Hỗ trợ, giảm căng thẳng cho những "chiến binh áo trắng" nơi tuyến đầu

Cập nhật: 19-08-2021 | 15:34:02

Bác sỹ Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 3 (thành phố Thủ Đức, Thành Phố Hồ Chí Minh) thông đêm tiếp nhận bệnh nhân. (Ảnh minh hoạ: Xuân Khu/TTXVN)

Trong gần ba tháng qua, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam trải qua những thời khắc khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Số ca mắc và tử vong tăng cao so với các đợt dịch bùng phát trước đó. Hơn ai hết, những nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch càng thêm áp lực đè nặng, vì mục tiêu sớm kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Hơn 13.000 cán bộ, bác sỹ, nhân viên y tế tại miền Bắc và miền Trung, trong đó có hơn 6.000 y, bác sỹ tuyến trung ương đã lên đường chi viện cho miền Nam. Những "chiến binh áo trắng" nơi tuyến đầu phải đang đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, chịu áp lực lớn cả về vật chất lẫn tinh thần trong quá trình cứu chữa bệnh nhân và phòng, chống dịch COVID-19.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm “Bảo vệ Blouse trắng nơi tuyến đầu” do Tạp chí Lao động và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phối hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức ngày 19/8.

2.380 cán bộ y tế đã mắc COVID-19

Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: "Chưa bao giờ cả nước phải đối mặt với đợt dịch khốc liệt như hiện nay với hơn 300.000 ca nhiễm. Trong một ngày xấp xỉ 9.000 ca nhiễm mới, tập trung chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang...”

“Những ngày qua thực sự là gánh nặng rất lớn đối với ngành y tế. Các bệnh viện, trường đại học tập trung rất nhiều lực lượng, các bạn sinh viên tình nguyện... để sẵn sàng xung phong chống dịch thời điểm này. Chúng tôi rất cảm động,” bác sỹ Nguyễn Trọng Khoa nói.

Theo bác sỹ Nguyễn Trọng Khoa, các y, bác sỹ, các bạn sinh viên ngành y tế rất vất vả trong suốt ba tháng nay, từ quản lý chỉ đạo, chăm sóc các bệnh nhân, trực tiếp xét nghiệm, truy vết, tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

“Lực lượng lấy mẫu xét nghiệm rất vất vả, trong đó có các em sinh viên, nhiều ca làm việc lên đến 12 giờ đồng hồ trong điều kiện thời tiết nắng nóng, không có điều hòa... Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các y, bác sỹ, nhân viên y tế. Các y, bác sỹ ở tâm dịch cũng phải làm việc với áp lực và cường độ rất lớn,” bác sỹ Nguyễn Trọng Khoa cho hay.

Phó Giáo sư, tiến sỹ Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết tính đến ngày 9/8, đã có 2.380 cán bộ y tế mắc COVID-19 được cập nhật và mới đây đã có cán bộ y tế không qua khỏi.

“Áp lực đè nặng lên y bác sỹ và đặc biệt khi có đồng nghiệp hy sinh, trang thiết bị bảo hộ thiếu, ăn uống sinh hoạt cũng gặp khó khăn, hầu hết là bác sỹ chi viện từ miền Bắc nên chưa hợp với thực phẩm trong Nam. Bệnh viện dã chiến chưa có chỗ nghỉ, các bác sỹ phải nằm dài trực tiếp tại khu vực trực... Nhiều trường hợp hồi sức cấp cứu thiếu nhân viên y tế. Các y, bác sỹ đã phải khóc khi không cứu được bệnh nhân” Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam chia sẻ.

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: "Khó khăn lớn nhất hiện nay là sự thiếu hụt bác sỹ hồi sức cấp cứu. Nhiều bác sỹ hồi sức cấp cứu phải làm việc với cường độ 500% so với thông thường. Với các bệnh nhân rất nặng thì các bác sỹ khác không thể thay thế bác sỹ hồi sức cấp cứu được. Chúng tôi cố gắng sắp xếp chỗ ở tiện nghi hơn nhưng các y, bác sỹ từ chối, xin ở trong bệnh viện để có thể ngay lập tức cứu bệnh nhân, đó là sự hy sinh rất lớn của họ".

Đề xuất ba loại phụ cấp cho cán bộ y tế tuyến đầu

Đề xuất những giải pháp để bảo vệ các y, bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp cho biết: "Khi lên đường, các y bác sỹ đều đi với một tâm lý tình nguyện, không đặt nặng vấn đề hỗ trợ. Tất cả chúng tôi chỉ mong dịch bệnh sớm qua mau để được trở về với gia đình. Tuy nhiên, hiện nay các trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế còn thiếu. Rất nhiều đơn vị, mạnh thường quân đã hỗ trợ, gửi tặng cho lực lượng nhân viên y tế nhưng thực tế có rất nhiều trang thiết bị không đảm bảo.”

