Hấp dẫn kịch thông tin tuyên truyền

Cập nhật: 16-12-2014 | 10:19:17

Kịch thông tin tuyên truyền (TTTT) từ lâu đã thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người. Thông qua những câu chuyện của kịch TTTT, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã nhẹ nhàng đi vào cuộc sống người dân.

Không dễ có kịch hay

 

Bản thân kịch là một loại hình nghệ thuật khá kén chọn người xem, kéo khán giả đến rạp đã khó nhưng để họ nán lại tới lúc kéo màn lại càng khó hơn. Với kịch TTTT, cái khó này lại càng tăng lên. Bản thân tên gọi của loại kịch đã ít nhiều khiến người ta liên tưởng tới những gì khô khan, máy móc. Trong kịch TTTT, tính thông tin là chủ đạo tức lấy sự kiện xảy ra trong kịch để tuyên truyền những thông tin cần thiết có thể là số liệu, là nghị định, là nghị quyết… hành động nhân vật dẫn đến mâu thuẫn. Xung đột kịch chỉ là cái cớ để tuyên truyền nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, đạt mục đích của chủ đề tư tưởng tác phẩm. Nội dung kịch bám sát những chủ trương, đường lối, những vấn đề phù hợp từng giai đoạn như: an toàn giao thông, môi trường, pháp luật, dân số, ma túy...

Vở kịch “Đáp lời sông núi” của Đội thông tin lưu động, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh. Ảnh: MINH HIẾU

Đội thông tin lưu động thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh là đơn vị trực tiếp tổ chức các buổi tuyên truyền phục vụ nhân dân trên địa bàn. Riêng năm 2014, đội đã tổ chức 152 buổi tuyên truyền, trong đó kịch TTTT là một thế mạnh. Tùy vào từng chủ đề mà có các vở kịch phù hợp như: “Đèn giao thông lên tiếng” - chủ đề an toàn giao thông; “Đâu chỉ riêng mình” - chủ đề môi trường; “Mật ngọt chết ruồi”- chủ đề ma túy, “Đáp lời sông núi”- chủ đề biển đảo... Bên cạnh đó một số cơ quan, trường học cũng khai thác thể loại kịch này cho các buổi tuyên truyền, tham gia hội thi, hội diễn.

Nỗ lực để có những vở diễn ấn tượng

Để có được những vở kịch tuyên truyền hấp dẫn cần đến sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ từ nhiều bộ phận. Tính giải trí và thông tin cần có sự cân bằng. Quá nặng về tính thông tin làm chương trình thiếu hấp dẫn, ngược lại quá nghiêng về giải trí vô hình chung sẽ làm mờ nhạt đi nhiệm vụ tuyên truyền.

Điều quan trọng đầu tiên là kịch bản tuyên truyền. Người viết phải vừa am hiểu nghệ thuật kịch vừa nắm vững chủ trương, chính sách để kịch bản có tính lôi cuốn, sáng tạo nhưng vẫn dễ hiểu và phù hợp với nhiều đối tượng khán giả. Hàng năm tỉnh cũng tổ chức các cuộc thi sáng tác kịch theo từng chủ đề, chủ điểm. Mới đây nhất, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với Ban chỉ đạo tiểu đề án 4 tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu và tuyên truyền với chủ đề: “Nét đẹp người phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Cuộc thi đã phát hiện nhiều tài năng trong lĩnh vực sáng tác kịch bản. Mặc dù các diễn viên tham gia diễn xuất đều không chuyên nhưng bằng tình yêu nghề họ luôn cố gắng tập luyện hết mình, diễn tốt nhất có thể. Chị Lê Thị Tằm, Đội thông tin lưu động, chia sẻ: “Dù vẫn biết kịch TTTT không đòi hỏi cao về mặt chuyên môn, nhưng là một diễn viên tôi luôn cố gắng rèn luyện diễn xuất của mình sao cho tự nhiên, lôi cuốn, mang tới khán giả những giây phút vui vẻ nhưng đầy ý nghĩa”.

Hiệu quả của các vở kịch TTTT đã được chứng minh bằng sự yêu mến của khán giả dành cho các diễn viên không chuyên cũng như toàn đội ngũ dàn dựng. Đó là những câu chuyện thực tế, khắc họa cuộc sống đời thường chân thật nhưng lại truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa.

HỒNG THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1187
Quay lên trên