Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Chuyển đổi Số Quốc gia

Cập nhật: 12-07-2023 | 16:18:26

Thủ tướng Phạm Minh Chính khai mạc hội nghị.

Chiều 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi Số (Ủy ban) chủ trì Phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban và Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 về Chuyển đổi Số Quốc gia, Đề án Phát triển Ứng dụng Dữ liệu về Dân cư, Định danh và Xác thực điện tử phục vụ Chuyển đổi Số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến toàn quốc tại các điểm cầu Trụ sở Chính phủ và Trụ sở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chuyển đổi Số là xu thế tất yếu đang được cả thế giới thực hiện và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.

Chuyển đổi Số là việc làm mới, khó, nhạy cảm, đòi hỏi phải có nguồn lực, thời gian và các điều kiện cần thiết khác.

Chuyển đổi Số được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Chính phủ đã xây dựng, triển khai Đề án 06 nhằm từng bước hiện thực hóa các nhiệm vụ về Chuyển đổi Số.

Để thúc đẩy Chuyển đổi Số nói chung và thực hiện Đề án 06 nói riêng, phải có khoa học công nghệ, tài chính, nguồn nhân lực...

Công cuộc Chuyển đổi Số và Đề án 06 đã được triển khai tích cực nhằm phục vụ tốt nhất người dân, vì người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, nguồn lực và động lực của Chuyển đổi Số.

Đề án 06 đang được triển khai rất tích cực và đạt được kết quả quan trọng. Năm 2023 được chọn là Năm “Dữ liệu Số Quốc gia”. Các bộ, ngành, địa phương đều có cơ sở dữ liệu riêng, song cần được kết nối, liên thông thành cơ sở dữ liệu chung quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu dự Hội nghị tập trung báo cáo, thảo luận đánh giá thực chất tình hình, kết quả đạt được trên tinh thần khách quan, trung thực; nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn; phát hiện đúng các nguyên nhân; những kinh nghiệm hay, bài học quý, những giải pháp cụ thể trong triển khai Chuyển đổi Số Quốc gia và Đề án 06; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới, cũng như trong dài hạn... nhằm đạt mục tiêu đề ra trong năm 2023 với kết quả cao hơn năm 2022.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến tháng 6/2023, đã có 3/30 bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, 36/63 địa phương ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

29/63 địa phương ban hành Kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy Chuyển đổi Số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế và các mô hình thí điểm thanh toán số, y tế. 31/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch hành động thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa Chuyển đổi Số.

Kết cấu hạ tầng số được thúc đẩy phát triển đồng bộ, gồm hạ tầng số và hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế số và xã hội số.

Kết quả đột phá là nhanh chóng phổ cập điện thoại thông minh tới mỗi người dân, phổ cập Internet cáp quang băng rộng tốc độ cao tới mỗi hộ gia đình, phổ cập dịch vụ điện toán đám mây tới mỗi doanh nghiệp. Đã hoàn thành phủ sóng cho 2.164/2.418 thôn, bản lõm sóng giai đoạn 2021-2022; các vùng còn lại chưa có điện.

Bộ Thông tin và Truyền đã phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng 35 nền tảng Số Quốc gia phục vụ Chuyển đổi Số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và được định kỳ cập nhật, công bố hàng năm.

Hiện có 7 cơ sở dữ liệu quốc gia (dân cư; đăng ký doanh nghiệp; bảo hiểm; hộ tịch điện tử toàn quốc; đất đai quốc gia; tài chính; cán bộ, công chức, viên chức) đã được ưu tiên triển khai, kết nối, chia sẻ phục vụ triển khai các dịch vụ cơ bản, thiết yếu cho người dân và doanh nghiệp.

Về kết nối, chia sẻ dữ liệu qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), hiện đã kết nối với hệ thống của 98 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; 9 cơ sở dữ liệu và 14 hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu.

Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP tính đến hết ngày 21/6/2023, đạt hơn 272 triệu giao dịch, trung bình hằng ngày có khoảng 1,45 triệu giao dịch thực hiện thông qua nền tảng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, nhân lực số, kỹ năng số, công dân số, doanh nghiệp số, thanh toán số… đều có bước phát triển vượt bậc.

Theo Tổ công tác triển khai Đề án 06, từ sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc và Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Quốc gia Chuyển đổi Số và Đề án 06 vào ngày 25/02/2023 đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ; Tổ Công tác triển khai Đề án của Chính phủ tập trung đôn đốc các bộ, ngành nhằm mục tiêu “xây dựng nền hành chính văn minh, phát triển kinh tế, xã hội và phòng chống tội phạm.”

