Sức khỏe là tài sản vô giá của con người. Giàu nghèo có thể có người không màng tới nhưng có được sức khỏe tốt thì ai ai cũng ước ao. Với bà Nguyễn Thị Lắm, 67 tuổi, là một hộ nghèo ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, dù mang trong mình 2 căn bệnh hiểm nghèo: ung thư tử cung và suy thận mãn giai đoạn cuối, đối mặt với bao đau đớn về thể xác nhưng khát vọng sống vẫn trỗi dậy trong bà. Dù giờ đây, sự sống của bà Lắm được tính bằng ngày nhưng bà vẫn còn nuôi hy vọng được sống, bởi cuộc sống này còn nhiều điều tươi đẹp mà con người được quyền hưởng thụ. Sự sống của bà Lắm giờ đây chỉ được tính bằng ngày
Để gặp bà Lắm, chúng tôi phải đến phòng chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong căn phòng ấy đều là bệnh nhân nặng, nhưng nhìn bà thảm nhất. Nhập viện chưa được 10 ngày mà trông bà gầy rộp, da dẻ xanh xao. Bà nằm gần như bất động. Từ khi vào bệnh viện đến nay bà Lắm đã được chạy thận cấp cứu 2 lần. Bà thều thào nói: “Bác sĩ gắn kim ở đùi để chạy thận, khi nào khỏe mới chuyển lên tay. Do sơ suất, tôi làm tuột kim ra, vài ngày nữa bác sĩ sẽ gắn lại. Mà nghe nói sẽ đau gấp mấy lần so với lần gắn đầu tiên. Dù đau mấy tôi cũng gắng chịu, miễn sao được chạy thận để kéo dài sự sống”.
Bà Lắm có 4 người con, chồng bà mất khi người con đầu mới được 10 tuổi. Một thân một mình vất vả nuôi con. Theo ngày tháng các con dần khôn lớn, chỉ tiếc là do nghèo, bà không có điều kiện cho con cái ăn học, nên giờ đây họ chỉ là những công nhân lao động bình thường, thu nhập không cao. Còn bà, dù tuổi đã cao nhưng ngày ngày vẫn gánh sương sa bán theo xóm, kiếm cơm qua bữa.
Cách đây 2 năm, bà Lắm bị bệnh ung thư tử cung, phải điều trị ở TP.HCM. Dù có thẻ BHYT người nghèo, nhưng có những loại thuốc nằm ngoài danh mục bảo hiểm nên chi phí điều trị khá tốn kém. Hiện tại cứ 3 tháng bà lại trở về TP.HCM tái khám. Khi bệnh đã được điều trị tạm ổn thì bác sĩ phát hiện bà mang thêm căn bệnh suy thận, cần điều trị tích cực. Bà có 4 người con nhưng ai cũng nghèo, không có khả năng giúp đỡ gì nhiều cho mẹ. Ngày đưa bà đi cấp cứu, dù không mấy khá giả nhưng các công nhân ở xưởng cưa nơi con bà làm việc hỗ trợ kẻ ít người nhiều, bà con lối xóm cũng gom góp chút ít giúp bà làm lộ phí trị bệnh. Trải qua 2 cơn bạo bệnh, giờ đây sức khỏe bà Lắm giảm sút rất nhiều. Chị Nguyễn Thanh Tuyền, con gái thứ hai của bà nhớ lại, trước khi nhập viện, bà Lắm hay bị đau bụng. Nhưng bà cứ nghĩ do đi tia trị ung thư nên đau bụng và đã bỏ qua triệu chứng này. Có hôm do đau bụng, tay chân bủn rủn, bà làm đổ cả gánh hàng, ngày đó coi như lỗ vốn. Cho đến khi bà đau bụng dữ dội mới nhập viện thì căn bệnh đã trầm trọng.
Suy thận là căn bệnh nhà giàu, vì chi phí điều trị tốn kém, nhưng lỡ mang căn bệnh này, càng làm cho gia đình bà Lắm thêm khánh kiệt. Mấy ngày nay, bà đã tạm ứng trước 3 triệu đồng viện phí, sắp tới có lẽ còn phải đóng thêm tiền. Bác sĩ Lý Văn Trãi cho hay: “Bà Lắm bị suy thận mãn giai đoạn cuối, không có khả năng hồi phục, cần thiết điều trị thay thế thận, chạy thận nhân tạo cũng là một cách điều trị căn bệnh của bà. Hiện nay do quá tải bệnh nhân điều trị chạy thận, những bệnh nhân có điều kiện kinh tế về TP.HCM điều trị. Còn bà Lắm, do nghèo khó đành bám trụ bệnh viện”.
Mang trong mình 2 căn bệnh: ung thư và suy thận mãn giai đoạn cuối, đối mặt với bao đau đớn về thể xác nhưng khát vọng sống vẫn trỗi dậy trong bà Lắm. Bà vẫn mong muốn được chữa trị bệnh, sống thêm với con cháu được ngày nào hay ngày đó.
Hồng Thái