“Mùa Covid ấm lòng”, “Khu trọ nghĩa tình”, “Lòng nhân ái”… là những tiểu phẩm tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã chiếm trọn mạch cảm xúc của đông đảo khán giả gần xa.
Một cảnh trong tiểu phẩm “Mùa Covid ấm lòng” của Hội Người khuyết tật TP.Thủ Dầu Một tại hội thi văn nghệ - thể thao người khuyết tật Bình Dương năm 2020
Không những nguy hiểm, cướp đi mạng sống của hàng triệu người trên thế giới, đại dịch Covid-19 còn làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều người. Tại Bình Dương, nhiều người lao động có hoàn cảnh khó khăn đã được các ngành, các cấp, nhà hảo tâm giúp đỡ kịp thời trong mùa dịch bệnh. Các hoạt động này được tái hiện rất sinh động thông qua câu chuyện của các nhân vật trong các tiểu phẩm tuyên truyền tại các hội thi, các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân.
Xúc động với các mảnh đời trong tiểu phẩm “Mùa Covid ấm lòng” của Hội Người khuyết tật TP.Thủ Dầu Một tại hội thi văn nghệ - thể thao người khuyết tật Bình Dương năm 2020, chúng tôi càng cảm nhận được tinh thần “tương thân, tương ái” của toàn xã hội giúp đỡ những người yếu thế trong lúc khó khăn. Họ là những người khuyết tật đang ở trọ và kiếm sống từng ngày bằng nghề bán vé số. Vì đại dịch Covid-19, họ phải nghỉ bán một thời gian. May thay các cán bộ địa phương, chủ khu nhà trọ và nhà hảo tâm đã chung tay, góp sức tặng quà, các nhu yếu phẩm, giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Mới đây, tiểu phẩm “Lòng nhân ái” của Đội tuyên truyền lưu động phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một tại hội thi Tuyên truyền lưu động TP.Thủ Dầu Một năm 2021 đã góp phần lan tỏa hơi ấm của các hoạt động thiện nguyện tại các khu nhà trọ. Đại dịch Covid-19 đã làm cho những người lao động nghèo gặp khó khăn. Nhờ lòng nhân ái của các cá nhân và tập thể mà họ có được những nhu yếu phẩm thiết yếu để vượt qua. Nhưng họ vẫn luôn tự trọng, chỉ nhận vừa đủ để nhường cho người cùng hoàn cảnh. Bên cạnh đó, vẫn có những người vì ích kỷ mà không khai báo y tế, trốn cách ly làm ảnh hưởng đến thành quả chống dịch của cả nước. Với tinh thần ấy, người mẹ trong tiểu phẩm dù rất thương con nhưng vẫn quyết tâm bắt con chấp hành khai báo, cách ly… chấp hành pháp luật của Nhà nước.
Còn trong tiểu phẩm “Khu trọ nghĩa tình” của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, câu chuyện của các nhân vật Hai Nổ, Ba Đùng, Tư Đoàng, chị Đón và 2 cô công nhân, khán giả đã hiểu ra những sai lầm trong thực hiện phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này ở một số người. Tiểu phẩm thể hiện rất rõ những nội dung tuyên truyền về các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tiểu phẩm còn cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Với lối diễn chân phương, dí dỏm, các nhân vật còn mang đến cho khán giả không khí mùa xuân thật ấm áp về các hoạt động chăm lo tết của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể. Tiểu phẩm kết thúc bằng thông điệp: “Hãy đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi công cộng, nơi đông người, các cơ sở y tế”, bởi vì chủ động bảo vệ sức khỏe của mình cũng là bảo vệ cộng đồng.
Ông Phan Chí Quốc, cán bộ văn hóa - thông tin phường Hiệp An, cho biết để có thể gửi đến khán giả tiểu phẩm hay, có ý nghĩa tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, Đội tuyên truyền lưu động phường đã khẩn trương xây dựng kịch bản, trình duyệt, dàn dựng… Trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp, các thành viên của đội vừa hoạt động sáng tạo nhưng vẫn luôn có ý thức phòng, chống dịch bệnh.
Các tiểu phẩm ngắn xoay quanh những tình huống, câu chuyện chỉ có thể xảy ra trong mùa Covid-19. Qua góc nhìn nghệ thuật, các vấn nạn, những sai lầm của người dân trong mùa dịch đã được chuyển tải một cách hài hước, sâu sắc và gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa. Hy vọng, thông qua các tiểu phẩm chứa đựng thông điệp sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân, kêu gọi cả cộng đồng chung tay, góp sức trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19; ngợi ca tinh thần tương thân, tương ái, nghĩa đồng bào của dân tộc ta trong những ngày đồng lòng chống dịch.
THỤC VĂN