Khai thác tiềm năng, đẩy mạnh “xuất khẩu số”

Cập nhật: 16-03-2024 | 08:21:32

Đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu được đánh giá là cơ hội tối ưu cho các doanh nghiệp (DN), ngành hàng trong bối cảnh hiện nay.

Cơ hội lớn

Theo đánh giá của Sở Công thương, thị trường TMĐT đã có sự kết nối, chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ, tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, đó là nền tảng tốt để DN tiếp tục phát triển. Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh đạt gần 40 tỷ đô la Mỹ. Trong đó doanh số bán hàng từ TMĐT chiếm 12%, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy dư địa phát triển của TMĐT đối với các DN tỉnh nhà còn rất lớn để khai thác.


Nhân viên Alibaba Việt Nam tư vấn cho doanh nghiệp Bình Dương các mô hình không gian ảo giới thiệu sản phẩm qua sàn thương mại điện tử

Không phải đến nay xuất khẩu trực tuyến mới được cộng đồng doanh nhân, DN Bình Dương quan tâm. Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Giày da, túi xách tỉnh, hoạt động này đã được thúc đẩy mạnh mẽ từ giai đoạn toàn nền kinh tế chịu tác động từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến nay xuất khẩu đa biên giới thông qua TMĐT được DN chú trọng để duy trì được lượng khách hàng trung thành trên toàn cầu. Có những cách thức giao dịch, vận chuyển để bảo đảm tối ưu chi phí, an toàn nguồn hàng khi giao dịch xuyên biên giới.

Một lý do nữa là đã đến lúc DN cần cơ quan chức năng can thiệp các vấn đề pháp lý rõ ràng để DN khi xuất khẩu sang các thị trường được bảo đảm, tránh bị lừa đảo. “Với hoạt động chuyển đổi số, các DN cũng chủ động tìm kiếm thông tin dễ dàng, nhưng vẫn rất cần cơ quan chức năng hỗ trợ”, ông Vũ cho biết.

Theo ông Mike Zhang, Giám đốc Quốc gia Alibaba Việt Nam, TMĐT toàn cầu vẫn không ngừng tăng trưởng và đang là xu thế, giúp các DN nhỏ và vừa tăng trưởng mạnh mẽ. “Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng về TMĐT cao nhất và là mảnh đất màu mỡ cho TMĐT xuyên biên giới, là cơ hội cho tất cả các DN. Tại Bình Dương, số lượng nhân viên hỗ trợ cho DN của văn phòng chúng tôi đã tăng gấp 4 lần so với năm 2023. Điều này cho thấy nhu cầu của các DN là rất lớn”, ông Mike Zhang nói.

Theo ước tính, giai đoạn 2020- 2027 tốc độ tăng trưởng tổng hợp của TMĐT bán lẻ xuyên biên giới toàn cầu tăng 28,4%. Với lĩnh vực đồ gỗ và nội thất, một lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh của Bình Dương, riêng thị trường Hoa Kỳ, TMĐT ngành nội thất dự báo sẽ tăng mạnh trong 4 năm tới, có thể đạt 118,6 tỷ đô la Mỹ vào năm 2 027.

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương: Bên cạnh những cơ hội, doanh nghiệp Bình Dương cũng phải đối mặt với một số thách thức khi tham gia vào thị trường TMĐT. DN phải cạnh tranh gay gắt từ các “đối thủ” trong nước và quốc tế, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, dịch vụ giao nhận và thanh toán, khó khăn trong việc tiếp cận các nền tảng TMĐT lớn…

Dốc lực hỗ trợ

Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, dù có những tín hiệu rất tích cực cho thấy DN tỉnh nhà đã và đang quan tâm hoạt động “xuất khẩu số”, gia tăng cơ hội xuất khẩu trực tuyến của sản phẩm nhiều nhưng vẫn còn nhiều rào cản, bất cập, khiến cho hiệu quả không tương xứng.

Các rào cản, bất cập chủ yếu do các yếu tố chủ quan, như DN hiểu về sự cần thiết phải chuyển đổi số, xúc tiến xuất khẩu trực tuyến nhưng đa phần không biết phải bắt đầu từ đâu. Việc thiếu nhân sự hiểu biết xuất khẩu trực tuyến là rào cản lớn thứ hai. Vấn đề thứ ba, được nhiều chuyên gia chỉ rõ, là nhiều DN sau khi đã tiếp cận được với hoạt đông xuất khẩu trực tuyến, thông qua các sàn TMĐT lại quên đổi mới sáng tạo, sản phẩm hàng hóa không phong phú, đa dạng, cách thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm không được cải tiến thường xuyên, liên tục, khiến lượng khách hàng ngày càng sụt giảm.

“Tạo lập gian hàng trên các sàn TMĐT uy tín của thế giới DN sẽ có rất nhiều lợi thế, số lượng khách hàng lớn, quy trình sàn hỗ trợ nhiều cho cả người bán lẫn người mua. Người mua sẽ tin tưởng hơn khi thanh toán vì có nhiều chính sách bảo hành, người bán cũng sẽ yên tâm hơn. Việc mua, bán sẽ diễn ra nhanh chóng và thuận tiện hơn so với kênh xuất khẩu truyền thống”, ông Mike Zhang phân tích.

Theo ông Mike Zhang, hạn chế của các DN Việt Nam chính là vấn đề marketing chưa tốt. Trong thời gian tới, Alibaba sẽ tổ chức cho các DN Bình Dương tham quan một số nhà máy đã bán hàng hiệu quả qua sàn giao dịch TMĐT Alibaba để thấy được cách thức tổ chức, trưng bày, cách sắp xếp, quảng bá, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm cụ thể hơn” .

Bà Phan Thị Khánh Duyên khẳng định việc hỗ trợ DN đa dạng các kênh phát triển thị trường là ưu tiên hàng đầu trong rất nhiều chương trình hành động của ngành công thương Bình Dương. Trong bối cảnh các hiệp định thương mại thế hệ mới mở ra cơ hội lan tỏa sản phẩm, tăng tốc phát triển cho các DN Việt, nhưng cũng đồng thời có thêm những điều khoản mới, khắt khe hơn, liên quan đến xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới. Đối với các DN, doanh nhân phải nhận thấy rõ lợi thế, thách thức của DN, sản phẩm để nỗ lực tìm giải pháp tiếp cận thị trường thương mại số tối ưu, thuận lợi và bền vững hơn.

Năm 2024, Alibaba.com tiếp tục mở rộng gian hàng Việt Nam để giới thiệu thêm các sản phẩm chất lượng cao đến thị trường toàn cầu. Thông qua các hội thảo, sự kiện và chương trình đào tạo Alibaba Việt Nam sẽ trang bị cho DN những kỹ năng, kiến thức cần thiết để thành công trong bối cảnh TMĐT toàn cầu luôn luôn thay đổi. Alibaba Việt Nam sẽ hỗ trợ tiếp cận thị trường toàn cầu tốt hơn, khuyến khích mạnh mẽ các DN vừa và nhỏ tận dụng cơ hội mới, tiếp thu kiến thức mới, giải quyết những thách thức bằng phương pháp sáng tạo.

 

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên