Gói hỗ trợ doanh nghiệp: Không chỉ là 29.000 tỷ đồng...

Cập nhật: 24-05-2012 | 00:00:00

Khó cứu doanh nghiệp!

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư U&I Mai Hữu Tín cho rằng, 29.000 tỷ đồng từ gói hỗ trợ là con số khá khiêm tốn cho dù rất quý giá đối với DN cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Tuy vậy, ông Nguyễn Trọng Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử T&T, KCN Sóng Thần thì tỏ ra khá bình thản khi nói về gói hỗ trợ này: “29.000 tỷ đồng không cứu được DN nếu xét về mặt số học, tính tổng rồi đem chia đều ra cho số lượng DN toàn quốc, sẽ cho một con số quá nhỏ...”. Mặt khác, theo ông Nhân,việc miễn giảm thuế thu nhập DN 30% cũng gần như không có tác dụng đối với DN hiện nay. Lý giải điều này, ông Nhân cho rằng, hầu hết các DN đang trong tình trạng sản xuất cầm chừng, chỉ nhằm tồn tại là đã tốt lắm rồi, nói gì đến có lãi. Khi DN không có lãi thì việc miễn thuế thu nhập cũng không có ý nghĩa vì DN có phải nộp thuế đâu mà miễn! Còn đối với DN trong tình trạng tạm ngưng sản xuất, sắp phá sản, đương nhiên việc miễn thuế rõ ràng không có tác dụng gì cả.

Trao đổi với P.V Báo Bình Dương, đại diện một số DN trên địa bàn tỉnh cũng bày tỏ mối e ngại về khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng khi Chính phủ đưa ra mức trần lãi suất cho vay đối với 4 nhóm đối tượng. Đại diện một DN cho rằng, tuy NHNN đã đưa ra trần lãi suất, nhưng so với các tiêu chí của tổ chức tín dụng thì mặc dù DN nằm trong các nhóm đối tượng này vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn bởi cơ cấu nợ DN với ngân hàng!

Không chỉ là 29.000 tỷ đồng...

Đem những phản ứng từ phía DN về gói hỗ trợ trao đổi với Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, Tiến sĩ Võ Trí Thành cũng nhận định, gói hỗ trợ DN mà Chính phủ đưa ra nếu so sánh với gói kích cầu năm 2009 là rất nhỏ. Tuy nhiên, theo ông Thành, việc đưa ra gói hỗ trợ như vậy là Chính phủ muốn các DN phải tái cấu trúc, chuyển đổi cách làm ăn, Chính phủ không thể cứu hết các DN. Mặt khác, với tình hình kinh tế khó khăn, chính sách tài khóa thu hẹp để kiềm chế lạm phát, không thể bơm ra nhiều tiền được. Ngoài ra, Chính phủ cũng phải giữ ổn định vĩ mô, mặt khác khi tình hình DN rơi vào khó khăn sâu, muốn dựng dậy thì cũng không thể dựng ngay được. Đây là những lý do mà theo ông Thành, Chính phủ đã cân nhắc rất kỹ lưỡng khi đưa ra gói hỗ trợ lần này.

Tiến sĩ Võ Trí Thành khuyến nghị, việc cần nhất bây giờ là phải đưa gói hỗ trợ này vào áp dụng trong thực tế càng nhanh càng tốt. Vì vậy, các cấp, các ngành phải làm hết sức quyết liệt, càng nhanh càng tốt cho DN. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng phải tạo điều kiện cho các DN tiếp cận tín dụng tốt hơn. Để DN tiếp cận được tín dụng thì vấn đề đầu tiên là lãi suất phải được điều chỉnh thế nào đó và phải tái cơ cấu lại nợ, khoanh nợ cho DN thì ngân hàng mới có thể xem xét cho DN vay được. Điều này Chính phủ chỉ hỗ trợ một phần, DN cũng phải chủ động giải quyết. Tiếp đó, Chính phủ cần phải giải ngân nhanh nguồn vốn ODA; giải ngân nhanh lượng vốn trái phiếu Chính phủ khoảng 45.000 tỷ đồng cộng thêm 180.000 tỷ đồng đầu tư từ ngân sách Nhà nước... làm cho tổng cầu tăng lên thì sẽ thúc đẩy được kinh tế đi lên, DN sẽ dần thoát khỏi khó khăn. Như vậy, cần phải có sự kết hợp nhiều giải pháp với nhau chứ DN không hẳn chỉ trông chờ vào gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng này.

Theo nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, khi thực hiện gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng, tổng cầu của nền kinh tế chỉ tăng khoảng 8%, một con số khá khiêm tốn. Chính điều này làm dấy lên mối băn khoăn của DN về sự ít ỏi của gói hỗ trợ DN. Tuy vậy, theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, đi kèm gói hỗ trợ này là nhiều giải pháp khác có thể làm cho tổng cầu tăng lên. Đó là những chính sách chi tiết như hạ lãi suất; giãn giảm, miễn thuế, cho vay tiêu dùng, kích cầu đầu tư, xúc tiến thương mại và đầu tư, giải ngân ODA, trái phiếu Chính phủ... đều tạo ra khả năng kích cầu.

Về trần lãi suất áp dụng cho 4 đối tượng là DN nông thôn, DN vừa và nhỏ, DN xuất khẩu, DN công nghiệp hỗ trợ, theo ông Thành là đã bao trùm gần hết các DN của Việt Nam, chỉ thiếu 2 nhóm DN bất động sản và DN chứng khoán. Vấn đề là DN khi tiếp cận vay vốn phải đủ chuẩn thì ngân hàng mới xem xét cho vay được vì bản thân ngân hàng cũng là một DN, không thể nghe theo chỉ đạo hành chính là cho vay. “Câu chuyện ở đây là phải tổ chức lại cơ cấu nợ, khoanh nợ, giãn nợ...”, ông Thành nói.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, yếu tố niềm tin từ gói hỗ trợ của Chính phủ cũng có tác động rất mạnh. Đồng tiền đang quay vòng rất chậm, cách đây vài năm vòng quay của đồng tiền Việt Nam là 2,2 lần, cuối năm 2011 còn 0,8 lần và theo tính toán mới nhất gần đây vòng quay của đồng tiền Việt Nam là 0,9 lần. Một khi niềm tin được củng cố thì vòng quay của đồng tiền sẽ nhanh hơn, lúc đó hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN sẽ được đẩy lên, hiệu quả kinh tế mang lại sẽ cao hơn...

THÀNH SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=190
Quay lên trên