Bộ Công an đã số hóa, tạo lập dữ liệu của ngành Tư pháp, Lao động-Thương binh và Xã hội để cắt giảm các thủ tục hành chính. Nhờ đó, trong các giao dịch hành chính, người dân không phải mang theo nhiều loại giấy tờ.

Với Ứng dụng Định danh Điện tử Công dân (VNeID), người dân có thể tự tạo lập dữ liệu và đẩy về các bộ chuyên ngành xác thực, không cần đầu tư nhiều cho các bộ trong số hóa.

Các dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Nhiều dịch vụ công được người dân hưởng ứng tham gia thực hiện với tỷ lệ cao, hàng năm tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 2.505 tỷ đồng.

Một số thủ tục hành chính tiết kiệm lớn thời gian, vật chất như: thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình tiết kiệm 479,09 tỷ đồng; Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông tiết kiệm 280,9 tỷ đồng....

Việc tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa như: căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn..., tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, hạn chế việc phải kiểm tra xác minh.

Nhờ đó, người dân hạn chế đi lại, không tiếp xúc, không giấy tờ, không dùng tiền mặt, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt.”

Các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội được thúc đẩy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo ra giá trị cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân như: Việc đẩy mạnh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, khởi tạo từ máy tính tiền giúp Chính phủ truy thu được 485 tỷ đồng tiền thuế.

Ứng dụng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên các lĩnh vực.

Điển hình như làm sạch thông tin tín dụng, xác thực thông tin thuê bao giúp các nhà mạng tiết kiệm 143 tỷ đồng; xác thực, làm sạch, đảm bảo chính xác đối tượng được hưởng an sinh xã hội để thực hiện chi trả với 141,7 tỷ đồng dưới hình thức không dùng tiền mặt.

Ứng dụng tài khoản VNelD mức độ 2 với hành khách đi tàu bay các chuyến bay nội địa, xác thực sinh trắc học trên thẻ căn cước công dân tại các cơ sở khám chữa bệnh, giảm quy trình 4 bước xuống còn 2 bước, thời gian trung bình xác thực là 6 -13 giây, giúp người dân tiết kiệm thời gian làm thủ tục...

Trong công tác phòng, chống tội phạm, việc dùng căn cước công dân, VnelD đã tạo lập tài khoản và giám sát việc thu thuế; xác thực thông tin tín dụng khách hàng vay, đảm bảo chính xác danh tính, phòng ngừa tội phạm lừa đảo, hạn chế rủi ro; phục vụ cho vay tín chấp đối với công dân yếu thế, phòng ngừa tội phạm “tín dụng đen;” xác thực thông tin thuê bao di động, từng bước loại bỏ tình trạng “sim rác” hoạt động lừa đảo, vu khống, đe dọa; đối chiếu khuôn mặt, giải quyết tình trạng thi hộ; ứng dụng vào công tác bắt giữ đối tượng truy nã...

Theo Tổ công tác, việc Chuyển đổi Số Quốc gia và thực hiện Đề án 06 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số người đứng đầu cấp cơ sở chưa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; chưa kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ theo chức năng của đơn vị, địa phương; chưa quan tâm, bám sát vào các văn bản hướng dẫn của cơ quan thường trực, thậm chí có địa phương còn chưa triển khai.

Cùng với đó, nhiều bộ, ngành, chưa hoàn thành việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư. Nhiệm vụ ban hành hướng dẫn về lưu trữ điện tử dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thành. 11 đơn vị chưa triển khai hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin. Mới có 8/31 đơn vị đã được kiểm tra đánh giá đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

Cổng Dịch vụ Công Quốc gia có một số thời điểm ghi nhận tình trạng hoạt động thiếu ổn định, bị chậm. Bộ chỉ số đánh giá phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính của một số địa phương có chỉ số thấp.

Đáng chú ý, đối với 53 dịch vụ công thiết yếu, còn 18/28 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 422, ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ chưa hoàn thành cung cấp trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia.

Một số địa phương đã thực hiện số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính nhưng chưa tái sử dụng được kết quả số hóa có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Một số bộ, ngành chưa có ý kiến đề xuất các chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia dịch vụ công trực tuyến như: miễn, giảm phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức, một số cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành triển khai còn chậm...

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=547
Quay lên trên