Tọa đàm trực tuyến “Bảo vệ Blouse trắng nơi tuyến đầu”. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành danh sách khẩu trang đủ điều kiện sử dụng nhưng mạnh thường quân, thậm chí cả những nhân viên y tế mới nhiều khi vẫn mua và sử dụng nhầm các thiết bị nhái, rất khó để phân biệt. Theo tôi, phải có chính sách kiểm soát trang thiết bị bảo hộ, phải xử lý nghiêm những doanh nghiệp trục lợi, sản xuất và lưu hành trang thiết bị bảo hộ nhái, không đủ điều kiện đảm bảo an toàn. Đây là mối đe dọa rất nguy hiểm đối với lực lượng tuyến đầu,” bác sỹ Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với bác sỹ Nguyễn Trung Cấp về trang thiết bị y tế, ông Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh rằng cần có chiến lược lâu dài để bảo vệ cho nhân viên y tế. Thứ nhất, các ngành, các cấp phải có chính sách để bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế qua thực tiễn chống dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phía Nam. Thứ hai, trong giai đoạn sắp tới, chúng ta phải đào tạo nhiều chuyên khoa, chuyên ngành về hồi sức cấp cứu. Y tế dự phòng và hồi sức cấp cứu cần được đẩy mạnh và phát triển.

“Thứ ba, cần phải bảo toàn cho lực lượng y tế chuyên sâu để tiến hành chữa trị cho những người mắc bệnh nền nặng. Cần ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình để những bệnh nhân F0 thể nhẹ có thể chăm sóc nhau, chia sẻ, tư vấn tâm lý, không gây áp lực quá lớn cho nhân viên y tế để lực lượng này tập trung chữa trị cho những bệnh nhân nặng hơn.,” ông Nguyễn Phước Lộc nói.

Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh các cơ quan liên quan phải kiến nghị Hội đồng nhân dân các cấp có chính sách hỗ trợ nhân viên y tế từng địa phương, ở trung ương thì có chính sách chung cho lực lượng tuyến đầu chi viện vào các "tâm dịch".

Theo ông Nguyễn Phước Lộc, chính sách cụ thể phải nghiên cứu nhưng trước hết phải có 3 phụ cấp gồm phụ cấp độc hại, phụ cấp cường độ lao động và phụ cấp ngoài giờ cho nhân viên y tế.

Chia sẻ khó khăn với những “chiến sỹ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt tới các y, bác sỹ, nhân viên y tế vì họ là lực lượng tuyến đầu, đối mặt với nhiều hiểm nguy.

“Về chính sách hỗ trợ, chúng tôi đã hỗ trợ thêm các bữa ăn cho y bác sỹ dự kiến 20 ngày với mức 1triệu/người đồng thời đồng ý để công đoàn ngành y tế hỗ trợ thêm các y bác sỹ tuyến đầu mỗi người 2 triệu. Bên cạnh đó, các cán bộ công đoàn cũng thường xuyên tổ chức tới thăm hỏi, động viên lực lượng tuyến đầu. Công đoàn đang góp sức rất lớn trong việc bảo vệ đoàn viên y tế, những người đang ngày đêm giành giật sự sống cho nhân dân," ông Hiểu cho hay.

Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình cũng cho biết thêm ngoài hỗ trợ các cán bộ y tế tiền ăn 1 triệu đồng/người và tiền mặt 2 triệu đồng cho mỗi cán bộ đi tăng cường, công đoàn ngành y tế đang triển khai 20.000 thẻ bảo hiểm an toàn cho cán bộ y tế, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu.

“Chúng tôi đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế tặng bằng khen cho các đồng chí, đơn vị đi tăng cường chống dịch. Thời gian tham gia chống dịch tuyến đầu tối đa là 2 tháng/đoàn để bảo toàn lực lượng, phục hồi sức khỏe cho anh chị em. Để giảm stress cho nhân viên y tế tuyến đầu,” bà Phạm Thanh Bình nói.

Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đang đề nghị tất cả các tỉnh thành lập các trung tâm tư vấn tâm lý, đường dây nóng để hỗ trợ nhân viên y tế; tiêm vaccine cho thân nhân cán bộ, nhân viên y tế để lực lượng này yên tâm phòng, chống dịch COVID-19./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=533
Quay lên trên