Khiêu vũ không còn dành riêng cho lớp trẻ!

Cập nhật: 25-02-2014 | 00:00:00

Khiêu vũ (KV) là sự phối hợp nhịp nhàng, tinh tế giữa tâm thể và thân thể, giữa âm nhạc và những bước nhảy. Khi KV, toàn bộ cơ thể từ chân, tay, hông, bụng, cổ... được vận động liên tục nên cơ thể săn chắc, thon gọn, mềm dẻo và linh hoạt hơn. Ngoài ra, KV còn giúp mọi người mở rộng mối quan hệ, tự tin trong giao tiếp. Do đó, bộ môn nghệ thuật này hiện được nhiều người chọn tập luyện, trong đó có những người lớn tuổi.

 

Một buổi tập khiêu vũ của các hội viên CLB Dưỡng sinh phường Thuận Giao, TX.Thuận An

Hiện nay, hầu hết các huyện, thị, thành phố đều có câu lạc bộ (CLB) KV. Đối tượng tham gia tập luyện đa dạng, đủ lứa tuổi, ngành nghề. Hướng dẫn viên Quang Minh của CLB KV Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao TP.Thủ Dầu Một, cho biết: Muốn KV được, học viên phải có niềm đam mê “cháy bỏng”, nếu không rất khó để tập luyện. KV có lợi cho sức khỏe, cho vẻ đẹp thân thể cũng như vẻ đẹp tâm hồn của mỗi người. Với âm nhạc và những bước nhảy, khoảng cách giữa người với người được thu ngắn lại.

Ngoài KV thể thao (dance sport), KV cổ điển dành cho các bạn trẻ, trung niên, hiện nay bộ môn nghệ thuật này còn dành cho quý bà, quý ông tuổi thất thập. Đặc biệt, “món ăn” lạ này đã được 31 CLB dưỡng sinh các xã, phường trong TX.Thuận An đưa vào tập luyện. Theo Chủ tịch Hội TDDS TX.Thuận An, hướng dẫn viên TDDS-KV Nguyễn Văn Ánh: “Những buổi tối rỗi xem ti-vi, thấy các chương trình KV hay hay, tôi nhận ra KV có thể giúp tôi vận động cơ thể, nên quyết định tự học. Qua 3 năm tập luyện, tôi áp dụng tập cho một số hội viên và được họ đồng tình đưa KV vào các buổi tập dưỡng sinh. Đối tượng là các cụ lớn tuổi, bởi vậy những động tác khó đều được tôi “cách tân”. Ngoài ra, bản thân tôi còn dùng những động tác tay của dưỡng sinh và chân trong các điệu nhảy để tạo ra những bài tập giúp các cụ vận động toàn thân. KV có tác dụng rất tốt trong việc phục hồi sức khỏe cho người cao tuổi, đặc biệt là đối với các bệnh về khớp, tim mạch, huyết áp cao...”.

Mặc dù mới đưa vào tập luyện nhưng KV đã được các cụ chào đón nồng nhiệt. Chỉ cần học 7 - 8 buổi người học đã nhảy được một vài điệu đơn giản như Rumba, Chachacha. Hứng khởi và mệt nhoài sau bài tập là một điệu Rumba, chị Nguyễn Thị Thoanh, xã Bình Nhâm (TX. Thuận An), tâm sự: “Thực ra ở nước ta nhiều người còn e ngại KV, bởi vì định kiến cũ. KV vốn là một môn thể thao. Nó giúp giải phóng một số năng lượng đáng kể nhưng lại không gây cảm giác áp lực lên người tập. Hơn nữa, nó còn giúp cho người nhảy có thân hình thon gọn, mềm dẻo và linh hoạt hơn”.

Tay trong tay với những điệu Valse dịu dàng và bản nhạc du dương, dường như người tập không còn khoảng cách với nhau. Họ quan tâm, dìu nhau trong từng động tác nhảy và sau buổi tập lại càng gắn bó hơn. “Để học KV người ta phải dám vượt qua mọi lời thị phi của người xung quanh, phải có bản lĩnh để vượt qua những định kiến đó để đến với đam mê của mình”, bác Lê Văn Toàn (xã Hưng Định), tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Ánh cho biết thêm, trong quá trình tập luyện KV, người cao tuổi cần nắm các nguyên tắc: Tập các động tác từ đơn giản đến phức tạp. Thời gian và cường độ tập phù hợp với sức khỏe, với tình trạng bệnh tật của mỗi người. Những người bị tăng huyết áp, rối loạn tiền đình, gai cột sống và tổn thương khớp nặng chỉ nên tập những động tác nhẹ nhàng, đơn giản. Khi KV, người cao tuổi gân cốt không còn mạnh nên tránh các điệu quá cuồng nhiệt, sôi nổi và không nên thực hiện các bước te sâu. Nên tham vấn các nhà chuyên môn để chọn những vũ điệu phù hợp với đặc điểm tâm lý, sức khỏe người cao tuổi.

 

 THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên