung tâm thì phía ngoài cổng đã có người nhà đem giấy đến bảo lãnh. Theo quy định của pháp luật thì chúng tôi phải đồng ý cho việc bảo lãnh có chứng thực của địa phương đối tượng thường trú và tạm trú. Sự việc này liên tiếp lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua, nhiều đối tượng đến bảo lãnh gần như quen mặt với chúng tôi. Như vậy, chúng tôi khẳng định những người đến bảo lãnh đều có liên quan trong các đường dây chăn dắt người ăn xin đang hoạt động trên địa bàn tỉnh”.

Ông Quản Văn Bình, Chủ tịch UBND phường An Phú, cho biết: “Song song với công tác lập đường dây nóng, thưởng nóng cho những người dân cung cấp thông tin về việc phát hiện đối tượng ăn xin trên địa bàn, thời gian qua, chúng tôi cũng đã tuyên truyền, vận động người dân nên cảnh giác trước các đối tượng giả nghèo giả khổ để ăn xin”.

Trong khi đó bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Chủ tịch UBND phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Thời gian qua chúng tôi rất quan tâm đến việc đưa đối tượng sống lang thang hành nghề ăn xin vào trung tâm xã hội, tăng cường lực lượng địa phương thu gom những đối tượng hành nghề ăn xin trên địa bàn. Trong 3 tháng gần đây, trên địa bàn phường không xuất hiện đối tượng sống lang thang hành nghề ăn xin”

 

THANH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1227
Quay lên trên