Tối 8-6, Lễ hội “Lái Thiêu - mùa trái chín” năm 2013 với chủ đề “Giao lưu cùng phát triển” đã được khai mạc trọng thể tại sân khấu trung tâm của khu vực tổ chức (Nhà hàng 90 - Cầu Ngang cũ thuộc xã Hưng Định, TX.Thuận An) với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương; lãnh đạo Thị ủy, UBND TX.Thuận An, đại diện các ban ngành, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh, của TX.Thuận An cùng hàng ngàn người dân địa phương, du khách trong và ngoài tỉnh.
Chương trình sân khấu hóa mang chủ đề “Huyền thoại một vùng đất” được tổ chức hoành tráng và dàn dựng công phu
Tìm lại những mùa trái ngọt
Những ngày này, trên khắp các nẻo đường của TX.Thuận An nói chung và khu vực vườn cây ăn trái (VCAT) Lái Thiêu nói riêng đều rộn ràng không khí đón mừng lễ hội. Trên các con đường dẫn vào khu vực lễ hội, cờ phướn, băng rôn tuyên truyền, cổ động, giới thiệu về lễ hội đủ sắc màu phất phới dưới ánh đèn trông thật vui mắt và có lẽ đã lâu lắm rồi người dân Thuận An mới có được những ngày vui như hôm nay.
Hòa trong dòng người đi tham quan, thưởng lãm lễ hội, nhìn ngắm những gian hàng trái cây với sầu riêng, dâu, măng cụt, chôm chôm được “sản xuất” từ những khu “vườn nhà” Lái Thiêu và được đem đến từ các tỉnh bạn như Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang… bác Nguyễn Văn Danh cho biết: “Tôi là người dân Thuận An, tuy nhà tôi không có vườn cây nhưng chúng tôi luôn gắn bó và tự hào với cái tên VCAT Lái Thiêu, trải qua nhiều thăng trầm cứ tưởng rằng cái tên VCAT Lái Thiêu sẽ bị mai một, đi vào dĩ vãng. Nhưng nay, người dân chúng tôi rất vui vì tỉnh và các ngành, các cấp đã có những việc làm thiết thực để làm VCAT Lái Thiêu sống dậy, cụ thể là tổ chức lễ hội này…”.
Còn bạn Nguyễn Thị Thu Nga, quê Nghệ An, công nhân Khu công nghiệp Sóng Thần 1 thì tâm sự: “Em vào làm công nhân ở Bình Dương hơn 5 năm. Em đã nhiều lần nghe các bạn làm chung quê ở Bình Dương nói về VCAT Lái Thiêu nhưng chưa lần nào đến đây, nay nhân dịp lễ hội, em cùng các bạn đến đây tham quan mới thấy ở đây đất đai tươi tốt, vườn cây trái sum suê, em nghĩ thời gian trước vùng cây trái Lái Thiêu chắc thu hút nhiều khách du lịch lắm”.
Măng cụt chính gốc Lái Thiêu được du khách ưa thích
Sau khi cùng gia đình dạo quanh khu vực hội chợ thương mại, hội chợ trái cây, chú Diệp Minh Hùng, ở quận Thủ Đức, TP.HCM tươi cười nói: “Đối với giới trung niên tụi tôi hầu hết ai cũng ít nhiều biết về VCAT Lái Thiêu và có những kỷ niệm gắn bó với vườn cây này. Trải qua một thời gian dài chúng tôi ít đến vui chơi ở đây vì cây trái cằn cỗi, không còn tươi tốt, giá dịch vụ, giá trái cây tăng quá cao do người bán mua từ nơi khác về, rồi nạn chèo kéo, chặt chém du khách. Nay nghe tỉnh Bình Dương đang phấn đấu khôi phục lại danh tiếng của vườn cây, chúng tôi rất đồng tình, phấn khởi vì sau này những dịp nghỉ lễ, mừng sinh nhật người thân hay dịp hè, dịp mùng 5 tháng 5 tôi sẽ lại có dịp đưa gia đình, người thân đến thăm thú, nghỉ ngơi tại đây như cách đây hàng chục năm…”.
Khôi phục thương hiệu VCAT Lái Thiêu
Nhiều năm trước đây khi nói đến những điểm vui chơi ở Bình Dương, người ta đều nói đến VCAT Lái Thiêu - một vùng đất cây lành trái ngọt, một thương hiệu nổi tiếng trong tiềm thức của nhiều thế hệ học sinh, người dân Bình Dương và du khách khắp nơi với nhiều loại cây trái thơm ngon như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, mít tố nữ, chôm chôm, dâu… Từ rất lâu, VCAT Lái Thiêu đã trở thành điểm du lịch xanh thích hợp với nhiều lứa tuổi, nhất là vào các dịp hè, Tết Đoan ngọ...
