Hiệu quả ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật: 26-08-2023 | 09:56:42

Những năm gần đây, nông dân Bình Dương đã nhanh chóng thích ứng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái được hình thành và phát triển. Đã có rất nhiều mô hình nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đời sống, phát triển kinh tế.


Sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận OCOP, VietGAP, GlobalGAP trưng bày tại triển lãm chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028

Tiếp cận, ứng dụng rộng rãi

Hiện toàn tỉnh có hơn 44.600 hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp với 97% là hộ hội viên nông dân. Cùng với sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh, nông dân Bình Dương đã nhanh chóng tiếp cận ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kinh doanh, tạo nên hình ảnh người nông dân Bình Dương năng động, thích nghi với sự chuyển mình phát triển mạnh mẽ của tỉnh nhà.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tổ chức tập huấn KHKT, công nghệ mới, truyền thông chương trình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, sản xuất theo hướng hữu cơ, trồng rau thủy canh, hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt rất hiệu quả… Trong nhiệm kỳ qua đã tổ chức 712 lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi với 30.825 lượt nông dân tham dự.

Trong đó, tiêu biểu như hội thảo giải pháp liên kết doanh nghiệp thực hiện chuỗi sản phẩm nông sản, ứng dụng công nghệ 4.0 cho trên 550 nông dân tham dự; hội nghị phổ biến tuyên truyền kiến thức về chỉ dẫn địa lý, mã vạch, mã QR Code, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ cho trên 400 đại biểu tham dự. Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp xây dựng đề án hỗ trợ 74 điểm truy cập thông tin khoa học công nghệ cho nông dân trên địa bàn tỉnh; phối hợp xây dựng trên 230 mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm

Nhằm đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ hội viên, nông dân, hàng năm Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tham gia hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa do tỉnh tổ chức, nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội viên nông dân có cơ hội giao lưu, trao đổi hàng nông sản chủ lực.

Trong 5 năm qua, đã có nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh kết nối với thị trường trong và ngoài tỉnh, được tiêu thụ tại hầu hết các tỉnh thành phố trên cả nước. Tiêu biểu như dưa lưới Kim Long (huyện Phú Giáo) đã có mặt tại hầu hết các siêu thị lớn trên cả nước, sản phẩm bưởi, cam của Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) được hệ thống Coop.mart và Go! toàn quốc tiêu thụ trên 1.500 tấn mỗi năm, sản phẩm chăn nuôi trang trại Đinh Ngọc Khương được tiêu thụ thông qua các chuỗi của Công ty San Hà, CP Việt Nam, Ba Huân…

Bên cạnh đó, các cấp hội còn chủ động tham gia các hội chợ triển lãm nông nghiệp tại các khu vực do Trung ương hội tổ chức, các hội thi, lễ hội do tỉnh tổ chức liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hội đã phối hợp ngành chức năng hỗ trợ cho nông dân xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, như “Măng cụt Lái Thiêu”, “Măng cụt Dầu Tiếng”, “Bưởi Bạch Đằng”, “Cam, bưởi, quýt Bắc Tân Uyên”, “Rau Thạnh Hội”, “Cam, bưởi, hồ tiêu Phú Giáo”... Từ đó giúp các cấp hội có thêm công cụ pháp lý quan trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên theo quy định pháp luật; chống các hành vi xâm phạm, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc xây dựng hoàn chỉnh các quy trình canh tác, liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh cùng xây dựng, bảo vệ sản phẩm của địa phương. Đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có 47 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.

Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh thường xuyên làm cầu nối phối hợp với doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà phân phối và các ngân hàng nhằm giúp nông dân xây dựng mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi gia cầm khép kín của hộ ông Đinh Ngọc Khương với năng lực sản xuất, cung ứng của chuỗi trên 600.000 con/năm; mô hình liên kết, sản xuất cung ứng các loại nông sản thực phẩm an toàn của ông Lê Quốc Hải với năng lực cung cấp ra thị trường mỗi ngày từ 1-2 tấn rau, củ quả, sản phẩm từ thịt, thủy sản…

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2021-2025 nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về khoa học và công nghệ cho cán bộ, hội viên, nông dân; hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ có liên quan sử dụng mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể trong sản xuất nông nghiệp; phối hợp xây dựng các mô hình điểm, ứng dụng khoa học và công nghệ mới vào hoạt động sản xuất và dịch vụ trong nông nghiệp.

► So với nhiệm kỳ 2013-2018, số hộ có mức thu nhập trên 300 triệu đồng/ năm trong nhiệm kỳ 2018-2023 tăng gấp 2 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng 3 lần, qua đó đã trực tiếp góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, đặc biệt là huyện Bắc Tân Uyên với hơn 3.000 ha cây ăn trái có múi tập trung... Thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bình Dương hiện nay là chăn nuôi an toàn sinh học và trồng trọt ứng dụng công nghệ cao theo từng vùng sản xuất chuyên canh đúng với quy hoạch phát triển chung cả tỉnh.

PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=527
Quay lên trên