Nghề thủ công mỹ nghệ nói chung và nghề gốm nói riêng là tinh hoa tâm hồn, trí tuệ và nhân văn dân tộc mà ông cha ta đã gìn giữ từ bao đời nay. Đây là di sản văn hóa Việt Nam. Truyền thống văn hóa công nghệ gốm là một biểu hiện tinh tế tính cách Việt, bản sắc văn hóa Việt.
Đến thế kỷ XIX, cư dân Bình Dương đã có một bước phát triển nhanh chóng về mặt số lượng, đặc biệt trong thời kỳ này, cộng đồng người Hoa di dân đến Bình Dương ngày một nhiều hơn. Họ đến đây từ Cù lao Phố - Biên Hòa và Bến Nghé - Gia Định. Những làng gốm của người Hoa xuất hiện ở vùng Lái Thiêu, Phú Cường, Tân Uyên với những sản phẩm được tạo ra đã có sự chuyển hóa về chất lượng sản phẩm khá rõ nét. Cho đến nay, người Hoa ở Bình Dương vẫn tập trung ở một số vùng “định cư truyền thống” của họ như thành phố Thủ Dầu Một, Lái Thiêu (Thuận An), Tân Phước Khánh (Tân Uyên). Nghề gốm từ thuở ban đầu đã tạo nên nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc cho người Bình Dương qua các thời kỳ. Vì thế, ngày nay số lò gốm của người Hoa chiếm tới 80% tại các khu vực này.
Bộ sưu tập gốm Lái Thiêu trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương. Ảnh: NGUYỄN THỊ LAN
Những người Hoa sang Việt Nam chủ yếu là để lánh nạn nên giữa họ có tính đồng cam cộng khổ. Nghề làm gốm nói riêng và các nghề khác nói chung đều có những bí quyết riêng cần giữ bí mật nhưng không vì thế mà giữa họ có sự xa cách. Và cũng chính vì thế, các lò gốm người Hoa không có sự xa cách giữa các lò với nhau, giữa vùng này với vùng khác. Ngược lại, giữa các vùng gốm có mối liên hệ với nhau, quan tâm đến lợi ích của nhau, rõ nét nhất là trong quan hệ nghề nghiệp và các mối quan hệ khác.
Sản phẩm gốm ở Chánh Nghĩa
Trong mối quan hệ mang tính nghề nghiệp, mỗi một vùng họ tạo ra một sản phẩm khác nhau để tránh sự cạnh tranh khốc liệt về sản phẩm. Nhìn vào sản phẩm có thể nhận biết được vùng nào sản xuất ra loại sản phẩm đó: Chẳng hạn như: Lái Thiêu chuyên sản xuất các loại sản phẩm lớn như lu, khạp, vại, nồi, siêu…; làng gốm Chánh Nghĩa thì sản xuất chén, đĩa, tô, bình, thố…; làng gốm Tân Phước Khánh (Tân Khánh Thôn) lại làm ra các loại như bình hoa, hủ rượu, chậu kiểng, đôn voi,…. Ngày nay, tuy sự khác biệt không còn rõ rệt, từng vùng đều có đủ mặt hàng gia dụng và mỹ nghệ song mặt hàng truyền thống trước kia vẫn giữ một vai trò quan trọng trong sản xuất của mỗi vùng.
Một điểm nữa cũng làm cho sản phẩm ở từng khu vực này khác nhau đó là mỗi vùng ở gần những loại nguyên liệu phù hợp cho việc làm ra các sản phẩm khác nhau thì họ sẽ sản xuất những loại sản phẩm phù hợp với nguyên liệu ấy. Bên cạnh đó, việc vận chuyển nguyên vật liệu lúc này còn thô sơ, chủ yếu là sức người nên việc vận chuyển từ nơi này sang nơi khác rất phức tạp và tốn kém. Việc này dẫn đến giá thành sẽ cao, khó tiêu thụ so với sản phẩm của khu vực kia.
Còn trong mối quan hệ tính huyết thống cũng được thể hiện rất rõ. Mối quan hệ này được thể hiện trong việc dựng vợ gả chồng cho con. Chính việc này đã tạo nên mối quan hệ đan xen giữa các dòng họ, các trường phái sản xuất gốm trong cùng một khu vực (làng nghề). Bên cạnh đó, nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng ngày một đa dạng hơn ở từng giai đoạn phát triển nên các nhà sản xuất phải thích nghi để đáp ứng. Do đó, từng khu vực ngày càng không có sự khác nhau bao nhiêu về các loại sản phẩm làm ra; có chăng chỉ là mẫu mã và chất lượng của sản phẩm mà thôi. Đây chính là sự kích thích cho việc sáng tạo của người thợ gốm để đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng ngày một đòi hỏi cao hơn.
Đặc biệt trong mối quan hệ tín ngưỡng, cộng đồng những người làm gốm sứ ở đây có quan hệ rất khắng khít trong tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên, các bậc tiền nhân, thánh thần, những người có công với đất nước. Trên hết vẫn là mối quan hệ trong việc thờ cúng ông Bổn - ông Tổ của nghề gốm sứ tại đây, cũng như thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu tại chùa Bà. Tương truyền, xưa kia ông Bổn là người có võ nghệ cao cường. Lúc còn sống thường hay cướp của người giàu để phân phát cho người nghèo. Đến khi chết, ông trở thành một vị thần linh thiêng luôn luôn phù hộ cho người nghèo, những người gặp tai ương trong cuộc sống. Ông Bổn tượng trưng cho vị thần may mắn, luôn ban phát cho mọi người những điều tốt đẹp mà họ mong muốn. Nghề gốm sứ vốn là nghề thường hay gặp rủi ro nên họ lập đền thờ ông Bổn với mong muốn để được ông phù hộ. Ông Bổn được tôn xưng tổ nghề gốm là vì vậy.
Hàng năm vào các ngày 25, 26, 27-2 âm lịch, những người làm gốm ở khu vực từ Lái Thiêu, Chòm Sao, Chánh Nghĩa, Tân Phước Khánh thay phiên nhau làm lễ cúng ông tổ tại chùa Bổn do họ Dương và họ Lý lập nên. Lễ được tổ chức khá trang trọng với nhiều nghi thức từ hát bội, hát hồ quảng,diễn xướng, múa Hẩu… Trang phục mặc trong lễ là trang phục thời nhà Thanh. Lễ có nghi thức rước kiệu, có lên đồng. Ngoài ra, có một số lễ mang sắc thái Việt Nam như lễ xoay chầu, lễ tôn vương… Đây cũng là điều dễ hiểu vì cộng đồng người Hoa ở đây chịu ảnh hưởng văn hóa Việt.
Trên thềm xưa cổ của nền văn minh - văn hóa Phù Nam, người Việt với tư cách một chủ thể văn hóa, đã thâu tóm và tiếp biến các thành tựu văn hóa của một số tộc người khác để trong vòng vài trăm năm tạo ra một vùng văn hóa - một vùng gốm mang sắc thái Nam bộ với nét riêng như ngày nay mà gốm Lái Thiêu là một đại diện
HIỀN LAN