Tuy nhiên, những năm gần đây do nhiều nguyên nhân khiến cho thương hiệu VCAT Lái Thiêu dần bị mai một, người dân bán đất, bán vườn để chuyển sang sản xuất, kinh doanh ngành nghề khác. Nhiều hộ còn vườn cây thì thiếu sự đầu tư, chăm sóc, giống cây trái lại già cỗi, năng suất thấp. Một số chủ vườn đã mua trái cây từ nơi khác về bán cho du khách với giá cắt cổ, nạn chèo kéo du khách… đã làm cho những khu vườn cây ở Lái Thiêu ngày càng vắng khách, để lại sự luyến tiếc cho nhiều người.
Theo Ban tổ chức Lễ hội “Lái Thiêu - mùa trái chín” năm 2013: Việc tổ chức lễ hội nhằm xây dựng lại thương hiệu VCAT Lái Thiêu nổi tiếng một thời; thông qua hoạt động lễ hội nhằm thu hút du khách quốc tế, du khách trong và ngoài tỉnh quay về với VCAT Lái Thiêu, đồng thời tạo tiền đề cho TX.Thuận An phát triển du lịch dã ngoại kết hợp với du lịch sinh thái miệt vườn; tạo điều kiện cho các chủ nhà vườn, các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, tìm hiểu, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái vườn nhằm góp phần gắn kết phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch sông nước của tỉnh nhà trong thời gian tới; sau khi kết thúc lễ hội, tạo ra các khu vườn trái cây thật sự hấp dẫn khách tham quan, du lịch và thưởng ngoạn…
Tại đêm khai mạc lễ hội, các đại biểu, du khách và đông đảo người dân đã được thưởng thức chương trình sân khấu hóa mang chủ đề “Huyền thoại một vùng đất” được tổ chức hoành tráng và dàn dựng công phu với sự tham gia biểu diễn của nhiều đoàn ca, múa, nghệ sĩ được yêu thích mang lại cho công chúng sự thích thú bởi tính mới lạ và không gian đặc tả nét văn hóa của đất và người Lái Thiêu; được tham quan, mua sắm tại hội chợ trái cây - nơi được xem là không gian chính của lễ hội, nơi tập hợp tất cả các loại trái cây của khu vực Lái Thiêu và các huyện, thị khác của tỉnh Bình Dương cũng như của các tỉnh, thành khác trong khu vực Đông và Tây Nam bộ; được tham quan, mua sắm tại Hội chợ thương mại với hàng trăm gian hàng kinh doanh các sản phẩm hàng Việt Nam…
Trước đó (kể từ ngày 7-6), Ban tổ chức lễ hội cũng đã khai mạc Hội thi “Hương sắc miệt vườn”, Hội thi tạo hình nghệ thuật trái cây, Liên hoan Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương, Hội thảo chủ đề “Giải pháp phát triển du lịch VCAT Lái Thiêu”… Từ ngày 8- 6 đến hết ngày 12-6, lễ hội còn có nhiều hoạt động phong phú khác như tổ chức các trò chơi dân gian, chương trình ca, múa, nhạc, chương trình du lịch khám phá VCAT và làng nghề truyền thống…
Lễ hội “Lái Thiêu - mùa trái chín” năm 2013 sẽ diễn ra đến hết ngày 12-6. Do là lần đầu tiên tổ chức, chắc chắn sẽ không tránh được những sơ suất phải rút kinh nghiệm nhưng hy vọng lễ hội sẽ là cú hích để tỉnh và TX.Thuận An, các chủ nhà vườn tiếp tục quan tâm đầu tư khôi phục, xây dựng lại thương hiệu Lái Thiêu, để những mùa sau du khách lại nườm nượp quay về những khu VCAT Lái Thiêu mà thưởng thức không khí trong lành trong những khu vườn cây trái trĩu quả như những năm về trước.
* Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị: Lễ hội “Lái Thiêu - mùa trái chín” năm 2013 sẽ là một bước ngoặt quan trọng để quảng bá, giới thiệu đặc sản, văn hóa, con người Bình Dương đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn sông nước của một địa phương nổi tiếng là năng động, sáng tạo, phát triển bền vững và sâu rộng. Qua lễ hội, tỉnh từng bước thu hút khách du lịch, gắn kết phát triển du lịch với các ngành dịch vụ của tỉnh nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của du khách, đồng thời từng bước nâng cao tỷ trọng của ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh…
* Ông Nguyễn Văn Dọi (ấp Hưng Thọ, xã Hưng Định, TX.Thuận An) - chủ kinh doanh vườn trái cây và du lịch vườn: Nhà tôi có hơn 6.000m2 cây ăn trái, chủ yếu là măng cụt. Với sản lượng như hiện nay, không chỉ có tôi mà các chủ vườn khác cũng đang rất phấn khởi. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên cây trái phát triển ổn định. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương về phân bón, hướng dẫn cách chăm sóc cùng phòng bệnh cho cây trồng… đã giúp chúng tôi rất nhiều. Hy vọng trong thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ hợp lý để nhà vườn có cơ hội duy trì và phát triển VCAT, góp phần vào việc khôi phục lại thương hiệu trái cây Lái Thiêu nổi tiếng một thời…
HUY BÌNH