Khi một tài xế được tôn vinh

Cập nhật: 12-10-2014 | 20:35:13

Đây không phải là lần đầu tiên một “nghề bình thường”, một “người bình thường” được vinh danh.  

Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân thủ đô ưu tú” năm 2014 cho 10 cá nhân - Ảnh: Việt Dũng

Bên cạnh các giáo sư, tiến sĩ, nhạc sĩ, nhà giáo, nhà quản lý, danh sách 10 công dân thủ đô ưu tú năm 2014 có một tài xế xe buýt - ông Dương Tuấn Anh, 52 tuổi, lái xe của Xí nghiệp xe buýt 10-10, Hà Nội.

Lý do tôn vinh ông được tóm lược như sau: với vai trò là tổ trưởng sản xuất, ông Tuấn Anh đã tuyên truyền, động viên công nhân lái xe thực hiện tốt nhiệm vụ.

Tổ xe do ông phụ trách với 40 công nhân, lái xe, trong thời gian qua không để xảy ra tai nạn giao thông, liên tục nhiều năm đạt tổ lao động xuất sắc. Với vai trò là tài xế xe buýt, ông nhiều lần được hành khách gửi thư khen ngợi.

Ngoài ra, ông đã nhiều lần cung cấp thông tin, tố giác tội phạm, phối hợp với công an giữ gìn an ninh trật tự trên các tuyến xe.

Chuyện một tài xế xe buýt thành “công dân ưu tú” khiến không ít người ngạc nhiên. Chính một đồng nghiệp của ông Tuấn Anh khi được đài truyền hình quốc gia phỏng vấn cũng đã thốt lên “bất ngờ vì một nghề bình thường như lái xe mà cũng được tôn vinh”!

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên một “nghề bình thường”, một “người bình thường” được vinh danh.

Kể từ năm 2010, năm đầu tiên bầu chọn, danh hiệu này đã không ít lần thuộc về “người bình thường”.

Chẳng hạn, năm 2012 là ông Lê Đức Giáp - nông dân giỏi xã Cao Viên (huyện Thanh Oai); là bà Nguyễn Thị Hiền, công nhân Xí nghiệp Thoát nước số 1; năm 2013 là bà Nguyễn Phi Nga - tổ trưởng tổ sản xuất môi trường 4, chi nhánh Hoàn Kiếm; là ông Nguyễn Văn Thanh - hội viên Hội Nông dân xã Vạn Thái (huyện Ứng Hòa).

Năm 2014, ngoài ông Dương Tuấn Anh còn có bà Hồ Hương Nam (80 tuổi), người suốt 15 năm qua tận tụy dành tình yêu thương dạy dỗ trẻ khuyết tật miễn phí...

Họ là những người bình thường nhưng lại làm nên những chuyện phi thường, xuất phát từ tình yêu và trách nhiệm đối với công việc và xã hội.

Một người nếu làm việc với tình yêu và trách nhiệm thì luôn được xã hội tôn trọng, bất kể người đó là ai, làm nghề gì (tất nhiên phải đúng luật).

Chuyện nhân viên tạp vụ trong cơ quan là một ví dụ. Công việc của chị là giữ cho mọi thứ sạch sẽ, ngăn nắp.

Tuy nhiên, việc chị tỉ mẩn lau chiếc bàn rồi tần ngần nhìn ngắm, rồi lại lau khiến người ta có cảm giác hình như chị đang lau... kim cương.

Chị đang không làm việc một cách thông thường mà là làm việc với một tình yêu lớn. Và tự nhiên, mọi người trong cơ quan tôn trọng chị, dù chị chỉ là nhân viên tạp vụ.

Ray Kroc - người sáng lập McDonald’s, một trong 10 doanh nhân vĩ đại nhất nước Mỹ mọi thời đại và là một trong 100 nhân vật kiệt xuất của thế kỷ 20 - đã đúc kết: Nếu bạn làm việc chỉ vì tiền thì không bao giờ bạn có tiền, còn nếu làm việc với tình yêu công việc thì bạn sẽ thành công.

Một đất nước mà có những công dân luôn làm đúng việc và làm tốt việc, đất nước đó chắc chắn sẽ thịnh vượng.

Một con người làm việc với một tình yêu và trách nhiệm, con người đó chắc chắn sẽ thành công.

Và khi đó, những chuyện như “năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 1/15 người Singapore”, “cái tăm cũng phải nhập”, “cái ốc vít làm không ra...” chỉ là chuyện của thời quá khứ.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên