HĐND tỉnh: Những mốc son qua các thời kỳ- Bài 10

Cập nhật: 08-04-2016 | 09:06:55

Bài 10: Nhiều quyết sách quan trọng

HĐND khóa VI, nhiệm kỳ 1999-2004 hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước nói chung đang có những thuận lợi và nhiều khó khăn đan xen. Nhưng với định hướng đúng đắn, HĐND tỉnh đã đề ra nhiều quyết sách quan trọng, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và phát triển, an ninh chính trị, trật tự được giữ vững ổn định.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Estec Vina, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I. Ảnh: P.V

Phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 2, khóa VI, nhiệm kỳ 1999-2004, ông Hồ Minh Phương, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá: Năm 1999, trong bối cảnh nền kinh tế cả nước đang trong tình trạng giảm phát, gặp nhiều khó khăn bất lợi về thời tiết và phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng ngoài kế hoạch nhưng với sự nỗ lực của các cấp, ngành nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và phát triển, an ninh chính trị, trật tự được gữ vững ổn định. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của tỉnh tăng so với năm 1998 và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng sản phẩm tăng 12,4%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 29,3%, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 6%, giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng 8,6%, thu mới ngân sách tăng 8%. Các hoạt động văn hóa - xã hội được đẩy mạnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 55,2% - 25,9% - 18,9%.

Ông Hồ Minh Phương phân tích, có được kết quả này là nhờ chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được sửa đổi và ban hành ngày càng phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và đời sống xã hội. Các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh sát hợp với thực tiễn, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương đã thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển khá mạnh mẽ. Về phía UBND tỉnh luôn đoàn kết; xử lý công việc nhạy bén và tập trung vào khâu then chốt theo từng thời điểm thích hợp; tăng cường đi công tác cơ sở, kịp thời phát hiện và chủ động tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, làm cho các tổ chức cá nhân tăng thêm niềm tin và đồng tình ủng hộ đối với chủ trương, chính sách của Đảng. UBND tỉnh luôn nâng cao tính phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể phát động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ công chức tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tác phong đạo đức, cùng với việc đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính đã tạo môi trường đầu tư thông thoáng và nâng cao hiệu lực hoạt động của hệ thống hành chính Nhà nước.

Ông Hồ Minh Phương nhấn mạnh: Năm 2000 có vị trí, ý nghĩa rất quan trọng, là năm cả nước nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm 1996- 2000 và chuẩn bị mọi mặt để bước sang thế kỷ mới với nhiều sự kiện trọng đại và đòi hỏi cao hơn của sự phát triển. Vì vậy, ngay từ năm 2000, các chỉ tiêu được đề ra là: Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng từ 11,5 - 12,5%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 18 - 20%, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp tăng 5 - 6%, giá trị dịch vụ tăng 10 - 11%, kim ngạch xuất khẩu tăng 13 - 15%, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt từ 300 - 350 triệu USD, nâng tổng số vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt trên 2,2 tỷ USD. Về cơ cấu kinh tế, tỷ trọng công nghiệp tăng từ 55,2 lên 57,38%; dịch vụ từ 25,9 lên 26,373% và nông nghiệp giảm từ 18,9 còn 16,25%.

Trên cơ sở căn cứ yêu cầu phát triển của năm 2000 và những năm tiếp theo, kỳ họp lần thứ 2, khóa VI đã thông qua nghị quyết về nhiệm vụ năm 2000. Theo đó, mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh phát triển kinh tế với tốc độ cao, tích cực phát huy nội lực, tập trung nguồn lực, phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực, các ngành có lợi thế, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc; cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng - an ninh.

Để hoàn thành mục tiêu đó, nghị quyết HĐND đề ra nhiệm vụ và nhiều giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực. Về kinh tế - tài chính cần phát huy mọi nguồn lực, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; tập trung phát triển những ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp xuất khẩu có tiềm năng, sản phẩm có giá trị cao, có sức cạnh tranh, có thị trường; phát triển mạnh công nghiệp chế biến, hướng vào xuất khẩu với quy mô vừa và nhỏ, nhằm huy động vốn trong dân, sử dụng nhiều lao động và nguyên liệu tại chỗ mang lại hiệu quả cao; phấn đấu giữ vững tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất kinh tế ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên 20% và khắc phục giảm sút, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc doanh trên 3% so với năm 1999.

Việc bố trí cơ cấu đầu tư năm 2000 phải tập trung theo đúng mục tiêu phát triển, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế và nhân dân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia các dịch vụ, cơ sở hạ tầng công cộng; chú trọng đầu tư tiến bộ khoa học công nghiệp vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ chế biến nông sản; khuyến khích các thành phần kinh tế chuyển đổi công nghệ mới, đầu tư nghiên cứu ứng dụng, nâng cao năng lực sản xuất...

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động văn hóa - xã hội, sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước kết hợp với thực hiện xã hội hóa; tiếp tục đầu tư các lĩnh vực văn hóa - giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, chăm lo bồi dưỡng nguồn nhân lực, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, nhất là việc làm; thực hiện các chương trình quốc gia theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; cải thiện đời sống nhân dân.

Từ những nghị quyết sát thực tế, hợp lòng dân, kinh tế - xã hội của tỉnh không ngừng phát triển, đời sống người dân ngày càng tăng, quốc phòng - an ninh được bảo đảm. Cụ thể, đến năm 2004, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá. Đặc biệt, ngành công nghiệp của tỉnh duy trì và nâng cao tốc độ phát triển, chuyển dần từ sản xuất phân tán sang tập trung, hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, nhất là khu vực đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thu hút nhiều lao động, đẩy mạnh xuất khẩu. Ngành công nghiệp của tỉnh ngày càng khẳng định vị trí là ngành công nghiệp trọng yếu, động lực đối với tỉnh và góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. (còn tiếp)

Ngay từ năm 2000, các chỉ tiêu được đề ra là: Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng từ 11,5 - 12,5%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 18 - 20%, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp tăng 5 - 6%, giá trị dịch vụ tăng 10 - 11%, kim ngạch xuất khẩu tăng 13 - 15%, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt từ 300 - 350 triệu USD, nâng tổng số vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt trên 2,2 tỷ USD. Về cơ cấu kinh tế, tỷ trọng công nghiệp tăng từ 55,2 lên 57,38%; dịch vụ từ 25,9 lên 26,373% và nông nghiệp giảm từ 18,9 còn 16,25%.

Trên cơ sở căn cứ yêu cầu của sự phát triển của năm 2000 và những năm tiếp theo, kỳ họp lần thứ 2, khóa VI đã thông qua nghị quyết về nhiệm vụ năm 2000. Theo đó, mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh phát triển kinh tế với tốc độ cao, tích cực phát huy nội lực, tập trung nguồn lực, phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực, các ngành có lợi thế, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc; cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng - an ninh.

 

THU THẢO (thực hiện)

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=536
Quay lên trên