Hội thi Tìm hiểu nhạc cụ dân tộc tại các trường học trên địa bàn TP.Thuận An là sân chơi bổ ích, góp phần khơi gợi niềm đam mê âm nhạc dân tộc trong các em học sinh, thế hệ kế thừa nền văn hóa đậm đà bản sắc của Việt Nam.
Học sinh hào hứng tham gia hội thi Tìm hiểu nhạc cụ dân tộc tại trường Tiểu học Bình Thuận
Có dịp mục sở thị không khí sôi nổi của hội thi Tìm hiểu nhạc cụ dân tộc và bản sắc dân tộc bằng hình thức “rung chuông vàng” tại trường Tiểu học Bình Thuận, chúng tôi như càng có thêm kỳ vọng về những đề án xây dựng hệ thẩm mỹ thưởng thức đúng đắn cho các bạn trẻ.
Theo cô Lương Thị Tố Uyên, Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Bình Thuận, nhằm giúp học sinh thấy được cái đẹp, cái hay để hiểu và yêu thích âm nhạc dân tộc, nhạc cụ dân tộc, trường tổ chức hội thi Tìm hiểu nhạc cụ dân tộc và bản sắc dân tộc. Mỗi chi đội cử 1 em tham gia thi trắc nghiệm 10 câu hỏi trên máy tính và 10 câu hỏi “rung chuông vàng”. Các câu hỏi xoay quanh các loại nhạc cụ dân tộc, ứng dụng của các loại nhạc cụ trong âm nhạc truyền thống… Qua đó, giúp vun đắp tâm hồn, nhân cách của học sinh cũng như lưu giữ những giá trị truyền thống của dân tộc thông qua việc giáo dục âm nhạc dân tộc.
Trong thời đại công nghệ 4.0, văn hóa ngoại du nhập vào Việt Nam rất nhiều. Tuy nhiên, âm nhạc truyền thống của Việt Nam vẫn luôn thu hút giới trẻ và sự quan tâm của các ngành, các cấp để bảo tồn và phát huy những nét độc đáo của loại hình tinh hoa này. Để công tác gìn giữ và phát huy những loại hình nghệ thuật truyền thống bền vững, nhiều đề án, kế hoạch đã được triển khai thực hiện. Tùy vào tình hình thực tế, mỗi địa phương đã có những cách làm khác nhau. Với những cách làm thiết thực và bổ ích, TP.Thuận An đã phần nào định hướng thẩm mỹ trong các em học sinh về cách thưởng thức âm nhạc dân tộc.
Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Phạm Nguyễn Phương Thà, Phó Bí thư Thành đoàn Thuận An, Chủ tịch Hội đồng Đội TP.Thuận An, cho biết năm 2019, thành phố đã tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử tại trường THCS Nguyễn Trung Trực (phường Hưng Định). Chương trình thu hút gần 2.000 học sinh của phường tham gia. Và đây cũng là phường được chọn làm điểm triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc tại các trường học. Sau chương trình, đồng loạt các trường trên địa bàn TP.Thuận An đã tổ chức, mời các nghệ nhân, tài tử về biểu diễn. Có trường tổ chức hội thi hát dân ca, tổ chức chương trình múa rối nước, hội thi tìm hiểu nhạc cụ dân tộc… Các hoạt động được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa hoặc sinh hoạt dưới cờ để tạo điều kiện cho các em học sinh tham gia.
Thầy Lê Nguyễn Xuân Thương, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trung Trực, cho biết âm nhạc dân tộc rất độc đáo nên đòi hỏi người thưởng thức cũng phải am hiểu về nó. Việc học sinh có thể phân biệt và gọi đúng tên các loại nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, tam thập lục, đàn tranh, sáo… đã là góp phần giúp các em hình thành những khái niệm ban đầu về âm nhạc dân tộc. Điều làm cho các em thích thú là được trải nghiệm, lên sân khấu để chạm và chơi thử các nhạc cụ dân tộc qua những chương trình ý nghĩa như thế này.
Một số bạn trẻ hiện nay yêu thích nhạc trẻ cũng dễ hiểu bởi họ tiếp xúc thường xuyên với dòng nhạc này. Vì thế, âm nhạc truyền thống cần phải được tổ chức, tạo điều kiện cho mọi người quan tâm, yêu thích nhiều hơn. Đưa âm nhạc truyền thống vào trường học không nhằm giúp mọi người cùng biết hát, trình diễn nhưng chính những hoạt động này sẽ giúp học sinh hiểu được những nét căn bản về âm nhạc dân tộc truyền thống để yêu thích và gìn giữ nó.
THỤC VĂN