Từ xưa, trái cây Lái Thiêu đã nổi tiếng ngon lành khắp chốn. Thời điểm này trái cây Lái Thiêu vào mùa chín rộ, nhà vườn mở cửa phục vụ, du khách tham quan trở nên đông vui hơn, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần...
Trái cây trên địa bàn Thuận An đã trở thành sản vật được du khách gần xa biết đến
Lái Thiêu - mùa trái chín
TP.Thuận An từ lâu nổi tiếng với những vườn cây trái và phong cảnh hữu tình. Nhắc đến những vườn cây trái Thuận An, có lẽ “trái cây Lái Thiêu” chính là thương hiệu đã được tạo nên từ rất sớm. Tuy nhiên, những vườn cây không chỉ có ở phường Lái Thiêu, mà tập trung ở nhiều địa phương khác, như Hưng Định, Bình Nhâm, An Thạnh, An Sơn... Với lợi thế là những vườn cây ăn trái đặc sản, lại có sông Sài Gòn chảy ngang qua cùng với nhiều kênh rạch nên vùng đất này được thiên nhiên ban tặng cho một không gian hết sức thoáng mát, cây cối xanh tươi quanh năm. Vì thế, không phải đến bây giờ mà từ rất lâu, TP.Thuận An đã được du khách thập phương biết đến.
Tháng năm âm lịch hàng năm là thời điểm trái cây Lái Thiêu chín rộ. Mùa này, ngang qua những con đường trên địa bàn TP.Thuận An, đặc biệt là gần khu vực Cầu Ngang ở phường Hưng Định, có rất nhiều loại trái cây, đặc biệt là măng cụt được các nhà vườn bày bán rất nhiều. Không chỉ phục vụ cho người dân địa phương, một số khách đi đường cũng thường ghé mua trái cây Lái Thiêu về làm quà cho gia đình.
Kết nối và phát triển
Phát triển du lịch sinh thái của Thuận An trên cơ sở khai thác vườn cây ăn trái đặc sản kết hợp với tiềm năng, lợi thế về du lịch ẩm thực, du lịch tâm linh, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, mua sắm sản vật, sản phẩm thủ công mỹ nghệ địa phương. Trên địa bàn TP.Thuận An hiện có khá nhiều di tích lịch sử - văn hóa, như chiến khu Thuận An Hòa, đình thần Phú Long, miếu Mộc Tổ, đền Bình Nhâm, đình An Sơn... Những năm gần đây, các nhà đầu tư còn xây dựng, phát triển thêm một số khu nghỉ dưỡng, resort trên địa bàn, như: An Lâm, Phương Nam, khu du lịch xanh Dìn Ký, làng du lịch Sài Gòn, sân golf Sông Bé, các hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống nhà vườn... Đây chính là điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch.
Ông Nguyễn Văn Đảm, Phó phòng Văn hóa - Thông tin TP.Thuận An, cho biết trong thời gian qua, phòng đã tham mưu UBND thành phố về kế hoạch thực hiện phát triển du lịch sinh thái ven sông nhằm khai thác tiềm năng lợi thế sẵn có, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, giá trị môi trường sinh thái, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đây là một trong những cách khai thác hiệu quả các vườn cây ăn trái trên địa bàn, kết hợp với các khu resort, nghỉ dưỡng, các điểm kinh doanh món ăn đặc trưng của Thuận An.
Để thực hiện kế hoạch trên, trong thời gian qua, TP.Thuận An đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan, như: Tuyên truyền cho các hộ nông dân nhà vườn, các điểm kinh doanh du lịch trên địa bàn; phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức tập huấn cho các chủ cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, các chủ nhà vườn về mô hình phát triển du lịch sinh thái; đưa một số nhà vườn đi tập huấn, tham quan mô hình phát triển du lịch ở Tiền Giang; tăng cường tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Thuận An thông qua các tờ rơi, ấn phẩm, hình ảnh. Đặc biệt, cứ hai năm một lần, Thuận An lại tổ chức lễ hội “Lái Thiêu - mùa trái chín” và gần đây là tổ chức tuần lễ văn hóa - liên hoan ẩm thực mua sắm... Các hoạt động trong tuần lễ và lễ hội trên đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, góp phần quảng bá hình ảnh vườn cây ăn trái Lái Thiêu.
Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bình Dương, đánh giá những vườn cây trái Lái Thiêu là tiềm năng, lợi thế để khai thác, phát triển du lịch sinh thái ở Thuận An. Trong thời gian qua, trung tâm đã phối hợp với địa phương, một số công ty lữ hành tổ chức khảo sát điểm nhà vườn, hộ kinh doanh ăn uống, nghề truyền thống, điểm tâm linh, khu nghỉ dưỡng... để kết nối hình thành tour tham quan du lịch. Ban đầu đã có những đoàn khách tham quan vườn cây ăn trái tại khu vực Cầu Ngang, kết hợp với một số điểm đến trên địa bàn TP.Thuận An. Tuy nhiên, theo ông Minh, hiện nay chỉ có một số nhà vườn đã bắt đầu khai thác vườn cây ăn trái để phát triển dịch vụ ăn uống kết hợp tham quan, nhưng cách làm của họ chưa mang tính chuyên nghiệp, còn manh mún. Nhiều nhà vườn chưa thích nghi với cách phát triển kinh tế vườn gắn liền với làm du lịch.
Việc phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn TP.Thuận An, trong đó có những vườn cây ăn trái đặc sản trên vùng đất này sẽ góp phần quan trọng vào phát triển du lịch chung của địa phương và tỉnh. Để làm được điều này, ngoài duy trì, phát triển các hoạt động đã tổ chức, rất cần có sự phối hợp nhịp nhàng hơn từ nhiều phía nhằm liên kết tạo ra những sản phẩm du lịch, hình thành những tour du lịch gắn với các điểm đến trong và ngoài địa bàn để tạo nên sự đa dạng, hấp dẫn thu hút du khách.
HỒNG THUẬN