Giữ uy tín với du khách thập phương

Cập nhật: 20-02-2024 | 08:14:00

Vào mùa lễ hội, tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đền, chùa trong tỉnh, dịch vụ ăn uống nở rộ. Với ý nghĩa xây dựng mùa lễ hội an toàn, thân thiện với môi trường, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tại các địa điểm kinh doanh thực phẩm gần chùa, khu di tích, danh lam thắng cảnh nhằm tránh sơ suất, nguy cơ ngộ độc thực phẩm, giữ uy tín với thực khách.

Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Lễ hội Rằm tháng giêng tại TP.Thủ Dầu Một là một trong những lễ hội lớn, thu hút đông đảo người dân và khách thập phương tham gia. Thời gian qua, vấn đề an toàn thực phẩm đã có những thay đổi theo hướng tích cực nhưng vẫn là nỗi lo thường trực của các ngành, các cấp và của cả cộng đồng.

Gian hàng cốm ngò Tài Lộc (đường Hùng Vương, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) cam kết bán hàng với nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng

Dạo một vòng quanh khu vực nội ô TP.Thủ Dầu Một, nơi có các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đền, chùa, P.V ghi nhận có rất nhiều dịch vụ ăn uống nở rộ, đa dạng, thuận tiện cho khách tham gia lễ hội. Tại các cung đường gần Miếu Bà, chùa Tây Tạng, chùa Ông Ngựa, các tiệm bánh cốm ngò, khoai tây chiên, kem dừa mọc lên rất nhiều, như: Cốm ngò chay Vĩnh Thành, cốm ngò Hùng Ký (đường Nguyễn Trãi), cốm ngò Tài Lộc (đường Hùng Vương)... Các dịch vụ ăn uống này mang tính chất tạm thời, lều quán đơn giản, chưa đủ các điều kiện an toàn nên nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm luôn thường trực dù các chủ cơ sở luôn ý thức giữ uy tín với thực khách, nhập nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng nguyên liệu thực phẩm quá hạn, phụ gia ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế. Đặc biệt, các cơ sở chú trọng thái độ phục vụ cũng như vệ sinh môi trường nơi khách ăn uống, mua hàng nhằm tạo hình ảnh đẹp, sự tin tưởng cho thực khách.

Ngay từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, ban quản lý các khu di tích tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Hiện tại, công tác kiểm tra vẫn được các địa phương thực hiện thường xuyên, liên tục.

Anh Nguyễn Văn Minh, bán khoai tây chiên trên đường Hùng Vương, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Tôi bán ở đây từ ngày 30 tết. Nguyên liệu được nhập về từ công ty, chúng tôi kiên quyết không bán thức ăn ôi thiu, quá hạn sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc”. Trong khi đó, bà Lê Thị Chiến, bán bún tại đường Thích Quảng Đức, cho biết: “Để giữ uy tín với thực khách, chúng tôi luôn tuân thủ các nguyên tắc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm một cách nghiêm chỉnh. Các loại thực phẩm, rau củ quả luôn bảo đảm tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng và được bảo quản, chế biến đúng quy trình”.

Cũng theo quan sát của P.V, các cơ sở kinh doanh thực phẩm tuân thủ hướng dẫn thức ăn chín phải được bày bán trên bàn hoặc giá cao cách mặt đất ít nhất 60cm, có đủ dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải; dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải kín, có nắp đậy và được chuyển đi trong ngày; nước thải được thu gom trong hệ thống không gây ô nhiễm môi trường.

Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm

Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến nguy cơ có thể dẫn đến mất an toàn vệ sinh thực phẩm mùa lễ hội, ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm của cộng đồng chưa cao, đặc biệt là việc chấp hành các quy định, hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm chưa nghiêm, chưa tự giác và còn gian dối trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; dễ dãi trong lựa chọn, chế biến và tiêu dùng thực phẩm”.

Ngay từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, ban quản lý các khu di tích tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Hiện tại, công tác kiểm tra vẫn được các địa phương thực hiện thường xuyên, liên tục. Các địa phương, đơn vị kiểm tra, nhắc nhở việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tránh những sơ suất dẫn đến nguy cơ xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh việc kiểm tra, các đoàn cũng chú trọng đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức, các quy định của pháp luật, ký cam kết để người dân, chủ cơ sở có những nhận thức đúng đắn về việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, giữ uy tín với du khách.

Ông Trần Thanh Tùng, Trưởng phòng Y tế TP.Tân Uyên, cho biết: “Vào trước, trong và sau tết, thành phố tổ chức đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ và các hàng quán gần di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đền, chùa. Qua kiểm tra, nhìn chung các hàng quán kinh doanh thực phẩm đều có ý thức cao trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Một số cơ sở có mắc các lỗi vi phạm đã được đoàn lập biên bản xử lý và nhắc nhở, tuyên truyền để không tái phạm”.

Trong khi đó tại TP.Dĩ An, lượng khách trong và ngoài tỉnh đến thưởng ngoạn các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn khá đông, nhất là tại núi Châu Thới (phường Bình An). Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết: “Hiện đang là cao điểm mùa lễ hội năm 2024. Cùng với công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn văn minh, văn hóa du lịch, thành phố cũng chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tạo dựng niềm tin với khách thập phương”.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=420
Quay lên trên